“Tôi đã quen với việc không mang theo tiền mặt khi đi chợ, bây giờ chỗ nào cũng có QR Code để quét mã trả tiền mà. Hàng nào không có là lạc hậu đấy nhé”, chị Thái Ngọc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dí dỏm nói.
So với trước đây, thói quen thanh toán không tiền mặt đã và đang phủ sóng khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Không chỉ giới trẻ ưa chuộng, các cô chú lớn tuổi, buôn bán nhỏ lẻ ngoài vỉa hè, chợ dân sinh cũng đã và đang thích ứng với hình thức thanh toán hiện đại này.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều khu chợ trên địa bàn Hà Nội, hầu như điểm ăn uống, hàng quán rau củ quả, cá thịt nào cũng treo mã thanh toán QR Code. Dù cho khách hàng mua mớ rau 5k, uống một ly trà đá hay thậm chí gửi chiếc xe để ra vào chợ, tất cả đều không cần đưa tiền mặt vì đã có QR Code lo.
Dù tiện lợi nhưng cũng lắm tình huống khó xử, "dở khóc dở cười"
Phải công nhận rằng, hình thức thanh toán này rất tiện ích, tuy nhiên, cũng có nhiều tình huống hài hước xảy ra khi một bên quen chuyển khoản, còn một bên lại không thích kiểu trả tiền này.
Trường hợp của bác Nhã, bán trà đá tại khu vực Đền Sóc (Xuân La - Tây Hồ) là một ví dụ điển hình. Bác cho biết trước đây mình chưa quen với QR Code và cũng vì già rồi nên chẳng muốn cập nhật. Bởi vậy mà không ít lần, khách hàng uống trà đá rồi hỏi mã quét để trả tiền, bác Nhã không vui vẻ chút nào.
“Mấy đứa đi uống cốc trà đá có 3 nghìn thôi mà cũng hỏi tôi quét mã, tôi bảo tôi không có thế là chúng nó lôi tờ 500 nghìn ra bảo tôi trả lại. Nhiều khi bực mình lắm nhưng phải chiều khách. Rồi lần sau không thấy mấy đứa quay lại uống nước nữa”, bác Nhã kể lại.
Cũng giống như bác Nhã, chị Nguyễn Mỹ (bán rau tại chợ Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) từng phải trả lại khách số tiền lớn chỉ vì không có QR Code: “Thời gian đầu chị còn không biết dùng cái mã quét này nên mất khá nhiều khách vì họ không mang theo tiền mặt. Ngày xưa có khách hỏi mã để chuyển khoản là chị lại bảo không có. Nghĩ cũng buồn cười, mua mớ rau vài nghìn cũng chuyển khoản. Có khách đưa tận vài trăm nghìn trong khi chỉ mua mớ rau 5-10 nghìn”.
Bên cạnh đó, tình huống chuyển nhầm tiền hay mãi không thực hiện được giao dịch cũng khiến nhiều người không thoải mái. Chị Ngọc Ánh - chủ cửa hàng hoa quả tại chợ Ngã Tử Sở (Thanh Xuân) lo ngại: "Tôi từng bị kẻ gian dán QR Code giả lên sạp hàng, khiến khách chuyển nhầm tiền. Có những đơn hàng giá trị lớn mà tôi không hề hay biết, phải mất rất nhiều thời gian kiểm tra, sơ hở là mất trắng doanh thu một ngày. Cứ như trước đây, khách trả tiền mặt cho chắc chắn”.
Một khó khăn khác mà các tiểu thương thường gặp phải là việc kiểm tra và đối chiếu các giao dịch thanh toán. Trong những ngày đông khách, việc kiểm tra từng giao dịch QR Code rất mất thời gian, chưa kể đến việc thỉnh thoảng cũng xảy ra sai sót do khách quét nhầm mã hoặc chuyển sai số tiền.
Về phía khách mua hàng, họ cũng đôi lần gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười khi trong người không đem theo tiền mặt mà chủ quán lại chẳng có QR Code.
Bạn Ngọc Linh (Đống Đa, Hà Nội) kể lại: “Có lần em đi mua rau rồi hỏi cô bán hàng mã QR, cô bảo không có và yêu cầu trả tiền mặt. Lúc ấy em không mang theo 1 đồng nào, đành phải bỏ mớ rau lại. Em vội vàng về nhà lấy tiền lẻ chứ đi hàng khác cũng không cho quét mã thì khỏi có rau ăn luôn”.
Theo quan điểm của nhiều khách hàng hiện nay thì họ đã gặp phải nhiều tình huống ái ngại khi không thể mua hàng vì chủ quán không nhận tiền chuyển khoản. Theo họ, hầu như ai ai cũng sử dụng mã QR Code, tốt nhất là chủ cửa hàng nên có để người mua đỡ phải cầm đống tiền lẻ thừa về. Dù là 3 nghìn hay 5 nghìn, khách cũng quét cho tiện.
Đã là xu thế, ai cũng cần nhanh chóng thích ứng
Việc thanh toán này đã dần trở nên quen thuộc, thay thế hình thức giao dịch bằng tiền mặt để bảo đảm quá trình giao dịch an toàn hơn giúp người dân tiết kiệm thời gian, tốc độ thanh toán nhanh, dễ dàng và linh hoạt, đồng thời hạn chế việc bị trộm cắp tài sản, tiền giả. Đây được coi là xu thế và tất nhiên nếu không cập nhật, chúng ta sẽ lạc lõng giữa thời đại công nghệ.
Đối với tiểu thương, họ sẽ không phải trả lại tiền thừa trong khi khách mua mớ rau 5 nghìn lại đưa tờ 500 nghìn. Còn đối với khách hàng, đi chợ sẽ không cần mang theo tiền lẻ, rất thuận tiện khi quên tiền mặt.
"Mình không rút quá nhiều tiền mặt mà thường dùng hình thức chuyển khoản, trả bằng ví điện tử tới 80%. Mình thấy khá là tiện khi ra ngoài đường, an toàn hơn cũng như giúp việc thanh toán trở nên nhanh chóng, dễ dàng.
Bây giờ các cô chú bán hàng hầu như đều có mã QR Code hoặc ví điện tử nên việc thanh toán cũng dễ dàng hơn. Mình nghĩ mọi người đang sống trong thời đại chuyển đổi số nên việc tiếp cận công nghệ là cần thiết, ai cũng phải dần thay đổi theo sự thay đổi của xã hội", bạn Mỹ Lan chia sẻ quan điểm.
Từ khi có mã QR Code, công việc bán rau quả của chị Loan ở chợ Long Biên cũng thuận lợi hơn. Ngoài việc khách hàng giao dịch trực tiếp khi đến mua rau tại cửa hàng chị còn có thể giao hàng online, khách hàng sẽ thanh toán qua QR Code cho chị sau đó chị sẽ gửi hàng qua nhân viên chuyển phát đến tay người tiêu dùng.
Bác Tuyết - chủ cửa hàng bán quần áo tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) chia sẻ: "Trước đây tôi không tin vào việc thanh toán qua QR Code, một phần vì lớn tuổi không biết sử dụng điện thoại thông minh, một phần vì nghe mọi người nói việc thanh toán qua QR code rất dễ bị lừa. Nhưng đến bây giờ khi đã có thể sử dụng QR Code để thanh toán tôi lại thấy việc thanh toán này rất an toàn, tiện lợi".
Nếu trước kia, việc thanh toán không tiền mặt chỉ được áp dụng ở một số địa điểm nhất định thì hiện tại nó đã phủ sóng khắp nơi, từ siêu thị, nhà hàng đến quán xá ven đường, cô chú bán rau cá ngoài chợ. Hầu hết tất cả đều hài lòng với sự xuất hiện của phương thức giao dịch bằng QR Code bởi tính năng tiện dụng, an toàn mà nó mang lại.