Sau 3 ngày bị cơ quan chức năng khởi tố vụ án để điều tra về hành vi hành hạ trẻ em, từ trại tạm giam, 2 bảo mẫu đã nói lời xin lỗi trong nước mắt gửi đến cha mẹ các bé.
Bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) nghẹn ngào: "Giờ có nói gì thì cũng đã quá muộn rồi. Tôi vô cùng hối hận về hành vi của mình. Khi hành hạ các cháu tôi quên mất mình cũng là người mẹ. Nếu người khác đánh con như thế, lòng dạ mình cũng rất xót xa".
Bảo mẫu Phương nói lời xin lỗi các phụ huynh có con em bị hành hạ từ trại tạm giam.
"Tôi cũng có 2 đứa con nhỏ, giờ bị bắt vào đây mới thấm thía nỗi đau. Dù được đào tạo bài bản, có bằng cấp nhưng tôi đã quên mất những phương pháp sư phạm đã được học, để hành vi của mình liên lụy đến chồng con, người thân. Không biết mai này lớn lên con tôi có ngẩng cao đầu với xã hội được không, khi bạn bè biết chúng có một người mẹ bị xã hội lên án là độc ác…", Đông Phương nói.
Theo bảo mẫu này, để lấy lòng các phụ huynh đem con gửi, cô phải ép ăn để các cháu tăng cân. Nếu các cháu này nhìn "mũm mĩm" thì trường càng đông trẻ, doanh thu càng tăng. "Từ tận đáy lòng tôi rất muốn gửi lời xin lỗi đến các phụ huynh đã gửi con ở trường của tôi trong thời gian qua", chủ nhà trẻ tư thục mầm non Phương Anh hối hận.
Còn bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ Kiên Giang) nói: "Từ ngày bị bắt giam, nghe các anh điều tra viên nói về hành vi hành hạ người khác em đã nhận thấy lỗi lầm của mình. Khi ép các cháu ăn bằng đòn roi em không ý thức được hành động đó đã khiến mình đánh mất cả tương lai. Với những lỗi lầm đã gây ra do tuổi trẻ bồng bột, chỉ mong được cha mẹ các bé bao dung, tha thứ để em được làm lại cuộc đời".
Thiên Lý mong muốn được cha mẹ các bé bao dung, tha thứ để làm lại cuộc đời.
Ngày 18/12, làm việc với Đoàn công tác của UBND TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, cho biết lãnh đạo phường thiếu quyết liệt trong việc kiểm tra xử phạt khi phát hiện nhà trẻ Phương Anh hoạt động không phép. Quận sẽ rà soát tất cả các điểm nhận giữ trẻ là con của công nhân lao động trên địa bàn để hạn chế các vụ hành hạ trẻ em tương tự.
Ông Nhân kiến nghị: “TP hoặc Trung ương phải có giải pháp nào đó, làm sao có một mô hình nuôi trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi chất lượng để cho người dân gửi con được yên tâm. Khó khăn lớn nhất của quận hiện nay là hoạt động của các nhóm trẻ gia đình theo nhu cầu người dân, nhất là con em của công nhân lao động, tăng cao. Trường mầm non công lập chỉ giữ trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi. Còn trẻ em từ 6 - 18 tháng hầu như không có chỗ gửi, trong khi quận có đến 490.000 dân".
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sự việc đau lòng xảy ra là một bài học rất lớn, xử lý không kiên quyết thì hậu quả khôn lường. Ông yêu cầu quận xử lý vụ việc “càng nhanh càng tốt, càng chính xác càng tốt”. Theo ông Hà, quận phải rà soát lại trên địa bàn có bao nhiêu trẻ, đang gửi ở đâu, bao nhiêu trường công lập, tư thục, nhóm trẻ gia đình… để có giải pháp cụ thể.
Xem thêm thông tin vụ việc Bảo mẫu đánh trẻ ở Thủ Đức Những tội danh nào dành cho hai "bảo mẫu" độc ác Bảo mẫu "phù thủy": Lý giải cái ác Vụ đày đọa trẻ: Cục phó Cục bảo vệ trẻ em lên tiếng |