Ngày 10-3, một nguồn tin cho biết ông HVĐ, sinh năm 1972 (ngụ Gò Vấp, TP.HCM), báo cho chính quyền địa phương ba địa điểm mới nơi quân đội Nhật Bản chôn giấu 4.000 tấn vàng sau Thế chiến thứ hai là khu vực cửa Sứt, xã Phước Thể, Tuy Phong (Bình Thuận).
Ông Đ. cung cấp cho UBND xã Phước Thể sơ đồ chứng minh rằng hàng ngàn tấn vàng đang được giấu dưới ba cái giếng cổ. Theo đó, giếng thứ nhất cách biển 5m tại khu vực cửa Sứt. Giếng thứ hai cách biển 50m và cách giếng thứ nhất 500m về hướng nam. Giếng thứ ba cách biển 50m ở khu vực Đầm và cách giếng thứ hai 600m về hướng Nam.
Đỉnh núi Tàu đang được hoàn thổ, san lấp các hố đào và những hố đánh mìn nham nhở. Ảnh: P.NAM
Theo ông Đ., ông đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu nhiều tài liệu và được biết Thế chiến thứ hai, Nhật Bản xâm lược 12 nước châu Á trong đó có Việt Nam đã cướp bóc nhiều vàng bạc, châu báu đưa về nước. Năm 1943, tàu ngầm của Mỹ phong tỏa tuyến vận chuyển bằng đường biển về Nhật Bản nên nhiều vàng bạc, châu báu, đồ cổ được họ chôn giấu ở Việt Nam và Philippines. Ông Đ. khẳng định số tài sản cực lớn quân đội Nhật Bản chôn giấu tại ba cái giếng trên chứ không phải núi Tàu. Ông Đ. cũng cho biết đã đề nghị Viện Địa lý tài nguyên TP.HCM tiến hành các phương pháp địa vật lý để thẩm tra ba giếng nước này.
Theo ông Đ., kho chứa vàng nằm ở độ sâu 7-10m, dưới lớp bê tông dày 40cm. Nhiều người dân địa phương cho biết thêm các giếng nước này đã có từ lâu đời, khi họ đến đây định cư đã thấy. Các giếng này nằm sát biển và sau này nhiễm mặn nên bị lấp lại. Một người dân địa phương cách đây mấy năm tham gia vét một trong ba giếng nước này cho biết giếng này bình thường nên không tin có vàng giấu dưới giếng.