Không chỉ tuyển bóng đá, những vận động viên môn khác cũng chiến đấu lăn xả giành HCV cho VN

Ngày 12/12/2019 12:20 PM (GMT+7)

Không chỉ có các cầu thủ bóng đá, nhiều vận động viên của bộ môn khác cũng đã đổ máu tại đấu trường SEA Games 30 để giành những tấm huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam.

Trong trận chung kết môn bóng đá nữ - nam SEA Games 30, các cầu thủ của chúng ta đã chiến đấu bằng tất cả nỗ lực và tinh thần quả cảm để giành hai tấm HCV tại giải thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trên sân cỏ nhân tạo, cả cầu thủ nữ và nam của tuyển Việt Nam liên tục bị trầy xước, rách da, thậm chí vừa đổ máu vừa phải tiếp tục lăn xả chiến đấu. Điển hình như hình ảnh hậu vệ Chương Thị Kiều băng bó vết thương rớm máu ở chân để tiếp tục vào sân chiến đấu hay khoảnh khắc đầu gối chân trái của Đoàn Văn Hậu chảy nhiều máu nhưng hậu vệ người Thái Bình vẫn thi đấu vững vàng…

Không chỉ tuyển bóng đá, những vận động viên môn khác cũng chiến đấu lăn xả giành HCV cho VN - 1

Hậu vệ Chương Thị Kiều được băng bó vết thương rớm máu ở chân để tiếp tục vào sân chiến đấu.

Những hình ảnh ấy đã lấy đi nước mắt của bao người hâm mộ Việt. Chỉ cần nhìn qua màn ảnh nhỏ, họ cũng phải thốt lên rằng: Không thành công nào không đổi lại bằng mồ hôi, máu và nước mắt.

Không chỉ có các cầu thủ bóng đá, nhiều vận động viên khác cũng đổ máu tại đấu trường SEA Games 30 để giành những tấm HCV. Nhưng những hy sinh và chiến công của họ dường như ít thu hút sự chú ý hơn so với bóng đá - môn thể thao vua, và chưa nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả tương xứng với thành tích mà họ cống hiến cho nền thể thao nước nhà.

Không chỉ tuyển bóng đá, những vận động viên môn khác cũng chiến đấu lăn xả giành HCV cho VN - 2

Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 30 mới nhất ngày 11/12: Việt Nam giành ngôi số 2

Nguyễn Thị Oanh co giật sau khi hoàn thành phần thi

Nguyễn Thị Oanh là một trong những ngôi sao sáng nhất thể thao Việt Nam nói chung và đội tuyển điền kinh nói riêng ở SEA Games 30 khi xuất sắc giành tới 3 HCV.

Trên đất Philippines, cô gái có dáng người bé nhỏ sinh ra tại Bắc Giang giành tấm HCV đầu tiên ở nội dung 1.500m nữ với thời gian 4 phút 17 giây 31, sau đó chinh phục tấm HCV 5.000m với thời gian 16 phút 45 giây 98.

Đến ngày thi đấu áp chót (10/12), Oanh tiếp tục tạo ra bất ngờ lớn khi cán đích đầu tiên nội dung chạy 3000m vượt rào nữ. Thậm chí với thời gian 10 phút 00 giây 02, Oanh không chỉ bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games 29 mà còn phá luôn kỷ lục của Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Ngay sau khi hoàn thành phần thi, Oanh đã gục xuống đường chạy và người co giật. 15 phút sau, Oanh vẫn ra mồ hôi như tắm. Trả lời phỏng vấn, cô gái Bắc Giang nói mà như khóc: "Cảm ơn các thầy đã giúp em chịu đựng được như thế”. Với khoảnh khắc xúc động này Oanh xứng đáng với biệt danh "Người không phổi".

Không chỉ tuyển bóng đá, những vận động viên môn khác cũng chiến đấu lăn xả giành HCV cho VN - 3

Ngay sau khi hoàn thành phần thi, Oanh đã gục xuống đường chạy và người co giật.

Nữ vận động viên marathon kiệt sức, phải phục hồi bằng bình oxy sau khi về đích

Với 7 vận động viên tham dự, nội dung marathon nữ tại kỳ SEA Games 30 chỉ có duy nhất 5 gương mặt hoàn thành cuộc đua. Không những thế, cô gái Phạm Thị Hồng Lệ sau khi cán đích vào sáng 6/12 đã ngay lập tức nhận sự trợ giúp từ đội ngũ y tế.

Theo đó, dưới thời tiết nắng nóng và oi bức, sau khi hoàn thành 42 km ở nội dung marathon, nữ vận động viên lập tức được chăm sóc đặc biệt và thở phục hồi bằng bình oxy. Đây là lần đầu tiên Hồng Lệ tham dự một kỳ Đại hội. Cô đã cán đích với thành tích 3 giờ 2 phút 52 giây, chỉ xếp sau hai VĐV Philippines.

Không chỉ tuyển bóng đá, những vận động viên môn khác cũng chiến đấu lăn xả giành HCV cho VN - 4

Hồng Lệ kiệt sức, phải phục hồi bằng bình oxy sau khi về đích.

Hình ảnh Hồng Lệ bị kiệt sức, bị căng cơ chuột rút toàn thân phải nhờ sự chăm sóc của bác sĩ, đồng đội hỗ trợ khi lên nhận huy chương đã gây xúc động mạnh cho đông đảo mọi người.

Cô gái sinh năm 1998 tâm sự: “Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu tôi bị chuột rút và thở bằng oxy khi về đích. Cung đường ở đây dốc cộng với thời tiết khắc nghiệt khiến tôi không thể đạt được thành tích như mong muốn. Dù vậy, tôi vẫn vui vì những gì mình đã nỗ lực ngày hôm nay”.

Việc Hồng Lệ giành HCĐ rất đáng khen ngợi và tấm huy chương dù là màu gì cũng được đánh đổi bằng rất nhiều thứ.

Giọt nước mắt của các vận động viên nữ khi đoạt huy chương

Chiều 8/12, Lê Tú Chinh bật khóc khi giành HCV điền kinh nội dung 100m nữ với thời gian 11 giây 54, qua đó đánh bại đối thủ nhập tịch của Philippines đúng 0,01 giây. Đây là tấm HCV đầu tiên của "cô gái vàng" ở cự ly ngắn của điền kinh Việt Nam tại SEA Games lần này.

Sáng 5/12, vận động viên Trần Thị Thêm giành HCV pencak silat ở nội dung đối kháng hạng cân dưới 55 kg trước đối thủ Kause Jeni Jeni người Indonesia. Nữ võ sĩ đã bật khóc sau đó vì đây là tấm huy chương cô đã chờ đợi trong 3 kỳ SEA Games gần đây. Trước đó, Trần Thị Thêm bị đau ở hông và chân trong lúc thi đấu trước đối thủ nhưng nén đau để đạt kết quả tốt nhất.

Không chỉ tuyển bóng đá, những vận động viên môn khác cũng chiến đấu lăn xả giành HCV cho VN - 5

Lê Tú Chinh bật khóc trong vòng tay của HLV khi giành HCV điền kinh nội dung 100m nữ.

Vương Thị Huyền trải qua nỗi đau mất cha trước thềm SEA Games không lâu, nhưng vận động viên của đội cử tạ Hà Nội thi đấu xuất sắc để giành tấm HCV SEA Games hạng 45 kg nữ chiều 1/12. Trong giây phút xúc động, nữ đô cử nói muốn dành vinh quang cho người cha và mẹ đã khuất.

Không chỉ tuyển bóng đá, những vận động viên môn khác cũng chiến đấu lăn xả giành HCV cho VN - 6

Vương Thị Huyền bật khóc khi nghĩ đến người cha quá cố.

Đây cũng là tấm HCV có ý nghĩa đặc biệt với Vương Thị Huyền khi trước đó, cô giành được huy chương ở mọi cấp độ từ đấu trường châu Á cho đến thế giới, nhưng chưa một lần chạm tay đến đỉnh cao SEA Games.

Ngoài những cái tên trên, còn rất nhiều "chiến binh vàng" của Việt Nam cũng đang ngày ngày rèn luyện, sẵn sàng chấp nhận chấn thương để thi đấu vì trọng trách mang huy chương về cho Tổ quốc. Dẫu biết rằng, việc hy sinh những giây phút cuối cùng bên người thân, chịu đau đớn vì chấn thương, hy sinh nhan sắc... để theo nghiệp thể thao là một lựa chọn. Tuy nhiên, nếu bên cạnh lựa chọn của bản thân, các tuyển thủ có thêm sự động viên, ủng hộ của hàng triệu khán giả quê nhà, có lẽ nỗi đau sẽ phần nào được chia sẻ, niềm vui chiến thắng sẽ được nhân lên.

Vì thế, hãy sát cánh bên các vận động viên nhiều hơn, quan tâm đến quyền lợi, mức sống của các tuyển thủ, lắng nghe mong muốn của họ nhiều hơn để Việt Nam ngày càng có thêm những "ngôi sao vàng" tỏa sáng trên đấu trường thể thao khu vực và quốc tế.

U22 Việt Nam vô địch: Khoảnh khắc khán giả ứa nước mắt, nhất là hình ảnh của Trọng Hoàng-Văn Hậu
Khó ai có thể quên được những khoảnh khắc xúc động trong trận đấu tranh HCV tối qua của các cầu thủ đội tuyển U22 Việt Nam.
K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h