Giống như người dân trên khắp châu Á, những người ở thành phố Vũ Hán cũng đang chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên đán vừa gần gũi nhưng cũng vừa lạ lẫm hơn bao giờ hết.
Trên một con hẻm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, những chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ được giăng từ đầu đến cuối hẻm nhưng khách hàng chỉ lác đác vài người đến xem. Trong một cửa hàng bán đồ trang trí, bà Gong Linhua nhớ lại không khí Tết những năm trước đây, khi cửa hàng của bà chật cứng khách hàng và những con phố bên ngoài cũng nhộn nhịp những chiếc xe bán đồ ăn nhanh.
"Đây là lần đầu tiên trong 20 năm kinh doanh, tôi gặp phải hoàn cảnh này", bà Gong Linhua chia sẻ. Người phụ nữ ở độ tuổi ngoài 60 dự định sẽ nghỉ hưu sớm nếu nền kinh tế không có gì đổi sắc.
Hơn một năm trước, thành phố Vũ Hán trở thành ổ dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới sau khi chính quyền phát hiện một số trường hợp nhiễm căn bệnh viêm phổi lạ xung quanh chợ hải sản Hoa Nam. Căn bệnh lây lan rất nhanh và đến nay đã lây nhiễm sang hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành phố Vũ Hán từng phải phong tỏa trong vòng 76 ngày, nội bất xuất ngoại bất nhập để phòng chống dịch bệnh. Khi đó, cả thế giới hướng về Vũ Hán nhưng đến giờ đây, khó khăn đã qua. Vũ Hán chưa hoàn toàn hết dịch nhưng đang cố gắng trở lại nhịp sống trước đây.
Mặc dù vậy, trong những ngày sát Tết âm lịch, không khí vắng lặng khác lạ vẫn bao trùm khắp cả thành phố do nhiều người sợ lây nhiễm, đồng thời cũng do chính sách phòng chống dịch bệnh của chính phủ. Đối với nhiều người, đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời họ trải qua một cái Tết như vậy.
Chính quyền Trung Quốc đang hết sức lo ngại về việc hạn chế đi lại và các hoạt động cho Tết Nguyên đán, một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm. Đó cũng là một cú sốc đối với các ngành vận tải và du lịch như hàng không, tàu hỏa, xe khách hay khách sạn. Ngoài ra, một số ngành như dịch vụ kinh doanh đồ ăn hay cửa hàng bán đồ trang trí cũng gặp khó khăn.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến năm mới, bà Wang Cuilan vẫn lạc quan mặc dù doanh số bán hàng năm nay chỉ bằng một nửa so với mọi năm. Bà và chồng kinh doanh một cửa hàng bán đồ trang trí gần với cửa hàng của bà Gong Linhua đến nay đã khoảng 20 năm. Do việc kinh doanh tại các khách sạn, nhà hàng và địa điểm giải trí bị suy giảm nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc bán đồ trang trí của vợ chồng bà.
Năm ngoái, thành phố Vũ Hán bị phong tỏa chỉ 2 ngày trước Tết Nguyên đán, khi đó hầu như các mặt hàng Tết đã được bán hết. Nhưng năm nay thì khác, dịch bệnh kéo dài liên miên cả năm và đến Tết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bà Wang Cuilan chia sẻ: "Nếu tình hình dịch bệnh vẫn ổn định và nếu thời tiết tốt, tôi nghĩ chúng tôi có thể bán được hết hàng trong vòng 10 ngày tới".
Nhưng bán hàng không phải điều duy nhất trong tâm trí bà Wang Cuilan. Tết Nguyên đán là thời điểm gia đình đoàn tụ. Đối với những người lao động xa quê, những người phải rời quê hương để co công việc và thu nhập tốt hơn, họ chỉ trông chờ vào dịp này để về quê thăm gia đình, người thân và được nghỉ ngơi. Đó là chuyến đi có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Bà Wang Cuilan có một cô con gái hiện đang sống ở tỉnh Hồ Nam. Bà tự hỏi không biết con gái có nhớ nhà, nhớ bố mẹ khi 2 năm liên tiếp phải ăn Tết xa nhà hay không.
Chính phủ Trung Quốc không ngăn cấm người dân về quê ăn Tết nhưng đang khuyến khích người dân "ăn Tết tại chỗ" để phòng chống dịch bệnh. Bà Wang Cuilan nói: "Con bé rất muốn về. Đáng lẽ nó đã về nhà nếu chính quyền không đưa ra những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn".
Trong 3 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm nay tại Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 28/1 và kéo dài trong khoảng 40 ngày, các chuyến đi bằng máy bay, tàu hỏa và ô tô đã giảm khoảng 75% so với năm ngoái.
Khi hoàng hôn buông xuống trên thành phố Vũ Hán, những người bán hàng Tết bắt đầu dọn đồ, lần lượt kéo từng chiếc đèn lồng và những chú gấu bông hình con trâu, đem xếp vào hộp trong nhà. Chỉ cần qua Tết, những món đồ này sẽ trở nên hoàn toàn không có giá trị bởi những con vật tượng trưng theo năm chỉ xuất hiện 12 năm một lần.