Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món

Ngày 25/01/2020 00:08 AM (GMT+7)

Tết Nguyên đán với những quốc gia này cũng là dịp để mọi người hướng về gia đình, sum họp sau một năm mưu sinh vất vả. Đó cũng là dịp để người người cầu chúc bình an, chuẩn bị năng lượng cho một năm mới.

Trung Quốc

Người bạn láng giềng này chắc chắn không còn xa lạ với bất cứ ai trong số chúng ta. Tết Nguyên đán của người Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng với người Việt Nam. Với đất nước đông dân nhất nhì thế giới này, Tết Nguyên đán là ngày lễ nghỉ dài nhất trong năm, kéo dài khoảng 40 ngày. Ngay từ ngày 10/1, hàng tỷ người dân Trung Quốc từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu cuộc Xuân vận, cuộc di cư lớn nhất của loài người trên hành tinh để về quê ăn tết. Và phải đến tận rằm Tháng giêng thì người Trung Quốc mới coi là hết tết.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 1

Vào ngày Tết, nếu ở Việt Nam có dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, có giao thừa, chúc tết, lì xì... thì ở Trung Quốc cũng vậy. Người Trung Quốc cũng quan niệm lau dọn nhà cửa đón năm mới là xua đi điềm xấu, cái không may, chào đón những thứ tốt đẹp trong năm mới. Họ rất yêu chuộng màu đỏ, màu của may mắn. Vì vậy, gia đình nào cũng sơn lại cửa nhà, dán nhiều câu đối, tranh tường màu đỏ để chuẩn bị đón Tết. Vào dịp này, nếu đến bất cứ ngôi nhà nào tại Trung Quốc bạn sẽ thấy những vật trang trí có hình số 8 (đọc chệch thành chữ "phát" nên được coi là biểu tượng của may mắn), quả quýt (tượng trưng cho hạnh phúc) và hoa sen (tượng trưng cho sự tái sinh, phát triển).

Việt Nam có các món ăn truyền thống trong dịp Tết như bánh chưng, bánh giày, giò lụa, canh măng thì Trung Quốc có bánh bao, sủi cảo. Ngoài ra, người Trung Quốc còn quan niệm một số món ăn mang ý nghĩa đặc biệt cho năm mới. Rượu và củ cải tượng trưng cho tuổi thọ, ớt đỏ biểu tượng cho may mắn, cơm là sự hài hòa. Họ cũng chế biến cá, gà và những động vật khác nguyên con để thể hiện sự thống nhất, thịnh vượng.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 2

Tết Nguyên đán của người Trung Quốc kéo dài cho đến tận ngày rằm tháng Giêng và kết thúc bằng lễ hội đèn lồng. Đây là lễ hội có lịch sử hơn 2.000 năm và có ý nghĩa tinh thần rất lớn với người Trung Quốc. Họ quan niệm ánh sáng từ những chiếc đèn lồng sẽ xua đi bóng tối mùa đông, báo hiệu cho một mùa xuân đã tới và kết thúc chuỗi ngày ăn mừng Tết Nguyên đán. Có rất nhiều hoạt động vui chơi trong dịp này, nổi bật nhất là hoạt động thả đèn hoa đăng. Người tham gia sẽ viết những điều ước của mình cho năm mới và đồng loạt thả đèn lên trời. Người Trung Quốc tin rằng những chiếc đèn giấy sẽ gửi gắm điều ước của họ đến Thượng đế.

Mông Cổ

Tết cổ truyền của người Mông Cổ có tên là Tsagaan hay còn gọi là Bạch Nguyệt, thường trùng với Tết Nguyên đán của Việt Nam. Do có sự giao thoa giữa Trung Quốc và Nga nên Tết Nguyên đán của Mông Cổ khá khác biệt với phần lớn các quốc gia châu Á khác.

Trước Tết, người Mông Cổ sẽ có ngày Bituun để mọi người dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, đón một năm mới an lành, sạch sẽ. Vào tối ngày Bituun, các gia đình sẽ tụ họp, cùng nhau ăn bơ sữa và bánh bao để tiễn năm cũ, đón năm mới. Vào ngày này, người Mông Cổ cũng sẽ giải quyết hết nợ nần. Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ có tập tục uống trà. Chén uống trà được rửa sạch bằng sữa ngựa, sau đó chủ nhà rót chén trà đầu tiên, đem ra sân vẩy ra 4 hướng. Chén trà thứ hai dành cho người chủ gia đình sau đó sẽ mời những thành viên còn lại.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 3

Lễ Tsagaan bắt đầu báo hiệu mùa đông băng giá sắp chấm dứt, mùa xuân sắp về, là dịp để các gia đình sum họp. Không như Việt Nam hay Trung Quốc, Tết của người Mông Cổ xuất hiện nhiều màu trắng. Họ đặc biệt yêu thích màu trắng, màu của sự thuần khiết, cát tường, may mắn. Vào dịp này, người Mông Cổ sẽ mặc đồ truyền thống, tặng nhau những món quà và tiền mừng tuổi. Dĩ nhiên, các món quà thường có màu trắng.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 4

Các gia đình thường tập trung tại nhà người lớn tuổi nhất. Khi gặp người già, họ sẽ chào kiểu "zolgokh", nắm lấy khuỷu tay họ để thể hiện sự đỡ đần, tôn trọng. Sau đó, cả gia đình sẽ trò chuyện, chúc tụng nhau một năm mới an lành và cùng ăn uống vui vẻ. Mâm cỗ ngày Tết của người Mông Cổ khá thịnh soạn và nhiều món ăn cầu kỳ nên họ thường phải chuẩn bị từ trước đó nhiều ngày. Những món ăn ngày Tết truyền thống của người Mông Cổ đó là đuôi cừu, thịt cừu, các sản phẩm từ sữa, bánh bao, sữa chua airag. Điều đặc biệt là gia đình nào cũng có một đĩa bánh quy lớn xếp thành hình tháp, tượng trưng cho núi Sumeru.

Hàn Quốc

Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc có tên là Seollal, đây là một trong hai ngày Tết lớn nhất nước này (ngày còn lại là Tết Trung thu Chuseok). Vào dịp tết Seollal, người Hàn Quốc sẽ tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, gặp gỡ các thành viên trong gia đình, cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống. 

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 5

Người Hàn Quốc sẽ chỉ có 3 ngày nghỉ Tết, từ ngày cuối cùng của năm cũ cho đến mùng 2 Tết. Cả 3 ngày này, người phụ nữ sẽ dành để dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng phục vụ các thành viên trong gia đình. Người đàn ông sẽ sửa sang nhà cửa, dán giấy và tranh năm mới lên cửa để xua đuổi ma quỷ, cầu phúc cho năm mới. Trước lễ Seollal, mọi người bận rộn chuẩn bị thực phẩm và quà tặng. Quà cho bố mẹ thường sẽ là nhân sâm, mật ong, sản phẩm sức khỏe, ghế massage. Những đồ dùng khác như dầu gội, xà phòng tắm, kem đánh răng hay thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo truyền thống, cá khô, trái cây... cũng là những món quà tết thường thấy ở Hàn Quốc.

Trước giao thừa, người Hàn Quốc sẽ tắm nước nóng để gột rửa những điều xui xẻo trong năm cũ. Phong tục này gần giống như tục tắm nước mùi già của Việt Nam. Họ sẽ đốt lửa bằng củi trong đêm giao thừa với quan niệm tiếng nổ của gỗ sẽ xua đuổi ma quỷ.

Một điều đặc biệt là người Hàn Quốc sẽ không ngủ trong đêm giao thừa mà thức đến sáng. Họ quan niệm nếu ngủ trong đêm giao thừa thì lông mày sẽ bị bạc trắng. Có 2 phong tục lúc giao thừa: thứ nhất là làm và treo sàng đuổi quỷ dạ quang ở trước cửa để ngăn quỷ dạ quang vào nhà lấy dép trẻ em (đây được coi là điềm xui xẻo). Thứ hai là đón mua đấu gạo may mắn và treo trước cửa nhà hoặc trong bếp để cầu may.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 6

Mâm cỗ cúng tổ tiên của người Hàn Quốc rất phong phú với khoảng trên 20 món ăn được bày biện một lúc. Các gia đình thường mất cả ngày trước tết để chuẩn bị cho mâm cúng này với quan niệm đồ cúng càng ngon, trình bày càng đẹp thì ông bà tổ tiên sẽ hài lòng.

Vào ngày đầu năm mới, cả gia đình sẽ mặc hanbok hoặc trang phục chỉnh tề, tập trung trước ban thờ và cúi lạy gia tiên. Sau nghi lễ này, họ sẽ cùng ăn uống và chúc mừng năm mới. Món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp năm mới của người Hàn Quốc là món bánh gạo tteokguk.

Singapore

Singapore nằm trong khu vực Đông Nam Á nhưng có đến một nửa dân số là người gốc Hoa, do đó, Tết Nguyên đán của họ có sự giao thoa với Trung Quốc. Singapore được nghỉ tết 2 ngày nhưng tinh thần chơi tết thì phải kéo dài đến hết rằm tháng Giêng.

Vào ngày 23 tháng Chạp, người Singapore cũng tiễn ông Táo lên chầu trời. Họ sẽ đốt hình nhân ông Táo thay vì thả cá chép như chúng ta. Hình nhân được quét một lớp mật ong, đường và rượu ngọt để cầu ông Táo báo cáo những điều tốt đẹp về gia chủ.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 7

Sau đó, các gia đình sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa quần áo mới với hy vọng một năm tươm tất, an lành. Có 2 loại quả mà người Singapore dùng làm quà tết là quả quýt và dứa. Quả quýt phát âm theo tiếng Quảng Đông gần giống vàng, một thứ kim loại quý. Vì vậy, ở Việt Nam có đào, mai thì ở Singapore có quýt vào dịp Tết Nguyên đán. Quả dứa có phát âm trong tiếng Phúc Kiến giống từ "vượng lai" (phú quý tới) nên người dân sẽ dùng dứa làm nhân bánh quy đãi khách dịp tết.

Tết Nguyên đán của Singapore có 3 lễ hội lớn. Lễ hội Hoa đăng (thường diễn ra ngoài trung tuần tháng 1 dương lịch) tổ chức trước tết. Tùy vào năm âm lịch mà đường phố sẽ được trang hoàn theo con giáp của năm đó. Người dân và du khách đến Singapore sẽ được dịp du xuân và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị trong lễ hội Hoa đăng.

Lễ hội Singapore River Hongbao, một sự kiện văn hóa thường niên bắt đầu từ năm 1987. Hội bao gồm hàng loạt sự kiện giải trí cho người già, người lớn và trẻ em được tổ chức tại Công viên Esplanade.

Lễ hội đường phố Chingay, đây là lễ hội được hưởng ứng nhiệt tình nhất của tất cả người dân Singapore. Các nghệ sĩ sẽ hóa trang và diễu hành khắp các con phố lớn dọc khu vực cảng Marina, không thua kém bất cứ carnival ở các nước châu Mỹ Latin.

Malaysia

Cũng giống như Singapore, Malaysia là một nước đa sắc tộc và đông nhất là cộng đồng người Hoa. Vì vậy, Tết Nguyên đán cũng là một dịp vô cùng quan trọng đối với người dân nơi đây.

Những phong tục đầu năm mới như lì xì, đoàn tụ gia đình, đi chúc tết người thân bạn bè, múa lân, sư rồng giống với Trung Quốc, Việt Nam. Khi đến chơi Tết gia đình người Malaysia, bạn sẽ được thiết đãi nhiều món ngon và đặc biệt không thể thiếu quả quýt. Họ cũng quan niệm quả quýt mang lại may mắn, tài lộc giống như người Singapore.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 8

Tết Nguyên đán của người Malaysia đặc trưng với lễ hội "Chap goh me". Đây không phải lễ hội truyền thống của người Malaysia mà là một phong tục do người Hoa và người Việt mang đến. Người tham dự sẽ dán những điều ước năm mới của mình lên đèn lồng, sau đó mang những lời thỉnh cầu này lên chùa để được ban phước. Tuy không phải lễ hội truyền thống nhưng "Chap goh me" lại được rất nhiều người hưởng ứng.

Triều Tiên

Được mệnh danh là quốc gia "bí ẩn nhất thế giới", Tết Nguyên đán của Triều Tiên liệu có gì đặc biệt? Trước hết, ngày tết cổ truyền tại Triều Tiên cũng chính là lễ Seollal giống như Hàn Quốc. Trước đây, ngày Tết này bị lãng quên và phải đến năm 1989 nó mới được hồi sinh nhờ công của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Trước năm 1989, người Triều Tiên vẫn chỉ đón năm mới dương lịch.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 9

Các phong tục và truyền thống đón Tết Nguyên đán ở Triều Tiên không khác biệt nhiều so với Hàn Quốc. Điểm khác biệt lớn nhất là vào dịp Tết, người Triều Tiên có nghĩa vụ đến thăm và dâng hoa trước 2 bức tượng đồng của lãnh tụ Kim Nhật Thành và con trai ông, Kim Jong-il.

Phong tục đón Tết Nguyên đán tại châu Á: Trung Quốc nghỉ 40 ngày, Hàn Quốc làm cơm 20 món - 10

Khi phong tục đón Tết Nguyên đán được khôi phục, người Triều Tiên ăn tết tới 3 lần trong năm. Lần thứ nhất là Tết Dương lịch, lần thứ hai là Tết Nguyên đán Seollal và lần thứ ba là Tết Chủ thể (Juche) vào ngày 15/4. Đây chính là ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Năm 2020, người Triều Tiên sẽ đón tết Juche thứ 109.

3 tỷ lượt người TQ di cư về quê ăn Tết, sân ga nghẹt thở, chật cứng kinh hoàng
"Cuộc di cư lớn nhất thế giới" khi hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê ăn Tết đã diễn ra. Dịp nghỉ lễ năm nay kéo dài khoảng 40 ngày và thế giới...
Bảo Linh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán