Không chỉ làm việc online, học tập online, giờ đây mọi người hoàn toàn có thể đi lễ nhà thờ, lễ chùa online trong mùa dịch COVID-19
Trong mùa dịch COVID-19, cùng với chính quyền và các đội ngũ Y tế, các giáo dân theo Đạo Công Giáo (Thiên Chúa giáo) tại Việt Nam cũng chia sẻ những biện pháp phòng dịch để có thể đóng góp công sức cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, hàng loạt các Thánh lễ được cử hành online trên Giáo Hội Công Giáo toàn cầu; các nhà thờ/giáo xứ trong Tổng Giáo phận Hà Nội áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp như: giữ khoảng cách, rước lễ bằng tay, không bắt tay chúc bình an, rửa tay, đeo khẩu trang trước và trong khi ở nhà thờ, cắt giảm thời lượng Thánh lễ và các bài giảng, hoãn/hủy toàn bộ lịch dạy giáo lý, ban hành bí tích giải tội tập thể.
Trên Facebook xuất hiện những trang phát trực tiếp giúp giáo dân có thể đi lễ online
Thánh lễ được xuất bản một phiên bản mới qua hình thức online trên các website của các Giáo phận cũng như trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện. Tại website của Tổng Giáo phận Hà Nội, các Thánh lễ đã được cử hành online để phục vụ giáo dân không thể đến nhà thờ.
Chị Phạm Minh Châu (27 tuổi, TP.HCM) cho biết, trong mùa dịch chị và gia đình vẫn thường xuyên đi nhà thờ nhưng bằng hình thức online. "Đi lễ online thì đương nhiên là khác so với đi lễ bình thường. Thánh lễ làm trực tuyến thì vẫn gồm 2 phần, chỉ là phần rước lễ thay bằng rước lễ thiêng liêng. Về thời gian thì ngắn hơn bình thường, do không có phần rước lễ trực tiếp mà mọi người rước lễ thiêng liêng (đọc kinh cầu nguyện thêm tại nhà). Đi lễ tại gia tuy lạ lẫm nhưng lại dễ tập trung hơn khi đi đông người, còn lại mọi thứ vẫn như cũ".
Châu cũng cho biết, hiện tại chỉ có 1 kênh chính thống của Tổng giáo phận. Cũng như các thông báo trước đó, mọi thứ đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời cập nhật cho giáo dân bằng các hình thức: fanpage, cha Xứ => các ông trùm khu => các gia đình người Công giáo (có thể xem như mô hình quận => phường => các hộ).
Châu chia sẻ một kỷ niệm vui nho nhỏ khi đi lễ nhà thờ online mùa dịch: "Xóm mình người theo Đạo khá nhiều, có cả người già. Họ chưa biết sử dụng công nghệ, máy móc, nên có cụ ông đề xuất tập trung xem thành lễ tại nhà của 1 ai đó trong xóm. Nhưng như vậy lại không khác tụ tập đông người là bao. Vậy nên các bạn trẻ trong xóm đi từng nhà hướng dẫn, cài ứng dụng vào điện thoại, hỗ trợ các cụ hết mức trước khi thánh lễ diễn ra. Nhìn hình ảnh đó mình thấy rất vui".
"Gia đình mình cảm thấy lạ hơn. Bên cạnh đó, cũng cảm thấy rất vui, vì qua chuyện này, nhiều người có cái nhìn đúng đắn hơn về Đạo Công giáo. Đạo Công giáo không và chưa bao giờ đi ngược lại lợi ích chung của xã hội như nhiều người vẫn lầm tưởng", Châu tâm sự.
Ngày 28/3 vừa qua, nick Facebook Nhi Đinh cũng vui vẻ chia sẻ hình ảnh bà ngoại mình đi lễ nhà thờ online. Hình ảnh bà cụ móm mém ngồi chăm chú trước máy tính bảng để đi lễ online khiến dân mạng thích thú.
Trong mùa dịch, nhiều người theo đạo công giáo đã lựa chọn hình thức đi lễ nhà thờ online
Bà cụ móm mém đi lễ không bỏ buổi nào khiến dân mạng thích thú
Chủ bài viết chia sẻ: "Đi lễ nhà thờ thời Corona. Bà ngoại em mọi người ạ! 87 tuổi rồi, tâm lúc nào cũng hướng tới Chúa. Ngày nào cũng bảo em chở bà đi nhà thờ để cầu nguyện. Nhưng đang dịch COVID-19, em nói giờ không ai cho tụ tập đông người, vậy là đòi cầu nguyện online như thế này đây. Mong sớm hết dịch để mọi người quay lại nếp sống thường ngày, để bà đi lễ nhà thờ chứ xem như thế này bà nói mỏi tay".
Không chỉ đi lễ nhà thờ online, giờ đây, với những tín đồ Phật giáo, chúng ta hoàn toàn có thể đi lễ chùa online vào ngày rằm, mùng 1 mà vẫn đảm bảo an toàn trong mùa dịch COVID-19. Hiện nay có khá nhiều trang web lễ chùa online với giao diện không khác gì một ngôi chùa truyền thống, thậm chí có phần lung linh, huyền bí hơn cùng những bài tụng kinh quen thuộc.
Các trang web có giao diện tương đồng với hình ảnh thực tế bên ngoài
Giờ đây bạn hoàn toàn có thể đi lễ chùa online
Các trang web này có đầy đủ những hình thức tâm linh cơ bản: thắp hương, phòng hộ niệm – cầu an, phòng lễ giỗ ông bà, tủ sách về các bài kinh, lịch sử Phật giáo, các bản audio chuyện kể Phật giáo, phật pháp cho người mới bắt đầu… Từ nghi lễ thắp hương đến di chuyển lần lượt từng ban thờ, đọc kinh… đều có thể thực hiện bằng các thao tác kích chuột đơn giản.
Trước đó, ngày 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người và yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở vấn đề này. Trước bối cảnh này, các tôn giáo ở Việt Nam cũng đã tạm dừng các đại lễ tập trung đông người và thực hiện hành lễ trực tuyến để chống dịch COVID-19. |