Chúng ta không dùng tàu chiến để đối đầu mà đấu tranh ôn hòa, lâu dài với Trung Quốc. Hải quân Việt Nam luôn theo sát tình hình và có phương án về lực lượng, phương tiện để chuẩn bị cho mọi tình huống.
Dù Trung Quốc đã điều 1 tàu hộ vệ tên lửa và 2 tàu tuần tiễu tấn công nhanh đến nơi hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trái phép nhưng Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm và Phó Tư lệnh Hải quân, Chuẩn Đô đốc Lê Minh Thành, đều khẳng định: “Thời điểm này chưa phải là lúc dùng tàu chiến để đối đầu tàu chiến”.
Trung Quốc dùng tàu chiến khiêu khích
Về sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc xung quanh giàn khoan Haiyang Shiyou-981, Chuẩn Đô đốc Lê Minh Thành cho biết, đây là lực lượng đã có mặt từ trước, gần vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam chứ không phải Trung Quốc mới điều ra.
Hiện chưa có va chạm nào xảy ra giữa tàu chiến Trung Quốc với các lực lượng của ta. Tuy nhiên, theo ông Thành, sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, lúc này là có tính khiêu khích, gây căng thẳng và phức tạp tình hình nhưng chúng ta cũng chưa cần phải dùng đến tàu chiến để đối đầu.
Ông Thành nêu lập trường của Hải quân Việt Nam: “Mọi hành động xâm phạm chủ quyền đều có mức độ và giới hạn. Sức mạnh quân sự của Hải quân Việt Nam hiện tại đủ để chúng ta cân bằng lực lượng với Trung Quốc nhưng Hải quân Việt Nam vẫn chưa tính tới việc điều tàu chiến ra Hoàng Sa dù phương tiện và phương án lúc nào cũng có sẵn”.
Ông Thành khẳng định sự hiện diện của các lực lượng dân sự, bảo vệ thực thi pháp luật biển của Việt Nam và quốc tế trên vùng biển này gồm cảnh sát biển, kiểm ngư là đủ để đấu tranh với sự xâm phạm của Trung Quốc. Ông ví von: “Cũng như khi đất nhà ta bị kẻ xấu xâm phạm, việc đầu tiên là chúng ta phải la lên nhưng tất nhiên, trong nhà chúng ta cũng dặn vợ con phải chuẩn bị”.
Hiện nay, Việt Nam chỉ dùng tàu cảnh sát biển để đấu tranh pháp lý trên vùng biển của chúng ta mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trái phép
Theo ông Thành, lúc này việc đấu tranh qua các kênh ngoại giao là cần thiết và quan trọng, đồng thời tránh làm tình hình gia tăng căng thẳng. “Nếu không kiềm chế, làm căng thẳng đối đầu bằng các biện pháp quân sự thì chúng ta sẽ mắc mưu của Trung Quốc. Đây thực chất là cái bẫy họ giăng ra. Vì thế, Hải quân Việt Nam nói riêng và các lực lượng trên biển của ta phải hết sức tỉnh táo” - Chuẩn Đô đốc Lê Minh Thành nhận định.
Không thể để Trung Quốc áp đảo
Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ giàn khoan Haiyang Shiyou-981 mà nước này đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ngoài duy trì khoảng 80 tàu, Trung Quốc còn gia tăng bán kính bảo vệ giàn khoan từ 5-7 hải lý lên thành 10-13 hải lý.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tàu ngư chính, hải giám, hải cảnh Trung Quốc tỏ ra rất hung hăng. Khi các lực lượng của Việt Nam tiếp cận giàn khoan để yêu cầu phía Trung Quốc rút lui thì các tàu này áp sát, chủ động dùng các biện pháp khiêu khích, làm hư hại.
Dù lực lượng chấp pháp trên biển của ta đang bị o ép nhưng Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho rằng lúc này, chúng ta chưa nên dùng đến tàu chiến để đối đầu. Theo Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cảnh sát biển của ta vẫn kiên trì thuyết phục, vừa cứng rắn vừa mềm mỏng.
“Tất nhiên là chúng ta yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng phải xác định chắc chắn đây là cuộc đấu tranh lâu dài. Lực lượng Cảnh sát biển cũng rút kinh nghiệm, không để tàu Trung Quốc đâm va gây hư hại nữa” - ông Đạm cho hay.
Hiện tại, 2 tàu lớn nhất của Cảnh sát biển với trọng tải 2.000 tấn và 1.500 tấn đã được điều ra vùng biển này làm nhiệm vụ chốt giữ. Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết: “Lực lượng của ta hiện hữu trên vùng biển này để dư luận quốc tế, dư luận Trung Quốc và nhân dân cả nước thấy rằng lúc nào chúng ta cũng có mặt trên vùng biển của mình. Đây là biển của mình, đất của mình, không thể để Trung Quốc áp đảo”.
Theo Chuẩn Đô đốc Lê Minh Thành, Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý đối với chủ quyền trên vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Tuy nhiên, các bằng chứng của chúng ta đưa ra cũng theo trình tự chứ không phải liền ngay một lúc. “Việc đấu tranh trên thực địa cũng vậy. Chúng ta có lực lượng mạnh, không ngại phía Trung Quốc nhưng khi nào sử dụng lực lượng ấy lại là tính toán của Chính phủ, của người chỉ huy” - ông Thành giải thích.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong ngày 10/5 vẫn tiến hành các biện pháp tuyên truyền, vận động bằng loa để Trung Quốc rút ngay giàn khoan. “Chúng ta có chính nghĩa và đang tận dụng sự ủng hộ của dư luận quốc tế nên có lợi thế trong cuộc đấu tranh lâu dài này. Việc Trung Quốc dùng tàu chiến còn ta không sử dụng càng cho thấy chính nghĩa và lẽ phải thuộc về Việt Nam” - ông Nguyễn Quang Đạm nhận định.