Khúc sông của những ‘thủy quái’ khổng lồ

Ngày 03/06/2014 16:02 PM (GMT+7)

Bắt nguồn từ sông Mê Kông, khúc sông Tiền đầu nguồn trải dài hơn 10 km qua địa phận xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Tân An (thị xã Tân Châu) được xem là nơi có nhiều loài “thủy quái”.

Con sông kỳ bíNếu sông Vàm Nao (Phú Tân) được xem là nơi sâu, nước chảy xiết với nhiều câu chuyện huyễn hoặc thì khúc sông Tiền ở đầu nguồn Tân Châu cũng có nhiều giai thoại kỳ bí. Theo những người dân ở đây, ngày xưa, khúc sông tại xã Tân An rộng hơn 1,2 km, vào mùa lũ nước chảy cuồn cuộn. Đến thời điểm giông chướng và giông bấc “giành ngọn” không ai dám bơi xuồng

Ngồi bên chiếc xuồng lưới, nhìm đăm chiêu về khúc sông Tiền, ngư dân Nguyễn Văn Dùm (Mười Dùm, 84 tuổi) chậm rãi: “Hồi đó, tôi chuyên giăng lưới cá hô trên khúc sông này. Mỗi lần muốn qua sông phải nhìn trời xem có giông gió hay không. Dòng sông này giáp ranh với nước bạn Campuchia. Khoảng 20 năm về trước, cá tôm nhiều vô kể, người dân chỉ bắt cá lớn, chứ cá nhỏ chẳng ai thèm”.

Nhớ lại thời kỳ hoàng kim trong nghề khai thác thủy sản, Mười Dùm tỏ ra rất rành những chỗ nông sâu, chỗ chảy xiết và nguy hiểm trên khúc sông này. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, vậy mà Mười Dùm vẫn còn rất khỏe. Tỉ mẩn, xỏ từng ghim chỉ vá lại giàn lưới Thái, Mười Dùm kể cho chúng tôi nghe về những lần ông giăng lưới dính cá hô, cá đuối, thậm chí dính cả “ông nược”.

Khúc sông của những ‘thủy quái’ khổng lồ - 1

Cá đuối “khủng” được ngư dân đánh bắt trên sông.

Mười Dùm trầm ngâm: “Sông này có chỗ sâu trên 30 m, nhiều cá to trú ngụ. Năm tôi 20 tuổi, tôi thả lưới trên sông dính được “ông nược” to hơn 100 kg (cá heo biển sống ở cửa sông). Rê giàn lưới khoảng 400 m ngang sông bỗng dưng có gì đó giật mạnh, biết là dính cá to, tôi phân lưới nhanh lên xuồng, nào ngờ dính “ông nược”. Ngay lập tức, tôi gỡ lưới để thả “ổng” về sông. Hầu hết, dân trong nghề “bà cậu” khi khai thác dính “ông nược” đều thả vì “ổng” rất hiền”.

Khi trò chuyện với những lão ngư ở ven Tiền, ai cũng cho rằng, ngày trước “ông nược” lội tung tăng trên sông. Mỗi lần thấy “ông nược” thì người dân kêu “nược đua”… “nược đua”, lập tức loài cá này có mặt bơi tung tăng trước mũi xuồng.Nhiều cá đuối trú ngụTừ khi người dân đẩy mạnh khai thác, đánh bắt thủy sản quá mức thì loài cá heo ở đây đi vào huyền thoại. Còn cá hô và cá đuối thì dân vạn chài vẫn đánh lưới dính. Ông Nguyễn Văn Thầu (54 tuổi), một thương lái chuyên thu mua thủy sản ở xã Tân An cho biết, đã thu mua hơn 20 con cá khủng, trong đó có cá hô, cá tra dầu, riêng cá đuối khoảng 10 con. Từ trước đến nay, loài cá đuối từ 40-200 kg thường sống ở biển khơi, nhưng lại xuất hiện trên khúc sông này là một điều rất kỳ thú.

Mới đây, ông Thầu thu mua con cá đuối nặng 60 kg đem cân cho mối lái ở chợ Châu Đốc. Theo ông Thầu, con cá đuối “khủng” này do Mười Dùm đánh lưới dính được. Nước giựt khoảng tháng 10 âm lịch là có nhiều ngư dân đánh bắt dính cá đuối hoặc cá hô to từ 100-160 kg.

“Mùa lũ năm 2011, chú Mười Dùm cũng đánh lưới dính con cá đuối nặng trên 165 kg. Khi bắt dính được con cá, ổng dùng dây xỏ ngang mũi rồi buộc trước đầu xuồng mang vào bờ. Cả xóm thấy con cá đuối to đến xem đông nghẹt. Cũng lạ, trong lúc cân con cá đuối thì chúng tôi còn phát hiện thêm những con cá đuối trong mình con cá mẹ...

Khúc sông của những ‘thủy quái’ khổng lồ - 2

Mười Dùm khét tiếng “săn” cá khủng.

Lúc đó, một thương lái ở Châu Đốc mua mỗi ký 120.000 đồng, nghe đâu sau đó bán lại cho một khu du lịch ở TP.HCM nuôi để phục vụ khách tham quan, với giá 240.000 đồng/kg”- ông Thầu nói.Theo nhiều ngư dân đánh bắt cá tại khúc sông này, nhiều năm qua, người dân liên tục đánh bắt dính cá đuối “khủng”. Đây là vấn đề mà đến nay vẫn chưa có lời giải xác đáng.Chỉ tay về khúc sông, Năm Cỏi nói rằng, ngày trước sông sâu nước chảy xiết, mỗi lần đem chài ra quăng là dính cá từ mí chì lên tận chớp.

Thậm chí, những lão ngư dân xưa kia còn dùng cách săn cá vồ đém, vồ cờ độc chiêu và hiệu quả. Họ bắt ong vò vẽ hớt một cánh, rồi ra sông thả. Khi từng con ong trôi theo dòng nước vỗ cánh lè tè, đàn cá vồ bắt hơi bay lên đớp mồi thì bị ong chích nổi phịch bụng. Sau đó, ngư dân chỉ cần xuống hạ nguồn cách đó vài km dùng vợt xúc cá.

Riêng Năm Cỏi trong mùa lũ năm nay cũng đã kéo lưới dính được một con cá đuối nặng 62 kg. Thường khi đánh bắt dính cá đuối, các ngư dân bán lại cho các thương lái để họ xẻ thịt, rồi bán lẻ hoặc bán lại cho các chủ quán, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh.Theo ngư dân, cá đuối được xếp vào loài khó bắt và có đặc tính lạ lẫm nhất so với các loài cá khủng khác. Nếu như cá hô, cá vồ cờ, vồ đém… thường ngớp trên mặt nước, thì cá đuối chỉ ngoi lên khỏi mặt sông khi trời sáng trăng. Mới đây, Mười Dùm tận mắt chứng kiến con cá đuối bằng chiếc đệm bàn nổi lên mặt nước trong đêm trăng, khiến ông và những người đi đánh lưới phải khiếp sợ.Mãi cho đến nay, các ngư dân vẫn thắc mắc tại sao khúc sông này lại tồn tại loài cá đuối khủng thật quý hiếm, càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của khúc sông này.

Theo T.C (Báo An Giang)
Nguồn:

Tin liên quan