Ngôi làng nhỏ ngay giữa Hà Nội, từ hàng ngàn năm nay, người dân không bao giờ gọi bố là “Bố” dù đó có là bố đẻ hay bố nuôi.
Gọi bố là ba, cha hoặc thầy
Nằm ngay gần trung tâm của Thủ đô, làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là một trong những ngôi làng trong phố còn giữ được những nét mộc mạc xưa kia.
Vẫn còn đó những con đường đất mòn, ngõ nhỏ lát gạch; cổng nhà rêu phong cổ kính hay những ngôi nhà ngói mũi, bên trong vẫn trang hoàng hệt thời xa xưa…Trong làng, người dân sống với nhau gần gũi, theo lối “tình làng nghĩa xóm”.
Ở Triều Khúc, dân làng vẫn giữ được những tập tục từ xa xưa giống như bao làng quê Việt Nam khác. Tuy nhiên, có một tục đặc biệt mà có lẽ chỉ có ở Triều Khúc đó là tục không gọi bố là “Bố”.
Kiệu rước Bố Cái đại vương Phùng Hưng trong lễ hội của làng Triều Khúc được tổ chức từ 10-12 tháng Giêng Âm lịch hằng năm
Ông Triệu Đình Vạn (84 tuổi) – một vị cao niên trong làng Triều Khúc cho biết, tập tục không gọi bố là “Bố” đã có từ hơn 1.000 năm nay. Nó đã thành một thứ lệ làng, tuy không bắt buộc nhưng ai cũng nhất nhất làm theo.
“Mọi người có thể gọi bố là ba, cha hoặc là thầy chứ không ai gọi là bố. Ngày xưa, con cái hay gọi bố mẹ là thầy u nhưng bây giờ giới trẻ gọi là ba mẹ nhiều hơn”, ông Vạn nói.
Những đứa trẻ từ khi bi bô tập nói đã được huấn luyện gọi bố là ba. Tiếng ba trở nên gần gũi và thân thuộc với những đứa trẻ Triều Khúc trong cả tiếng nói lẫn từ viết.
Vì thế mới có chuyện, con gái của chị Triệu Thị Vân Ánh – cán bộ văn hóa xã Tân Triều đi học ở trường khác, trong bài văn của mình, cháu sử dụng ba mẹ thay vì sử dụng bố mẹ như các bạn khác.
“Cô giáo bảo con tôi là có tham khảo sách văn mẫu Nam Bộ, cần sửa hết ba thành bố khiến con không hiểu gì. Nhiều lúc con còn trêu nhà mình không có bố nên tôi phải giải thích cho con về tập tục của làng”, chị Vân Ánh chia sẻ.
Không chỉ người làng Triều Khúc mà ngay cả những người dân đến thuê nhà hoặc mua đất xây nhà ở đây, sau một thời gian khi biết đến thông lệ của làng cũng thay đổi cách gọi từ bố sang ba hoặc cha.
Anh Hoàng Minh (SN 1984, quê Thái Bình) cho biết: “Tôi đến Triều Khúc mua nhà sinh sống từ năm 2009. Biết được tục của làng không gọi bố là bố nên tôi đã dạy con gái tôi gọi tôi là ba. Tôi thấy gọi bố hay ba vẫn ý nghĩa như nhau. “Đất lề quê thói” nên mình cứ hòa đồng với mọi người”.
Ông Triệu Đình Vạn cho biết, tục không gọi bố là “Bố” đã có ở Triều Khúc từ hơn 1.000 năm nay
Gọi “Bố” là phải tội với Thành hoàng làng
Thấy chúng tôi thắc mắc về tục lạ này, ông Triệu Đình Vạn giải thích: Làng Triều Khúc xưa kia là nơi Phùng Hưng đặt đại bản doanh để đánh thành Tống Bình.
Phùng Hưng đem quân tiến về Tống Bình, suốt dọc đường hành quân, dân chúng nô nức kéo nhau đón mừng nghĩa quân như đi hội. Nhiều người nhập đoàn quân, nên khi các đạo quân tiến sát chân thành Tống Bình thì Đô hộ phủ như một cù lao, giữa biển người mang binh khí trùng điệp.
Cao Chính Bình lo sợ phát bệnh mà chết. Đô quan Phùng Hưng kéo quân vào thành Tống Bình dựng nền tự chủ, trị nước.
Ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (728) Phùng Hưng lên ngôi vua và mất năm Mậu Thìn 788. Ngài mất khiến nhân dân cảm thấy như mất cha, mất mẹ. Thời xưa gọi Cha là Bố, Mẹ là Cái nên người dân tôn hiệu Phùng Hưng là: Bố Cái đại vương. Tiếp nối cha, con của Phùng Hưng là Phùng An lên ngôi trị vì đất nước.
Để tỏ lòng thành kính và biết ơn, dân làng Triều Khúc kiêng 4 chữ Hưng – tên Ngài, An – tên con trai Ngài, Bố - là Cha và Cái – là Mẹ.
“Trong Ngọc phả của làng vẫn ghi rõ phải kiêng 4 chữ đó. Dân làng Triều Khúc tuyệt đối không đặt tên con hay gọi tên những chữ này vì như thế là phạm húy, phải tội với Thành hoàng làng. Người khác đến Triều Khúc chắc chắn sẽ biết đến tục này, còn thay đổi cách gọi hay không thì tùy họ, vì điều đó không ảnh hưởng gì”, ông Vạn nói.
Ông Vạn cho biết thêm, gia đình ông có cháu rể tên là Hưng, mỗi khi về nhà chơi gia đình phải gọi chệch đi là Hưởng để không phạm húy.
Hằng năm, từ ngày ngày 10-12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng Triều Khúc tại tưng bừng mở hội và rước kiệu Ngài quanh làng. Trong lễ hội, điệu múa “con đĩ đánh bồng” – nam giả nữ để múa trống được nhiều người quan tâm. Đó là điệu múa do Bố Cái đại vương sáng tạo ra để mua vui cho binh lính đi đánh giặc xưa kia.
Theo ông Vạn, hiện có 72 nơi thờ cúng Bố Cái đại vương Phùng Hưng. Có một số địa phương cũng kiêng gọi bố là “Bố” nhưng để kiêng tuyệt đối thì chỉ có người dân làng Triều Khúc. Đó không chỉ là một tục lệ của làng mà đó còn là một nét văn hóa rất đặc sắc mà không đâu trên thế giới có.