18 mạng lưới và tổ chức quan tâm đến vấn đề phụ nữ và trẻ em gửi đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội bức thư kiến nghị vì một xã hội không còn bạo lực và xâm hại tình dục.
Gần đây liên tiếp có nhiều vụ bạo lực và xâm hại tình dục nghiêm trọng với phụ nữ và trẻ em khiến dư luận bàng hoàng và lo lắng.
18 mạng lưới và tổ chức quan tâm đến vấn đề phụ nữ và trẻ em gửi đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội bức thư kiến nghị vì một xã hội không còn bạo lực và xâm hại tình dục.
Thông tin này được bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đồng thời là đại diện Mạng lưới phòng, chống bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) cho biết. Dưới đây là nguyên văn thư kiến nghị.
Kính gửi bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Đồng kính gửi các đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chúng tôi gồm các tổ chức và các cá nhân quan tâm đến vấn đề phụ nữ và trẻ em. Trước hết, chúng tôi xin nồng nhiệt chúc mừng bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Đó là niềm vui và niềm tự hào của tất cả phụ nữ Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng, ở cương vị mới này, bà càng có nhiều cơ hội hơn nữa để bảo vệ quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Chúng tôi cũng xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các nữ đại biểu Quốc hội. Sự có mặt của quý vị trong Quốc hội tăng thêm sức mạnh cho việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng với phụ nữ và trẻ em:
* Một bảo vệ xâm hại 23 cháu gái ở trường dân tộc nội trú tại Lào Cai
* Một thiếu úy công an Hải Dương đánh người yêu chấn thương sọ não
* Một thầy giáo luồn tay qua nách học sinh nữ để hướng dẫn bài tập
* Một nghệ sĩ bị bắt ở nước ngoài với cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em
Thưa Bà và các đại biểu Quốc hội, Những vụ xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực đối với phụ nữ xảy ra trong tháng Ba - tháng của phụ nữ này, không phải là cá biệt. Trong năm năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng.
Theo nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ từ 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Theo nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.
Chúng tôi nghĩ đó là một con số đau lòng, khiến những người có lương tri phải hổ thẹn. Những con số vừa nêu càng đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay và quyết liệt hơn nữa. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh nhưng công tác thực thi và giám sát thực thi kém hiệu quả đang là rào cản để Việt Nam tiến xa hơn nữa trong nỗ lực giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em.
Theo quan điểm của chúng tôi, những nguyên nhân quan trọng sau đây đã khiến tình trạng này gia tăng:
1. Gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề, cũng như chưa đủ kiến thức, kỹ năng để cùng con bảo vệ an toàn khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực.
2. Các vụ việc xảy ra chưa được xử lý nghiêm minh, nhiều vụ hình sự nghiêm trọng nhưng lại được thương lượng dân sự. Điển hình gần đây nhất là vụ thiếu úy công an Hải Dương đánh bạn gái chấn thương sọ não nhưng nạn nhân đã rút đơn kiện không rõ lí do. Vụ chị Hồng bị chồng cắt đứt gân chân tay ở Bắc Giang bị hoãn xử nhiều lần, nạn nhân và nhân chứng bị gia đình thủ phạm đe dọa.
3. Định kiến với nạn nhân bị bạo lực khiến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, im lặng chấp nhận và không dám tố cáo. Truyền thông nhiều khi đã gián tiếp củng cố các định kiến này khi bao biện cho kẻ phạm tội hoặc đổ lỗi cho nạn nhân.
4. Trẻ em, phụ nữ không được tiếp cận, cung cấp thông tin và kiến thức để tự bảo vệ mình;
5. Hệ thống luật pháp còn một số kẽ hở, ví dụ như Luật Lao động có nói về quấy rối tình dục nhưng không có định danh thế nào là quấy rối tình dục. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đề cập đến bạo lực tình dục nhưng cũng không xác định rõ các hành vi cụ thể nào bị coi là bạo lực tình dục. Luật Hình sự có tội danh dâm ô nhưng không thể xử lý các hành vi dâm ô vì thiếu các bằng chứng thực thể. Chúng tôi hiểu rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, trong đó Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục Thanh thiếu niên là đơn vị giám sát việc thực thi các luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Là những người đại diện cho nhân dân và có tiếng nói quan trọng trong Quốc hội, chúng tôi mong Bà và các đại biểu Quốc hội lưu tâm đến vấn đề trên để thúc đẩy việc thực thi luật tại các địa phương trên cả nước. Chính vì những lý do trên, chúng tôi kiến nghị những hành động sau đây:
1. Thúc đẩy các thảo luận với Bộ Giáo dục về việc cần biên soạn chương trình giáo dục Bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho trẻ em từ bậc Tiểu học tới Trung học phổ thông với các kiến thức, kỹ năng phù hợp với lứa tuổi, để giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình.
2. Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để các vụ việc bạo lực được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
3. Các cơ quan hành pháp, tư pháp từ cấp cơ sở cần đặt người bị hại làm trung tâm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong việc giải quyết các vụ xâm hại tình dục, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, các cán bộ thực thi pháp luật cần có nhạy cảm giới cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc với những nhóm dễ tổn thương.
4. Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ Luật Bình đẳng giới của các cơ quan truyền thông để đảm để đảm bảo các sản phẩm truyền thông không duy trì khuôn mẫu và định kiến giới. Báo chí cần giữ vai trò tiên phong trong phòng ngừa, cảnh báo vi phạm luật từ các vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh.
5. Xem xét việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới quấy rối tình dục nơi công cộng trong Bộ Luật Lao động trong kỳ Quốc hội mới như quy định rõ về hành vi, tội danh. Có hai nội dung quan trọng chúng tôi kiến nghị Bà và các đại biểu quốc hội lưu tâm khi thông qua trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi như sau:
I. Đảm bảo trẻ em từ bậc mẫu giáo tới trung học phổ thông được giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi, để các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong tình huống bị quấy rối hay xâm hại.
II. Tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 để phù hợp với tiêu chí về trẻ em trong Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em và để trẻ em nhận được nhiều cơ hội giáo dục và bảo vệ.
Chúng tôi sẵn sàng:
1. Cung cấp chuyên gia hoạt động chuyên sâu về giới, tình dục, bảo vệ trẻ em và bạo lực gia đình trong quá trình xây dựng và giám sát chính sách
2. Cung cấp các thông tin chuyên môn, các kết quả nghiên cứu cần thiết về bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong quá trình xây dựng luật
3. Tư vấn, đóng góp ý kiến cho các chương trình quốc gia liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
4. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho người dân
5. Tham gia trực tiếp các chương trình can thiệp liên quan đến phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em Việt Nam.
Chúng tôi mong các đại biểu Quốc hội có tiếng nói mạnh mẽ trong vấn đề này để cải thiện tình hình. Kính chúc Bà và các đại biểu Quốc hội sức khỏe, thành công và hạnh phúc"!