Cây hoa sữa trồng với mật độ dày đặc trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, vào mùa hoa khiến nhiều người thất kinh vì mùi quá "nồng nàn", còn các hàng quán trở nên vắng vẻ, ế ẩm...
Khách bỏ chạy vì hoa sữa
Mới đây, TP.Quy Nhơn (Bình Định) đã ra quân chặt, tỉa gần 1.000 cây hoa sữa vì mùi hương của chúng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Ước tính trong những năm qua, Công ty Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã chặt, di dời khoảng 3.000 cây ra khỏi nội thành.
Còn tại Hà Nội - nơi được coi là “quê gốc”, cùng các ca khúc, bài thơ nổi tiếng về hoa sữa, người dân cũng khốn khổ vì mùi hương hoa.
Hoa sữa từ lâu được coi là biểu tượng của mùa thu Hà Nội, thường nở vào dịp cuối thu, đầu đông. Hình ảnh hoa sữa Hà Nội xuất hiện lãng mạn trong nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Hoa sữa" (Hồng Đăng), "Nhớ mùa thu Hà Nội" (Trịnh Công Sơn)...
Nếu trước kia người ta hay nhắc đến phố Quang Trung, đường Nguyễn Du rợp bóng hoa sữa, thì nay dọc các con phố mới của Hà Nội như: Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Mễ Trì, Lê Đức Thọ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… hoa sữa còn được trồng dày đặc hơn.
Trên đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cây hoa sữa gần như phủ kín cả phố, cách vài bước chân lại có một gốc. Những ngày cuối thu, đầu đông, hoa sữa nở rộ, rụng trắng vỉa hè. Dãy nhà hàng, quán cà phê trên phố này ngày thường tấp nập khách, nhưng vào mùa hoa sữa đã trở nên vắng vẻ.
Anh Phan Quang Vinh - quản lý nhà hàng P.H (đường Lê Quang Đạo, Nam Từ Liêm) cho biết: “Mùa này khách vào quán ít hơn, họ phản ánh không ngồi được lâu vì mùi hoa sữa. Một số nhân viên của quán cũng phải đeo khẩu trang để tránh mùi hoa. Tôi không bị dị ứng hoa sữa, tuy nhiên ngửi lâu thứ mùi đậm đặc này vẫn cảm thấy mệt mỏi, huống chi khách hàng vào ăn uống”.
Bà Hòa (bán nước ở vỉa hè đường Mễ Trì, Nam Từ Liêm) than thở về việc kinh doanh thất thu vì hoa sữa quá "nồng nàn": “Cả ngày tôi bán chưa hết hai ca nước. Người đi bộ thì bịt khẩu trang đi thật nhanh. Khách ngồi uống nước thì hoa rụng đầy cốc, họ phải bỏ dở”.
Đường Mễ Trì dài chưa đầy 2km mà có tới hàng trăm cây hoa sữa trồng thành 3 hàng nối tiếp nhau.
Nhiều con phố mới của Hà Nội trồng hoa với mật độ dày đặc.
“Nồng nặc đầu phố đêm đêm”
Đường Nguyễn Chí Thanh mùa này, hầu hết các ngôi nhà mặt tiền đều đóng cửa sổ kính kín mít.
Khuôn mặt nhăn nhó, chốc chốc chị Trần Thanh Tâm (34 tuổi, ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Láng) lại đưa tay che mũi. Chị Tâm cho hay, gia đình chị mới phải thay cửa sổ gỗ bằng cửa kính vì mấy cây hoa sữa gần nhà vươn cành đến tận ban công tầng 3.
“Buổi sáng còn dễ chịu hơn một chút, càng đêm khuya càng ngột ngạt, tôi không thể ngủ nổi, mở cửa ra một lúc là nhức đầu, choáng váng. Tôi chẳng thấy nồng nàn thơ mộng ở đâu, chỉ thấy nồng nặc khó thở mỗi đêm”, chị Tâm nói.
Bà Nguyễn Thị Thủy (50 tuổi, một người sống ở gần đó) thì khổ sở vì chứng viêm xoang hành hạ vào mỗi mùa hoa sữa. Bà Thủy chia sẻ: “Đầu mùa mùi hương thoang thoảng thì đỡ, khi hoa nở rộ, ngửi phải cái mùi hăng hắc của nó khiến tôi hắt xì hơi liên tục. Hết mùa hoa lại khổ vì hạt hoa sữa có lông bay tứ tung”.
Nhiều người phải đeo khẩu trang tránh mùi ở những con đường hoa sữa.
Phong trào trồng dày đặc, rồi chặt bỏ hoa sữa diễn ra ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Quảng Nam…
Thậm chí, năm 2011, ở TP.Trà Vinh còn có chuyện bi hài - người dân "kiện hoa sữa", bởi loài hoa này được trồng quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến không gian sống, đặc biệt là với sức khỏe người già, trẻ em. Nhiều lần đưa vụ việc ra chính quyền không được xử lý, các hộ dân đã đâm đơn kiện ban ngành đô thị tỉnh Trà Vinh vì trồng cây gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, TP.Trà Vinh đã cho đốn hạ hàng trăm cây hoa sữa.
Cùng năm đó, chính quyền Đà Nẵng cũng đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh vì phản ánh của người dân.