Giữa lòng các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn khơi được những giếng nước bình dị, thân thuộc, gợi nhớ quê nhà.
Dạo bước dọc theo các con đường dưới tán lá bàng vuông và phong ba rắn rỏi quanh đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh lũ trẻ vẫy vùng thích thú trong làn nước trong veo được mẹ múc từ giếng tắm gội.
Không thể thiếu
Những chàng lính trẻ da bánh mật khỏe khoắn tạt qua giếng, dội một gáo nước lên mặt để làm dịu bớt cái nắng trưa gay gắt. Cư dân đảo lấy chính nước từ những cái giếng “khó tin” kia tưới những luống rau cải, cà pháo hay cây chanh dây xanh tốt trong vườn nhà. Hóa ra điều kỳ diệu đó là có thật, giữa lòng đảo vẫn khơi được những dòng nước mà cây cỏ có thể “uống” được.
Theo anh Vũ Quang Bình, nhân viên Trạm Hải đăng Song Tử Tây, chính nước giếng đã nuôi lớn cây chanh nhiều trái nhất đảo và cả cây me “chăm sóc” nồi canh chua cho tất cả cư dân trên đảo, mọc trong vườn cây tăng gia của trạm.
“Không thể tưởng tượng được cuộc sống của cư dân trên đảo sẽ như thế nào nếu không có những giếng nước ngọt này” - chị Nguyễn Thị Thanh Thoảng, ở ngôi nhà số 4 trên đảo Song Tử Tây, ưu ái dành chữ “nước ngọt” cho những cái giếng chứa nước lợ. Thực ra, nước giếng có thể dùng vào bất cứ việc gì trong sinh hoạt hằng ngày của quân và dân trên đảo nhưng nước dùng để ăn, uống chủ yếu vẫn là bể nước mưa dự trữ. Số nước ngọt dự trữ trong bể khoảng 12-13 m3 của mỗi nhà.
Giếng nước lợ trên đảo Trường Sa Lớn xoa dịu buổi trưa nắng gắt của khách phương xa
Cũng đầy, vơi theo mùa như những giếng nước thông thường ở đất liền, có điều độ “ngọt” của nước giếng trên đảo Song Tử Tây còn phụ thuộc vào “tâm trạng của ông trời”.
Theo anh Nguyễn Tấn Kiệt, chồng chị Thoảng, mùa mưa bắt đầu vào tháng 7 là thời điểm giếng nước ngọt nhất. Còn đến hẹn mà trời chưa mưa thì không nên mạo hiểm dùng nước giếng tưới cây. Nếu có dùng để giặt quần áo thì cũng phải tráng qua bằng nước mưa, nếu không phần dây kéo kim loại trên quần áo sẽ gỉ sét hết. Đó là chưa kể có những thời điểm giếng cạn khô không một giọt nước.
Trong khi đó, những giếng ở trên đảo Trường Sa Lớn lại có phần hào phóng hơn. Vị nước dịu hơn và cũng chưa một lần giếng cạn nước. Chị Võ Thị Thu Sa, một cư dân trên đảo Trường Sa Lớn, vừa múc nước cho chúng tôi nếm thử vừa hồ hởi giới thiệu: “Nước ngọt lắm, cả đảo xài thoải mái”.
Theo thượng úy Trịnh Văn Hữu (quê Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; sống trên đảo Song Tử Tây), lần đầu tiên anh ra đảo vào năm 1997 đã thấy những giếng nước này. Nước giếng thay đổi theo mùa, thậm chí còn thay đổi ngay trong ngày, buổi sáng bao giờ cũng ngọt hơn. Tầng san hô đặc biệt trên đảo chính là bộ lọc giúp những giếng nước tuyệt vời như thế này xuất hiện giữa lòng biển khơi.
Còn ông Trương Sỹ Nam (quê Hải Dương, Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây) kể rằng nước giếng trên đảo là nước biển đã được lọc nhờ san hô và qua lớp đất, đá giúp hóa giải vị mặn hữu hiệu. Trên đảo đã có nhà máy lọc nước với công suất 15 m3/ngày cộng với nguồn dự trữ nước mưa nhưng cũng không đủ cung cấp cho toàn bộ sinh hoạt của quân và dân, đặc biệt vào mùa khô. Thế nên 5 giếng nước ở đây có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
“Toàn quần đảo Trường Sa có 3 đảo lớn là Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa Lớn có giếng; Đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông cũng đào giếng nhưng mặn lắm, tôi đã tắm thử và nó mặn không khác gì nước biển, chỉ sạch hơn nước biển thôi” - vị chủ tịch xã từng kinh qua rất nhiều đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa nói thêm.
“Hơi thở” của Trường Sa
Những cái giếng được đào đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn vào năm 1988 nhờ sự táo bạo và quyết tâm của ông Nguyễn Viết Nhất - Phó đại đội trưởng lúc bấy giờ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 881, Trung đoàn 131 Công binh Hải quân.
Ông Nhất cùng đồng đội ban ngày làm nhiệm vụ xây dựng đảo, tranh thủ đêm xuống miệt mài đào xuyên qua lớp đá cứng trong điều kiện thiếu thốn tưởng như khó có thể vượt qua. Thế nhưng, sự nỗ lực của họ đã được đền đáp, sau 2 tháng đào giếng không quản mệt nhọc, dòng nước ngọt đầu tiên đã được khơi nguồn, dù không thực sự “ngọt” như những giếng nước quê nhà nhưng cũng đã là một điều kỳ diệu.
Những giếng nước được khơi dòng gần 30 năm trước nay vẫn là nguồn nước quý không thể thiếu trên đảo. Vấn đề nguồn nước ở Trường Sa đến nay đã được cải thiện nhưng câu chuyện “khát” nước ngọt vẫn chưa bao giờ chấm dứt. Nước hiếm vậy mà không rõ lấy sức mạnh từ đâu, những hàng cây trải dài khắp các đảo lớn, đảo nhỏ ở Trường Sa lại mang một màu xanh sức sống đến thế.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi dưới tán lá rộng đủ che mát cho hàng trăm người trước bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, các y bác sĩ tích cực “tiến cử” cây tra mà họ cho rằng đó mới thực sự là “hơi thở” của Trường Sa. Nếu bàng vuông gợi sự tò mò vì trái cây lạ lùng và những bông hoa bí ẩn nở trong đêm, còn phong ba hiên ngang bất khuất như ý chí và sức mạnh quân và dân Trường Sa thì cây tra thầm lặng lại là loại cây đông nhất.
Cư dân ở Trường Sa Lớn gọi loài cây “tốt bụng” (vì tỏa nhiều bóng mát nhất) này là nho Trường Sa bởi trái của cây cũng mọc thành từng chùm, khi chín ngả màu nâu đen rất giống nho và vị cực kỳ dịu mát. Đặc biệt, cây tra có mặt ở khắp các đảo lớn, đảo nhỏ. Ngay cả những đảo chìm như Đá Lớn, Đá Tây, Cô Lin, tra cũng sống được trong những mẩu đất ít ỏi trong chậu cảnh.
Cư dân trên đảo Trường Sa Lớn cho biết thực ra rất nhiều loài cây có thể mọc được trên đảo. Tuy vậy, chỉ những cây mạnh mẽ nhất mới vượt qua được các đợt gió biển khốc liệt hay những trận bão to. Và thật bất ngờ, những cây tra bề ngoài hiền lành, bình dị như vậy lại là những cây trụ lại nhiều nhất sau những thử thách đốt cháy hàng loạt loài cây khác.
Kỳ tới: Những “mắt biển” chẳng bao giờ ngủ