Ở bộ tộc nằm heo hút nơi đại ngàn Tây Nguyên này, trẻ con ba tuổi đã nói được nhiều thứ tiếng nước ngoài và họ coi đây không phải là điều gì quá lạ lùng.
Thậm chí, ngay trong bộ tộc, nếu không kể đến những ngôn ngữ phổ cập được người dân từ già đến trẻ "nằm lòng" như tiếng Việt Nam (tiếng Kinh), Lào, Campuchia, Thái Lan…, phần lớn bà con còn sử dụng được hàng chục thứ tiếng của các dân tộc lân cận. Đồng thời, với những "cây ngoại ngữ" trong thôn, chuyện học và sử dụng tiếng Anh, Pháp như "dân bản địa" không phải chuyện gì quá ghê gớm.
Trẻ em B'râu ở thôn Đăk Mế thông thạo nhiều ngoại ngữ (ảnh N.L).
Gặp dân tộc nào nói luôn phương ngữ đó
Thôn Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) nằm sát biên giới ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia. Những nhà dân tộc học cho rằng, đồng bào B'râu sinh sống ở đây có nhiều nét đặc trưng khác biệt về văn hóa so với các tộc người khác cùng chung sống trên cùng một địa bàn. Điểm khác biệt lớn nhất chính là việc người B'râu, từ già đến trẻ, có thể sử dụng được ít nhất ba thứ tiếng nước ngoài: Thái, Lào, Khmer. Còn tiếng Việt và một số tiếng dân tộc lân cận, họ có thể giao tiếp như tiếng mẹ đẻ. Với vốn ngoại ngữ phong phú như vậy nên khi gặp gỡ, tiếp xúc với dân tộc nào, họ linh hoạt sử dụng được phương ngữ của chính tộc người đó. Tuy nhiên, một điểm khá thú vị là các dân tộc khác rất ít ai hiểu được ngôn ngữ của người B'râu.
Trao đổi với chúng tôi, trưởng thôn Đăk Mế - ông Thao Lợi (người thông thạo 10 ngoại ngữ và khá am tường về lịch sử văn hóa dân tộc mình) cho biết, tổ tiên người B'râu trước kia vốn có nguồn gốc từ vùng hạ Lào và một phần Bắc Campuchia, Thái Lan. Trong quá trình sinh sống, họ đã di dân đến vùng Ngọc Hồi rồi quần cư, sinh con đẻ cháu tại đây. Có thể vì yếu tố lịch sử - địa lý đó mà tiếng nói và chữ viết của người B'râu rất đặc biệt so với các dân tộc khác tại ngã ba Đông Dương. Ngôn ngữ của người B'râu chính là sự pha trộn của tiếng Khmer, tiếng Thái và tiếng Lào. Tuy có sự giao thoa nhưng lại chỉ giống nhau khoảng 15% (về mặt hình thức ký tự và ý nghĩa). Chính vì điều đó, khi người B'râu sử dụng tiếng nói của mình để giao tiếp thì người dân tộc khác hiểu được rất ít.
Biết hơn 10 thứ tiếng nhưng trưởng thôn Thao Lợi bảo rằng chừng đó là quá ít so với vợ ông, bà Nang Sai. Theo Thao Lợi, Nang Sai không những biết đến ba ngoại ngữ "cơ bản" (Thái, Khmer và Lào) mà còn nghe, hiểu và nói được 18 thứ tiếng khác nhau, bao gồm: Tiếng Cà Dông, Rơ Mâm, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng… Thao Lợi bảo, dân thạo ngoại ngữ thì phải nói tới cánh đàn ông ở Đăk Mế. Bởi họ thường xuyên ra ngoài làm ăn buôn bán nên rành nhiều ngôn ngữ hơn.
Lý giải vì sao dân tộc mình "nhạy cảm" với ngoại ngữ, vị trưởng thôn suy luận, có thể do người B'râu sống ở vị trí ngã ba biên giới lại thường ngày làm ăn, giao lưu, tiếp xúc với những người dân tộc khác nên có điều kiện bắt chước tiếng nói. Bên cạnh đó, nhiều người B'râu hiện có anh em, họ hàng bên Lào, Campuchia, Thái Lan. Mỗi năm, những người này vẫn qua lại thăm hỏi nên buộc phải sử dụng đến ngoại ngữ.
Thông thạo ngoại ngữ, đồng thời am hiểu nhiều thứ tiếng của các dân tộc khác đã đem lại nhiều điều lợi thế trong công việc lẫn cuộc sống của người B'râu. Trưởng thôn Thao Lợi tự hào: "Mỗi lần đến bản làng của các đồng bào khác, mình dùng tiếng nói của chính họ để giao tiếp nên rất được quý mến, kính trọng. Họ cho rằng, chúng tôi biết tôn trọng văn hóa của họ. Còn với vị trí trưởng thôn như Thao Lợi thì điều này lại vô cùng thuận lợi trong công tác tuyên truyền.
Vị trưởng thôn cho biết: "Tôi làm cán bộ, thường xuyên đi vận động tuyên truyền chính sách Nhà nước cho bà con đồng bào thiểu số. Nhiều lần đến địa bàn, mình dùng tiếng của họ thay vì tiếng phổ thông để nói chuyện, người ta khoái lắm. Họ cứ trầm trồ: "Sao mày là người B'râu mà lại giỏi tiếng dân tộc tao vậy (?)". Tôi chỉ bảo: "Tao tôn trọng văn hóa dân tộc mày nên học thôi". Nhờ lợi thế này, khi các đoàn cán bộ cấp trên về địa phương làm việc, Thao Lợi thường được mời đi làm thông dịch viên. Thậm chí, ông thường đi theo phái đoàn cán bộ trong tỉnh sang các nước bạn làm thông dịch.
Bà Bu từng biết rất nhiều ngoại ngữ ở thôn Đăk Mế (Ảnh N.L).
Còn với người B'râu nói chung mỗi khi làm ăn buôn bán với người nước ngoài (mà chủ yếu là người Lào, người Thái Lan và Campuchia), họ luôn được các đối tác bạn hàng tôn trọng. Bởi khi giao tiếp, thỏa thuận với người B'râu, họ rất thoải mái, không cần người phiên dịch rườm rà.
Bí quyết trở thành "tộc người đa ngoại ngữ"
Biết nhiều thứ tiếng là nét văn hóa truyền đời của người B'râu. Tuy nhiên, đây không phải "món quà" từ trên trời rơi xuống mà bắt nguồn từ một quá trình học hỏi của thế hệ sau và sự truyền lại của các tiền nhân đi trước. Hay nói cách khác, học các thứ tiếng khác nhau là quá trình học tự nhiên nhưng kéo dài từ lúc sinh ra cho đến khi về với tổ tiên của một con người. Ông Thao Lăng (già làng Đăk Mế) chia sẻ: "Muốn hiểu tiếng dân tộc nào thì ít nhất mình phải biết sơ lược về tính tình con người và phong tục tập quán của dân tộc đó, phải thường xuyên giao lưu và rèn luyện thông qua sinh hoạt hàng ngày. Người B'râu rất có tính cộng đồng. Bất cứ nét văn hóa nào người già cũng truyền cho người trẻ, đó là điều tự hào và cũng là đặc trưng của chúng tôi".
Nguyên tắc để tinh thạo được tiếng của dân tộc khác thì theo ông A Mưu, một người nổi tiếng am tường đa ngoại ngữ trong thôn Đăk Mế cho biết: "Để hiểu và nói được, chúng tôi phải tập trung chú ý lắng nghe khi người ta phát âm. Sau đó, phải tìm cách nói chuyện, giao tiếp trao đổi qua lại càng nhiều càng tốt. Quan trọng là phải chú ý, chú tâm mới học được". Chính vì được thừa hưởng truyền thống dân tộc mình, các em học sinh ở làng Đăk Mế giờ đây khi học các ngoại ngữ như Anh, Pháp đều tiếp thu rất nhanh. Điều này khiến các giáo viên dưới xuôi đang giảng dạy ở địa bàn xã Bờ Y cũng phải khâm phục.
Cô Đinh Phúc Trang (giáo viên trường tiểu học Bờ Y) cho biết: "Một số môn tự nhiên, xã hội các em còn kém nhưng riêng môn tiếng Anh thì rất tốt. Nhiều năm dạy môn này cho thấy các con em là người B'râu tiếp thu ngoại ngữ nhanh hơn nhiều so với những học sinh dân tộc khác. Chỉ cần nói qua là các em phát âm chuẩn chứ không cần ghi chép nhiều. Các em rất hứng thú, ham mê học ngoại ngữ". Thời gian qua, thôn Đăk Mế đã có hai em theo học tại trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum chuyên ngành tiếng Anh, kết quả học tập rất tốt. Các em đều dự tính sau này sẽ quay lại phục vụ dạy cho bà con mình.
B'râu là một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, với 425 người (116 hộ) sống tập trung tại làng Đắk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum). Cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy, buôn bán một số vật phẩm "của nhà trồng được" ở vùng biên giới. Theo trưởng thôn Thao Lợi, ngôn ngữ chính là sợi dây kết nối dân làng B'râu với thế giới bên ngoài. Nó giúp người B'râu có thể mở mang kiến thức và kiếm cái ăn, cái mặc.
Cụ già am tường 21 thứ tiếng Hiện nay, cộng đồng người B'râu ở vùng ngã ba Đông Dương có rất nhiều người thông thạo nhiều ngoại ngữ. Những cái tên như già Thao Kim, Thao Ất, Thao Mưu, Thao Phim và Thao Lăng… là các tiền bối đã cao tuổi, từng đi các nơi, tiếp xúc nhiều với các cộng đồng người khác trong một thời gian tương đối dài. Riêng già Thao Lăng thì được xem là "cây cổ thụ ngoại ngữ" của thôn Đăk Mế. Trao đổi cùng người viết, già cho biết mình có thể sử dụng 21 thứ tiếng của các đồng bào dân tộc khác. Vì vậy, những người già người B'râu được các nhà ngôn ngữ ví như củ gừng càng già càng cay của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. |