Kỳ lạ: Người Ma Coong vừa đẻ, vừa uống nước đang sôi

Ngày 28/10/2014 15:07 PM (GMT+7)

Ngay khi đứa con vừa lọt lòng, sản phụ người Ma Coong (một tộc người sống ở xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) phải uống đến 70 lít nước đang sôi sùng sục trên bếp.

Phóng viên Dòng Đời đã được bà Y Nhoong, một phụ nữ có uy tín bậc nhất xã Thượng Trạch kể về câu chuyện sinh đẻ kỳ lạ này và quả thực nếu không được rất nhiều người phụ nữ Ma Coong khác xác nhận thì chúng tôi cũng không thể nào tin được đó là sự thật…3 ngày không ăn không ngủ, sản phụ chỉ ngồi uống nước sôiNgười Ma Coong sống rải rác trên 18 bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn, dọc theo  biên giới với nước bạn Lào. Trong một lần lên công tác ở đây, phóng viên Dòng Đời đã được nghe bà Y Nhoong, một phụ nữ có uy tín bậc nhất ở xã Thượng Trạch kể về câu chuyện sinh đẻ kỳ lạ, có một không hai của người Ma Coong.

Kỳ lạ: Người Ma Coong vừa đẻ, vừa uống nước đang sôi - 1

Bà Y Nhoong chỉ cho phóng viên Dòng Đời một trong số những cây thuốc mà người Ma Coong dùng để nấu nước sôi cho sản phụ uống khi sinh. (Ảnh: Phan Phương)

 Theo bà Y Nhoong, sống giữa núi rừng hoang sơ, việc sinh con đẻ cái đối với người Ma Coong cũng “tự nhiên” như muôn loài muông thú. Cho đến tận bây giờ, người Ma Coong vẫn chưa một lần đến Trạm y tế hay các cơ sở y tế khác để sinh con. Y Nhoong kể, người phụ nữ Ma Coong đến lúc trở dạ nếu không kịp làm một cái chòi riêng biệt thì việc sinh con đẻ cái cũng chỉ xảy ra trong ngôi nhà sàn của mình. 

“Đỡ đẻ” cho sản phụ người Ma Coong cũng không phải là các “bà mụ” chuyên nghiệp mà chính là những người phụ nữ thân thích trong gia đình như mẹ, chị em gái. Bản thân Y Nhoong đã 4 lần sinh con, hàng chục lần “đỡ đẻ” cho em gái, con gái, con dâu… cũng không ngoại lệ. Không giống như người Kinh, phụ nữ Ma Coong sau khi sinh 3 ngày là có thể đi tắm suối và trở lại với những công việc bình thường. 

Theo Y Nhoong, được như vậy là nhờ người sản phụ Ma Coong uống nhiều nước… sôi. Có điều đó không phải nước sôi bình thường mà đó là nước thuốc được nấu bằng nhiều loại cây rừng khác nhau. 

 Sản phụ người Ma Coong dùng một cái bát múc nước trong nồi nước đang sôi sùng sục và uống. Nước trong nồi cạn thì chêm nước, thêm lá thuốc vào, đợi sôi lại tiếp tục uống. Sản phụ vừa uống vừa đi tiểu để trôi hết những “thứ bẩn” trong người ra. Cứ thế, người sản phụ vừa ngồi xông vừa uống nước sôi liên tục trong 3 ngày 3 đêm liền không được ăn không được ngủ gì cả” - Bà Y Nhoong

“Khi sản phụ đau bụng, có dấu hiệu sắp sinh, một người phụ nữ thân thích trong gia đình (thường là mẹ hoặc chị gái) người Ma Coong sẽ chạy vào rừng tìm những cây thuốc  đưa về cho vào 2 cái nồi bắc lên bếp đun sôi.  Khi đứa trẻ vừa lọt lòng, người sản phụ bắt đầu thực hiện việc “xông khuây”.  Lúc này, người sản phụ Ma Cong  dùng một cái váy lớn quấn quanh người và đặt một nồi nước sôi  vào trong  để xông. Nồi nước còn lại thì vẫn đặt trên bếp và vẫn cứ sôi sùng sục” - bà Y Nhoong nói.

Rồi bà lại tiếp tục mạch chuyện: “Người sản phụ người Ma Coong dùng một cái bát múc nước trong nồi nước đang sôi sùng sục và uống. Nước trong nồi cạn thì chêm nước vào, đợi sôi lại thì tiếp tục uống. Sản phụ vừa uống vừa đi tiểu cho trôi hết những “thứ bẩn” trong người ra. Cứ thế, người sản phụ vừa ngồi xông vừa uống nước sôi liên tục trong 3 ngày 3 đêm liền không được ăn không được ngủ (chỉ trừ một ít thời gian cho con bú) gì cả. Tính ra trong 3 ngày liên tiếp, người sản phụ Ma Coong phải uống hết 70 lít nước” – Y Nhoong kể.

Thú thật nếu sau đó không đi gặp rất nhiều người phụ nữ Ma Coong khác để “kiểm chứng” thì chúng tôi cũng không thể nào tin được câu chuyện kỳ lạ, có một không hai này. Việc uống nước nóng đang sôi mà người sản phụ không hề bị bỏng hay hề hấn gì, quả là một câu chuyện khó tin. 

Người Ma Coong đầu tiên chào đời bằng sinh mổ

Sinh đẻ một cách kỳ lạ như vậy nhưng không phải lúc nào sản phụ người Ma Coong cũng “mẹ tròn con vuông”. Đi khắp 18 bản làng của người Ma Coong, chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thương tâm trong chuyện sinh nở không thành của những người phụ nữ Ma Coong. Trước đây người Ma Coong còn có một hủ tục man rợ là người phụ nữ lúc sinh mà chẳng may bị qua đời thì đứa con dù đang sống cũng phải chôn theo mẹ. Người đã vượt qua lời nguyền để phá hủ tục man rợ đó không ai khác chính là Y Nhoong và ông chồng người Kinh tên là Nguyễn Diều. Thế nên bây giờ, đối với người Ma Coong vợ chồng Y Nhoong được coi là ân nhân và là những người có uy tín nhất ở những bản làng người Ma Coong này. 

Kỳ lạ: Người Ma Coong vừa đẻ, vừa uống nước đang sôi - 2

Vợ chồng Y Năng và 2 đứa con Đinh Cấp và Đinh Cứu. (Ảnh: Phan Phương)

Ngày đó cách đây đã gần 20 năm, ở bản Cà Roòng, có Y Xoong vừa sinh con được 2 ngày rồi mất, dân bản họp bàn chôn thằng bé theo mẹ. Chính vợ chồng Y Nhoong đã dám chống lại lời nguyền của “Giàng”, “cướp” đứa bé đỏ hỏn ngay trên huyệt mộ khi dân bản sắp chôn sống nó. Hai vợ chồng Y Nhoong đã phải xa lánh bản làng để nuôi đứa bé cứng. Một thời gian sau họ mới dám đưa đứa bé về, dân bản thấy đứa bé vẫn sống mà vơ chồng Y Nhoong vẫn không bị Giàng quở trách, dần dần họ tin theo Y Nhoong, nhờ vậy mà hủ tục man rợ của người Ma Coong được xóa bỏ từ đó…

Hủ tục “mẹ chết chôn con theo” tuy được xóa bỏ, tuy nhiên, theo những cán bộ miền xuôi lên công tác ở Thượng Trạch thì hầu như năm nào, ở các bản làng xa xôi này cũng đều có những tai biến sản khoa đáng tiếc. Chúng cũng đã tôi hỏi rất nhiều người phụ nữ Ma Coong rằng họ có bao nhiêu người con? Và câu trả lời của họ thường là: “Miềng đẻ được 7 đứa nhưng chỉ nuôi được 4 đứa”. Tức là con số đẻ bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều so với số người con hiện có của họ…

Mới đây  bản Cờ Đỏ (Thượng Trạch) đã xảy ra một tai biến sản khoa khá nguy hiểm. Cũng may sản phụ được đem đi cấp cứu kịp thời, nên cả mẹ và 2 đứa con đều tai qua nạn khỏi. Đó là trường hợp của 2 vợ chồng Đinh Tem và Y Năng. Sau khi lấy nhau họ sinh được con gái đầu lòng nay đã 4 tuổi. Cuối năm 2013, Y Năng tiếp tục có thai. Cái thai cứ lớn dần lên, đến chín tháng mười ngày thì Y Năng trở dạ. 

Đêm đó Y Năng sinh được một đứa con trai nhưng sao cái bụng thì vẫn cứ to và vẫn cứ đau ê ẩm. Cũng như lần trước và như bao nhiêu người phụ nữ Ma Coong khác thì mang thai là lẽ tự nhiên và chả bao giờ họ biết đến khám thai là gì. Chính vì vậy, Y Năng không hề biết rằng cái thai của cô là thai đôi. Cũng may lúc đó bố chồng của Y Năng là ông Đinh Huân ở nhà. 

Ông Huân hiện là Phó chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, là cán bộ nên ông cũng có hiểu biết. Trò chuyện với phóng viên Dòng Đời, ông Huân cho biết, ngay trong đêm ông đã tìm cách  điện thoại về Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch yêu cầu cấp cứu. Có điều may mắn nữa là con đường 20 Quyết Thắng vừa được khánh thành đầu năm nay (trước đó nó được mệnh danh là con đường xấu nhất Việt Nam - NV) nên  xe cấp cứu được điều lên ngay trong đêm. Về đến bệnh viện, các bác sĩ đã phải mổ ngay để lấy đứa con còn lại của Y Năng ra và may mắn họ đã kịp thời cứu sống được cả hai mẹ con. 

Hôm lên công tác ở xã Thượng Trạch, chúng tôi cũng đã đến thăm gia đình của Y Năng ở bản Cờ Đỏ. Bây giờ, 2 đứa con sinh đôi của Y Năng đã được 5 tháng tuổi, khỏe mạnh và phát triển tốt. Để tri ân các bác sĩ, vợ chồng Y Năng đã đặt tên cho 2 đứa con sinh đôi của mình là Đinh Cấp và Đinh Cứu. Đặc biệt là Đinh Cứu, em có lẽ là người Ma Coong đầu tiên chào đời ở bệnh viện và cũng là đứa bé Ma Coong đầu tiên chào đời bằng phương pháp sinh mổ...

Theo Phan Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot