Đồng thuận với việc gộp 2 kỳ thi làm một, tuy nhiên, PGS Văn Như Cương – nguyên Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã nêu ra những ưu, khuyết điểm trong vấn đề này.
Chiều ngày 9/9, Bộ GD&ĐT đã họp và quyết định từ năm 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi làm cơ sở xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Thầy có đồng tình với chủ trương này?
PGS Văn Như Cương: Sau khi quyết định của Bộ GD&ĐT được đưa ra, nhà trường đã tổ chức khảo sát với tập thể giáo viên và các em học sinh. Qua đó, việc gộp 2 kỳ thi làm một tương đối được đồng thuận, nhưng vấn đề là gộp thế nào?
Theo tôi, gộp phải đạt 2 yêu cầu mà trước kia 2 cuộc thi chưa đạt là vừa đánh giá được em nào đạt tốt nghiệp và vừa lấy căn cứ để các trường ĐH, CĐ dựa vào đấy để xét tuyển.
Việc hầu hết mọi ý kiến đều chọn phương án 1 trong 3 phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra, phải chăng 2 phương án kia không khả thi, thưa thầy?
Bộ đã đưa ra 3 phương án để lấy ý kiến và hầu hết chọn phương án 1 là thi theo từng môn (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn). Như vậy, phương án 1 sẽ có thể triển khai ngay từ kỳ thi năm 2015 bởi phương án này phù hợp với giáo trình đào tạo hiện nay.
Còn các phương án 2 và 3 có thể thực hiện được nhưng phải đợi những năm sau vì hiện nay chúng ta chưa đào tạo học sinh làm bài theo dạng tích hợp tất cả các môn học vào một đề thi.
PGS Văn Như Cương
Về quy định những em có chứng chỉ của các Trung tâm Quốc tế sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ, xin thầy cho biết quan điểm về quy định này?
Việc miễn thi môn Ngoại ngữ cho những em có chứng chỉ quốc tế phải làm thật cẩn thận! Việc đó rất quan trọng vì nếu làm không khéo sẽ thành PR cho những trung tâm ngoại ngữ đấy, mọi người đổ xô ra đấy học để đỡ phải thi.
Hơn nữa, rất có thể sẽ xảy ra những kẽ hở hoặc tiêu cực vì Bộ GD&ĐT không thể quản lý được việc cấp chứng chỉ của các trung tâm ngoại ngữ. Ngoài ra, việc này cũng rất mạo hiểm bởi trước đây đã có những trung tâm nước ngoài đến mở dạy được mấy tháng rồi ôm hết tiền của học viên bỏ trốn. Vì vậy, Bộ GD&ĐT phải thận trọng trong việc quy định những bằng nào thì được miễn thi.
Còn với cá nhân tôi, nếu như các em đã tốt nghiệp những chứng chỉ của các trung tâm uy tín, có chất lượng đào tạo tốt thì việc làm bài thi tốt nghiệp sẽ rất đơn giản với các em, không tốn nhiều công sức. Chi bằng cứ để các em thi sẽ tốt hơn.
Thưa thầy, việc chọn Toán, Văn, Anh làm 3 môn thi chính có ảnh hưởng gì tới các em thi khối khác không?
Việc chọn Toán, Văn, Anh làm 3 môn thi chính hiển nhiên sẽ làm các em có định hướng thi khối D từ năm lớp 10 vui mừng, nhưng với những em thi khối A thì sẽ lúng túng bởi từ trước tới giờ các em học Văn và Ngoại ngữ chỉ vừa đủ để thi tốt nghiệp thôi, còn khối C thì các em chỉ có môn Văn để kéo điểm.
Còn về phía các trường xét tuyển thì sao?
Các trường ĐH sẽ khó trong việc xét tuyển bởi đặc thù của mỗi trường khác nhau, giả sử trường Đại học Bách Khoa sẽ đánh giá cao môn Toán, nhưng trường Đại học Ngoại Thương thì họ muốn tân sinh viên của mình giỏi tiếng Anh. Mà nếu xét tuyển thì họ sẽ không lựa chọn được theo ý mình được. Còn với những trường năng khiếu, nhà trường sẽ phải tự quyết định hệ số điểm năng khiếu để tránh thiệt thòi cho những em muốn thi vào trường mình.
Theo thầy, những điểm hay và mới trong kỳ thi năm 2015 tới là gì?
Điểm hay nhất trong quy định mới của Bộ GD&ĐT là học sinh biết điểm của mình rồi mới đăng ký ĐH, việc này sẽ tránh được tình trạng thí sinh ảo. Theo đó, khi đã có điểm thi và quyết định vào 1 trường, các em sẽ phải làm đăng ký từ trường lên Sở, lên Bộ. Bộ phải tổng kết được là bao nhiêu em đăng ký vào trường và số điểm của các em để quy định điểm chuẩn. Như vậy sẽ có những em trượt, nhưng vẫn có thể vào nguyện vọng 2. Thế nên các em phải tỉnh táo, cân đối.
Để đáp ứng được yêu cầu cao của các trường đại học, vậy đề thi có khó hơn các đề thi tốt nghiệp THPT trước đây không, thưa thầy?
Đương nhiên sẽ phải khó hơn.
Như vậy, theo thầy, tỷ lệ trượt tốt nghiệp có cao hơn không?
Không! Tuy đề thi khó hơn mọi năm nhưng phải đảm bảo những em trung bình đạt được! Còn những em trên trung bình sẽ làm được câu khó để có điểm cao. Nói cách khác, đề thi sẽ có 2 phần, một nửa đánh giá tốt nghiệp, một nửa để căn cứ xét tuyển. Việc này rất khó, nhưng là khó với người ra đề thi nên các em học sinh cứ yên tâm.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo, thầy có thể gợi ý về hướng ra đề thi?
Đề thi ra phải để cho các em có phân cấp điểm, dải điểm của các em phải trải đều. Vì nếu không có em nào đạt điểm cao thì rất khó cho việc xét điểm của các trường đại học, còn nếu tất cả các em đều làm được bài và được 10 điểm thì việc xét tuyển còn khó hơn. Tuy nhiên, với các môn tự nhiên thì vẫn có thể ra được nhiều đề thi đáp ứng được yêu cầu này, nhưng với những môn xã hội, giả sử như Văn thì việc này rất khó.
Xin cảm ơn thầy!