"Tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD & ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể"
Đó là ý kiến của GS Ngô Bảo Châu nêu quan điểm về kỳ thi 2 chung vừa diễn ra. GS Ngô Bảo Châu cho rằng: Sau khi tuyển sinh đại học đợt một thực hiện không suôn sẻ, Bộ GD & ĐT trong đó có Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đang bị dự luận phê bình nặng nề. Tôi nghĩ rằng cần thêm thời gian để có thể đánh giá khách quan và về sự thành công hay thất bại của kỳ thi quốc gia năm nay cũng như quá trình tuyển sinh.
Theo GS Ngô Bảo Châu, năm ngoái GS từng phát biểu quan điểm của mình về việc thi tốt nghiệp phổ thông. “Lý do làm tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là những biểu hiện thiếu trung thực ở kỳ thi này trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng kiểm tra chất lượng dựa vào một quá trình thì tốt hơn là vào một cuộc thi, cho nên học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và việc tốt nghiệp. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế” – GS Châu viết.
GS Ngô Bảo Châu
GS Ngô Bảo Châu cho biết thêm: "Khi Bộ GD & ĐT quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, tôi đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế. Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn. Song tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD & ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể".
Việc thông báo điểm, phương cách chọn trường của các thí sinh, tuyển sinh của các trường đại học, gặp một số trục trặc gây ra nhiều mệt mỏi thậm chí tâm lý hoảng loạn ở một số thí sinh và phụ huynh. Chắc chắn những năm tới, Bộ GD sẽ phải cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật nếu tiếp tục duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia cho việc tuyển sinh đại học.
Đồng tình với quan điểm này, TS Lương Hoài Nam (Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu) cho rằng bản thân ông cũng đã từng kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông toàn quốc như cách làm lâu nay (có thể thay bằng một cách đánh giá và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đơn giản hơn, vì thật ra cái bằng hay giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông không có nhiều giá trị trị đối với người được cấp, ngoài quyền được thi và xét tuyển vào đại học, cao đẳng).
Tuy nhiên, việc Bộ GD & ĐT tổ chức kỳ thi tuyển sinh vừa qua thì chưa tốt. Kể cả con số thí sinh rút/nộp hồ sơ là 43.000 thì cũng không đáng để xảy ra chuyện đó.
Theo đó, có 4 nguyên nhân làm cho phần việc này chưa tốt: Phương pháp tuyển sinh chưa khoa học. Việc chia 16 nguyện vọng thành 4 đợt theo cách tiếp cận mỗi đợt "Một trường - Bốn ngành", đợt sau cách đợt trước 01 tháng là bất ổn. Nó tạo tâm lý đợt 1 là "đợt chính", còn các đợt sau là "đợt xét vớt", làm cho thí sinh nào cũng muốn được đậu đại học ngay trong đợt đầu, nếu biết có khả năng sẽ trượt chỗ này thì phải rút hồ sơ để chạy ngay đi nộp vào chỗ khác. Không có nước nào làm kiểu này. Người ta không có "đợt chính" và các "đợt xét vớt", mà mỗi thí sinh được chọn đăng ký nhiều cơ hội trường - ngành ngay trong một lần rồi chờ xem lựa chọn nào trong số đó được đáp ứng.
“Đẻ ra bộ hồ sơ giấy để thí sinh phải nộp vào, rút ra là không cần thiết. Không cần bộ hồ sơ đó. Chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo số báo danh vì trên cơ sở dữ liệu của Bộ đã có đầy đủ các thông tin tuyển sinh của thí sinh. Các trường năm nay tuyển sinh hoàn toàn dựa vào điểm thi, không có các điều kiện phụ, nên bộ hồ sơ giấy đó là vô nghĩa, nhưng nó lại gây ra phiền toái. Tôi được biết có tình trạng trường đã trả được hồ sơ giấy cho thí sinh, nhưng lại không xoá được tên thí sinh trên phần mềm, làm cho thí sinh không nộp được hồ sơ vào trường khác” – TS Lương Hoài Nam nhận xét.
TS Nam nhấn mạnh, khi mỗi thí sinh có đến 16 nguyện vọng xét tuyển thì việc cho phép thí sinh rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng là rất dở! Chính cái dở này đã gây ra rối loạn. Phần mềm của Bộ không có đủ các tính năng tuyển sinh cần thiết để xài được như các phần mềm tuyển sinh tốt ở nước ngoài.
Về thực chất, năm nay Bộ chưa có phần mềm tuyển sinh xài được. Thi và tuyển sinh kiểu năm nay mà không có phần mềm tốt thì bất khả thi, vì số lượng thí sinh (gần 700.000) và số trường - ngành (hơn 400 trường X số ngành) quá lớn. Vì thế, nhu cầu phải có phần mềm tuyển sinh là điều cần thiết mà Bộ phải triển khai.