Những kỷ niệm của ngành Hàng không với Bác vẫn thường xuyên được kể lại đầy xúc động qua các câu chuyện, trong đó không thể thiếu câu chuyện về những chuyến bay đưa đón Người đi công cán.
Tấm ảnh quý với Bác
Một trong những câu chuyện cảm động được Chánh văn phòng Cục Hàng không VN Nguyễn Phước Thắng kể lại cho chúng tôi là chuyện về chuyến bay “đưa một cán bộ cao cấp vào Vinh và Đồng Hới” mà chỉ đến khi máy bay cất cánh, người thực hiện chuyến bay lúc đó là ông Đặng Đình Ninh – Trưởng ban Cơ vụ đầu tiên của Hàng không VN mới biết đó chính là Bác Hồ.
“Hôm đó (13/6/1957), đồng chí Đặng Tính, Cục trưởng đầu tiên của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam quyết định chọn máy bay Li-2 số 203 là chiếc máy bay mới nhất để thực hiện chuyến bay. Cục trưởng Tính dặn đi dặn lại ông Đặng Đình Ninh phải kiểm tra kỹ thuật thật kỹ, thay xăng dầu mới, bay thử hai vòng rồi tổ chức canh gác cẩn thận để hai hôm sau cất cánh. Ông Ninh có linh tính đây hẳn là chuyến bay quan trọng và khấp khởi hy vọng đây có thể là chuyến bay đưa Bác Hồ đi công tác”, ông Thắng kể lại.
"Trong ngành Hàng không, chỉ có các chiến sĩ lái máy bay thôi thì không đủ. Muốn lái máy bay tốt, an toàn phải có máy móc tốt. Nghĩa là các chiến sĩ thợ máy phải làm việc giỏi. Lại cần có người chỉ huy tài, vạch đường chỉ hướng đúng đắn, có người thông báo thời tiết chính xác..." Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Sáng 15, chuyến bay cất cánh từ Sân bay Gia Lâm. Ông Ninh lúc đó có đôi chút thất vọng vì trên máy bay chỉ có Cục trưởng Đặng Tính đi cùng. Chỉ đến khi bay qua Phủ Lý, Cục trưởng Tính mới cho biết: “Bác đã đi ô tô vào Vinh từ mấy hôm trước. Ta sẽ bay vào Vinh đón Bác đi Đồng Hới”.
Sáng 16, tổ lái ra sân bay, kiểm tra kỹ rồi bay thử một vòng. Đến giờ, một chiếc Com-măng-ca mui trần từ từ tiến vào đường băng. Và Bác bước xuống trong bộ kaki màu vàng nhạt. Cùng đi với Bác có đồng chí Vũ Kỳ, bác sĩ Bảo và một đồng chí bảo vệ, một chiến sĩ cần vụ và hai nhà quay phim.
Sau 45 phút, tổ bay đưa Bác đến Đồng Hới và sáng hôm sau lại đưa Bác về Hà Nội. Trên đường về, được Bác cho phép, đồng chí Đặng Tính đã lệnh cho tổ lái lượn vòng quanh thành phố. Được dịp may hiếm có, hai đồng chí quay phim đã nhoài ra cửa, ghi lại những thước phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam quay cảnh Thủ đô Hà Nội từ trên máy bay. Cần phải nói rằng, thời đó, để giữ bí mật, Bộ Quốc phòng cấm quay phim từ trên cao.
Bác Hồ chụp ảnh kỉ niệm với tổ bay Li-2, số hiệu 203 trong chuyến bay về thăm Quảng Bình (Ảnh tư liệu)
Kỷ niệm với Bác chưa dừng ở đó. Hai ngày sau, tổ bay bất ngờ được đón sang Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác dành 1 giờ đồng hồ đón tiếp tổ bay, như một phần thưởng vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Quanh chiếc bàn kê trong vườn, Bác hỏi chuyện từng người, động viên mọi người cố gắng học tập, công tác. Lúc chia tay, anh em bùi ngùi chào Bác: “Bác nghỉ ạ!”. Nhìn tôi, Bác cười đôn hậu: “Bác phải đi làm việc chứ”, ông Đặng Đình Ninh sau đó kể lại.
Chưa hết, một tuần sau, ngày 22/6/1957, đồng chí Đặng Đình Ninh đã nhận được món quà mà theo ông là quý nhất đời mình. Đó là tấm ảnh chụp chung với Bác, được Người gửi tặng từng anh em trong tổ lái.
Đám mây tích điện và bài học về chữ tín
Trong những câu chuyện về Bác Hồ với ngành Hàng không được ghi lại, kể lại, tập hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tiên, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không VN và bài học sâu sắc sau chuyến đi đáng nhớ đưa Bác Hồ sang Indonesia theo lời mời của Tổng thống nước này lúc đó là ông Sukarno vẫn luôn được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần.
“Trong tập hồi ức của mình, Cục trưởng Tiên đã ghi lại rất chi tiết câu chuyện về Bác, về chữ tín thiêng liêng của Bác”, ông Thắng nói và chậm rãi kể: Ngày 26/2/1959, Cục trưởng Nguyễn Văn Tiên được lệnh chuẩn bị chuyến bay đưa Bác Hồ đi Indonesia, theo kế hoạch, máy bay sẽ cất cánh lúc 8h. Tuy nhiên trước đó, tổ khí tượng báo có nhiều đám mây tích điện xuất hiện trên đường bay. Lo mất an toàn cho chuyến bay, Cục trưởng Tiên báo cáo Bác rằng chuyến bay không thể cất cánh vào giờ dự kiến. Sau một thoáng đăm chiêu, Bác hạ giọng nói với Cục trưởng Tiên: “Chú có biết đây là chuyến bay rất quan trọng không? Nhân dân nước bạn và Tổng thống Sukarno đang chờ đón. Nếu bay chậm hoặc không bay được, bạn sẽ nghĩ về chúng ta như thế nào? Trong ngoại giao, đến chậm là rất mất lịch sự”.
Thấy sự lo lắng trên vẻ mặt của Cục trưởng Tiên, Bác động viên: “Bác biết nhiệm vụ của chú là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến bay. Bác đề nghị thế này: Đúng giờ ta cứ cất cánh. Nếu dọc đường gặp mây tích điện, ta cố gắng lách qua. Nếu không thể tránh được, Bác đồng ý quay trở lại”.
Dừng một chút, Bác nói tiếp: “Cũng có thể khi chúng ta bay đến thì mây tích điện đã tan rồi. Chú biết đấy, ngành Khí tượng cũng chỉ dự báo thôi. Dự báo khí tượng phần nhiều là đúng, nhưng cũng có khi sai, vì chỉ là dự báo mà”. Nói đến đó, Bác cười to và mọi người cũng cười theo. Tiếng cười giải tỏa hết mọi lo lắng.
Thế rồi máy bay cất cánh và hạ cánh an toàn xuống Sân bay Jakarta đúng giờ. Tổ lái báo cáo, trên đường đi, đám mây tích điện đã di chuyển cách đường bay khá xa.
“Sau chuyến bay, tôi cứ nghĩ mãi về Người. Đối với Bác, chữ tín là thiêng liêng. Vì giữ lời hứa, Bác quyết chí vượt lên tất cả”, hồi ức của vị Thiếu tướng, Cục trưởng ghi lại.