Lần đầu chuyển hết lên bán hàng online, tiểu thương Sài Gòn thấy "khó gấp 10 lần" bán kiểu cũ

An Phú - Ngày 18/08/2021 06:56 AM (GMT+7)

Những ngày giãn cách phòng dịch, có rất nhiều trang, hội nhóm mua bán online được thành lập để người dân trao đổi hàng hóa. Bỡ ngỡ vì lần đầu giao dịch trên chợ mạng, nhiều người bán sợ ôm hàng mà không có khách hỏi, trong khi đó, có người mua lại sợ bị b

"Khó hơn nhiều so với bán hàng truyền thống trực tiếp"

Là tiểu thương bán ở chợ Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM), 5 năm nay, chị Đặng Thị Yến Ngọc lần đầu tiên thử bán trên mạng sau thời gian dài chợ truyền thống đóng cửa, khu vực sinh sống ở gần nhiều khu phong tỏa cách ly. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, chị Ngọc nghĩ rằng lên mạng bán là cách tốt nhất để giữ mối, nhập hàng thường xuyên.

Để có khách mua, chị phải gia nhập vào nhiều hội nhóm chợ online, đều đặn đăng bài tương tác trên nhóm và trang cá nhân.

“Thời gian đầu tôi cũng tính đợi họp chợ lại vì bán truyền thống xưa nay quen rồi, nhưng khi biết tình hình giãn cách còn lâu, bà con xóm tôi ai cũng than đi chợ khó khăn vì xếp hàng chờ đợi, rồi giới hạn lượt mua, mua không có thứ mình cần lại phải tiếp xúc nhiều ở ngoài. Vì thế, tôi mới nghĩ tới chuyện bán trên mạng, một phần để giữ mối khách xưa nay, phần để có thêm thu nhập trang trải. Biết là tiền vận chuyển cao làm hàng hóa bán cũng không còn lời như trước nhưng cứ ra đơn đều thì bù qua sớt lại cũng tạm ổn”, chị Ngọc kể về trải nghiệm họp chợ online đầu tiên của mình.

emGian hàng tại nhà của chị Yến Ngọc/em

Gian hàng tại nhà của chị Yến Ngọc

Có nhiều thời gian ở nhà, chị tự làm đồ ăn để bán

Có nhiều thời gian ở nhà, chị tự làm đồ ăn để bán

Được biết, lượng hàng hóa chị Ngọc nhập từ mối quen chuyển từ miền Tây lên, qua nhiều chốt kiểm dịch và đến nơi rất khó khăn vì tài xế phải đảm bảo đủ giấy tờ an toàn trên từng xe hàng. Trước đây, chị Ngọc chủ yếu bán hàng trái cây rau củ, nay chị nhập thêm thực phẩm tươi sống để bán trước nguồn cầu lớn của người dân xung quanh.

Nhập hội chợ online theo khu vực phường, quận gần một tháng nay, chị cho biết: “Trước chỉ thị của thành phố, những người có việc cần thiết mới được ra đường nên hầu như khâu vận chuyển phải thông qua shipper trên các ứng dụng, có giấy tờ qua chốt đàng hoàng. Tôi cũng chỉ lên đơn bán trong khu vực quận, xung quanh phường vì như vậy đảm bảo phí vận chuyển không cao, hàng hóa không thích có thể đổi trả và shipper không khó khi qua chốt. Với lại giờ cũng nhiều chị em lên mạng bán lắm, nên người mua thoải mái lựa chọn nơi họ thích”.

Thực phẩm tươi sống chị Ngọc nhập từ mối quen

Thực phẩm tươi sống chị Ngọc nhập từ mối quen

Về vấn đề bảo quản hàng hóa trong những ngày “ế” khách, chị cho biết thực phẩm tươi sống bán không hết sẽ trữ đông, riêng rau củ trái cây sẽ hạ giá bán nhanh hoặc lên bài chốt số lượng khách đặt mua trước rồi mới nhận hàng từ chủ vựa.

Gian hàng đầy đủ các loại thực phẩm như ở chợ truyền thống được chị Ngọc đăng bán

Gian hàng đầy đủ các loại thực phẩm như ở chợ truyền thống được chị Ngọc đăng bán

Chia sẻ về những khó khăn khi bán hàng online, chị N.T.M.L (chủ tiệm bán mỹ phẩm) than thở: “Bán hàng online khó gấp 10 lần bán offline. Bán truyền thống mình cứ bày hàng ra, để bảng giá ở một số món, người ta cầm nắm vừa ý thích thì mua hoặc hỏi giá, trả giá thoải mái không vấn đề gì. Riêng bán online thì phải trực tin nhắn thường xuyên để trả lời khách dù đã đăng sản phẩm kèm giá, không có thời gian kịp chốt đơn. Cái khó ở đây là nhiều người bán và mua không công bố giá rõ ràng, kèm phí ship nên thường xuyên làm mất thời gian của nhau, ít đơn đi hơn, ít lời hơn, đôi khi kèm thêm nhiều cảm xúc tiêu cực”.

Quầy hàng bán đồ mỹ phẩm tại nhà của chủ shop N.T.M.L ở a classTextlinkBaiviet hrefhttps://eva.vn/tin-tuc/tp-hcm-cay-trong-truong-tieu-hoc-bat-goc-de-o-to-ngoai-duong-c73a613425.htmlTP.HCM/a

Quầy hàng bán đồ mỹ phẩm tại nhà của chủ shop N.T.M.L ở TP.HCM

Cùng tâm trạng tiểu thương họp chợ online, nhiều người tỏ ra ngao ngán trước tình trạng “cướp khách” tại bài đăng bán. Chị N.T.Đ tâm sự: “Nhiều khi tôi bỏ công chụp ảnh sản phẩm, xin review khách mua để xây dựng hình ảnh uy tín, nhưng khi có khách chốt đơn phía dưới, nhiều chủ shop khác vào tin nhắn rồi tự chốt đơn luôn vì họ có mặt hàng tương tự mình, còn chất lượng thì không biết. Nhiều khách không để ý, tưởng đó là tôi nên khi mua hàng về thấy không đúng như bài viết lại quay ra mắng vốn mình”.

Những bí quyết để không bị bom hàng mùa dịch 

Bên cạnh những nỗi lo của chị em tiểu thương, người mua cũng gặp nhiều tình huống phải “lắc đầu” vì những bất tiện khi mua hàng online. Mới đây, trên diễn đàn hội nhóm chợ tại nhà, chị Trúc Lâm (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã có bài review những trải nghiệm mua hàng của mình để chị em cùng rút kinh nghiệm.

“Bình thường tôi đi chợ gần nhà, giờ chợ đóng cửa, đi siêu thị theo phiếu, thời gian quy định cụ thể rồi nhưng đến ngày đi nhiều khi bận phải trông em bé nên tôi không đi được. Vậy là tôi thử mò ra nhiều trang bán hàng online trong quận để mua hàng, thấy hàng hóa rất đa dạng, đa số là những chủ tiệm tạp hóa hoặc người ta đã từng bán nhiều ngoài chợ nên thứ gì mình muốn mua cũng có", chị Lâm chia sẻ. 

Phần lòng ngon chị Trúc Lâm mua được tại chợ online

Phần lòng ngon chị Trúc Lâm mua được tại chợ online

Theo chị Lâm, để mua hàng chất lượng, chị thường đọc bài trải nghiệm của người mua trước rồi mới mua và ra cam kết với người bán nhận hàng thấy đảm bảo mới trả tiền. “Dù trước đây rất ít khi mua online vì đi chợ cảm giác thích hơn, lựa đồ theo ý mình, nhưng giờ dịch bệnh nên mình cũng phải linh động hơn. Mua trong group cũng đầy đủ thứ theo lựa chọn của mình”, chị chia sẻ.

Chị kể, mua bán online không biết mặt, biết chỗ người bán nên gần đây có rất nhiều trường hợp người bán lập tài khoản giả để đăng bài, mua hàng đòi khách chuyển khoản trước lấy lí do gom đủ hàng một lượt rồi sau đấy chặn nick facebook hoặc “treo đầu dê, bán thịt chó”, hàng đến tay đã hư hỏng, trái cây héo, thịt thì ôi thiu. Chính vì vậy chị luôn cân nhắc lựa chọn hình thật, người thật, giao kèo trước nhận hàng thấy ưng ý mới trả tiền.

Lần đầu chuyển hết lên bán hàng online, tiểu thương Sài Gòn thấy amp;#34;khó gấp 10 lầnamp;#34; bán kiểu cũ - 7

Đầy đủ các món ăn từ trái cây đến rau củ được chị Lâm chọn mặt gửi vàng kĩ càng khi mua trên mạng, hàng về đến tay đều đảm bảo như ý

Đầy đủ các món ăn từ trái cây đến rau củ được chị Lâm "chọn mặt gửi vàng" kĩ càng khi mua trên mạng, hàng về đến tay đều đảm bảo như ý

Anh Phú Vinh (TP.Thủ Đức) cũng là người thường xuyên mua hàng trên chợ online trong giai đoạn giãn cách xã hội. Anh bày tỏ: “Bình thường mua bán online thì người bán sợ bị bom hàng nhưng giờ thì ngược lại, người mua như tôi mới sợ. Tôi đặt nhiều lần hàng thực phẩm, đồ ăn cho mèo nhưng người ta chốt đơn rồi lại không giao, hỏi lại thì lấy lí do quên hoặc nhiều đơn quá nên sót. Mỗi lần như vậy đợi chờ rất mất thời gian, đến lúc cần lại không có hàng phải đi đặt lại chỗ khác”.

Ngoài ra, anh cho biết phí vận chuyển cũng thường cao dù chỉ ship trong khu vực quận, họ phải đặt bên đối tác, nếu hàng mua số lượng nhiều thì sẽ hỗ trợ, nhưng thường phí dao động từ 35-50 nghìn đồng, cao cũng xấp xỉ bằng nửa tiền hàng.

Để tiết kiệm tiền vận chuyển, chị Tú Trinh (TP.Thủ Đức) thường rủ nhiều người trong xóm trọ mua hàng, gom lại về chia tiền vận chuyển. “Tôi thấy món nào ngon thì sẽ rủ mọi người trong phòng, ở dãy trọ mua chung để đỡ tiền ship. Bình thường tôi sẽ thỏa thuận trước với người bán, hỏi giá ship thấy ổn mới đặt, còn không thì thôi đỡ mất công hai bên”, chị nói.

An Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhịp sống Sài Gòn

Tin hay đừng bỏ lỡ