Mới sinh ra đã mắc bệnh tim bẩm sinh, đã có lúc tưởng chừng không qua khỏi, nhưng sau ca phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ cách đây 3 năm tại bệnh viện Nhi Trung ương, hiện giờ bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh
Đó là trường hợp của cháu Dương Việt Hà (ở Vĩnh Phúc) và đây cũng là bệnh nhân đầu tiên được điều trị suy tim giai đoạn cuối thành công bằng kỹ thuật cao này.
Mong manh giới hạn sống – còn
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, cháu Hà đã được phát hiện bị tim bẩm sinh block nhĩ thất toàn phần. Tình trạng này khiến trẻ sinh ra cứ dần suy yếu và có thể tử vong bất cứ lúc nào. Sau sinh, gia đình đưa cháu đi khám tại một số bệnh viện tại Hà Nội và được tư vấn phải cấy máy tạo nhịp tim ngay để hỗ trợ chức năng co bóp của tim. Tuy nhiên, do cháu còn quá nhỏ, thủ thuật rất khó thực hiện và băn khoăn vì cứ 6-7 năm lại phải thay máy một lần, nên gia đình chần chừ chưa muốn điều trị. Cho đến khi bé Hà được 4 tháng tuổi, thấy con yếu đi, ăn uống khó khăn, thở nặng, gia đình vội đưa con lên bệnh viện Nhi Trung ương.
Ths.Bs Nguyễn Thanh Hải – Trung tâm Tim mạch, bệnh viện Nhi Trung ương – cũng là bác sĩ điều trị trực tiếp khi ấy cho bệnh nhân cho biết, năm 2009, khi nhập viện, cháu Hà được chẩn đoán block nhĩ thất hoàn toàn gây nhịp tim chậm, suy tim nặng, siêu âm thấy tim giãn to và suy giảm chức năng tim nặng. Kết quả X-quang cho thấy kích thước quả tim lớn chiếm gần hết lồng ngực, tràn dịch đa màng, có phù, bệnh nhân khó thở, ăn uống khó khăn. Với tình trạng nặng nề, nguy cơ tử vong cao lúc ấy, bé Hà đã được các bác sĩ bệnh viện nhi Trung ương phẫu thuật cấy máy tạo nhịp một buồng tim.
Sau ca phẫu thuật lần đầu kết hợp với kích thích tim bằng máy tạo nhịp, bé Hà còn được điều trị bằng các thuốc trợ tim, tình trạng suy tim được cải thiện dần dần. Đã có lúc vui mừng vì tưởng như sức khoẻ con có thể hồi phục được như phần lớn các bé được cấy máy tạo nhịp khác. Tuy nhiên khi con được gần hai tuổi, tình trạng sức khoẻ lại bắt đầu xấu dần đi, tình trạng suy tim ngày càng trở nên xấu hơn. Mọi phương pháp điều trị bằng nội khoa kết hợp đều được các bác sỹ nghiên cứu và áp dụng. Dẫu vậy hiệu quả điều trị cũng chỉ là kéo dài cuộc sống của con thêm ngày thêm tháng, suy tim cứ thế tiến triển xấu hơn và đã là giai đoạn cuối của suy tim, cuộc sống của bé Hà như ngọn đèn trước gió có thể phụt tắt bất cứ lúc nào.
Nhìn cậu bé 4 tuổi cân nặng chưa được 10 kg, các bác sỹ không thể an lòng. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: “Còn phương pháp nào nữa đây?”, “Ghép tim ư?”, “ Tạo nhịp tái đồng bộ ư?” hay là “ Đã hết hy vọng?”. Ghép tim là gần như không thể, lấy ở đâu người hiến tim? Khi ấy các bác sĩ đã nghĩ đến hy vọng cuối cùng là phương pháp cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ. Tuy nhiên kỹ thuật này mới chỉ được thực hiện tại rất ít nơi trên thế giới, hiệu quả điều trị trong một số bệnh cũng rất hạn chế. Không biết trong trường hợp này phương pháp này có thực sự hiệu quả hay không, trong khi kĩ thuật lại vô cùng phức tạp và chi phí rất tốn kém.
BS Nguyễn Thanh Hải và bé Hà trong lần kiểm tra sức khỏe gần đây nhất.
Cơ hội cho các bệnh nhi suy tim giai đoạn cuối
Giải thích về kỹ thuật mới này, BS Hải cho biết, tái đồng bộ tim là kỹ thuật sử dụng máy tạo nhịp kích thích tim tại nhiều điểm, nhằm tạo sự co cơ đồng bộ giữa các vùng cơ tim bị bất đồng bộ nhằm tăng hiệu quả tống máu thất trái.
Hàng loạt khó khăn nảy sinh. Trước hết là làm thế nào để tìm được điểm kích thích tim thích hợp trong khi kích thước quả tim suy là rất lớn so với lồng ngực rất nhỏ của trẻ. Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để đưa điện cực vào và đưa bằng đường nào. Hơn nữa, vì không có loại máy được sản xuất riêng cho trẻ nhỏ nên các bác sĩ phải dùng máy có kích thước cho người lớn, phải cài đặt lại chương trình cho phù hợp với sinh lý tim của trẻ nhỏ. Và còn rất nhiều thách thức khác nữa. Nhưng mối lo ngại lớn nhất vẫn là liệu con có qua được ca mổ này không khi suy tim đã ở giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong ngay trong khi mổ là rất cao.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, hội chẩn giữa các chuyên khoa tim mạch, phẫu thuật, gây mê và với các chuyên gia quốc tế đầu ngành, tất cả các tình huống có thể xảy ra đã được bàn thảo kỹ lưỡng và lập kế hoạch xử lý cụ thể. Khó khăn lớn nhất trong khi phẫu thuật là khâu hồi sức trong cuộc mổ, các bác sĩ gây mê đã phải hồi sức hết sức tích cực để giữ cho huyết động bệnh nhân ổn định trong toàn bộ cuộc phẫu thuật.
Trao đổi về quá trình phẫu thuật cho trường hợp này, TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – phó khoa Tim mạch, cho biết: “Khi mở lồng ngực bệnh nhi, quả tim giãn to chiếm gần kín khoang lồng ngực, quả tim đập yếu ớt, thành quả tim mỏng dính, các thao tác phải hết sức nhẹ nhàng và chính xác. Khi xoắn điện cực vào cơ thất trái, nguy cơ thủng và vỡ tim là rất cao do thành cơ tim rất mỏng. Hơn nữa phẫu thuật viên lại chưa từng được đào tạo và chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật này.
Tuy nhiên nhờ kinh nghiệm của hàng trăm ca phẫu thuật tim bẩm sinh khó ở trẻ sơ sinh, bác sỹ phẫu thuật cũng như ê kíp hồi sức gây mê đã làm được điều tưởng như không thể. Ca mổ thành công ngoài mong đợi, tình trạng huyết động và suy tim của cháu bé đã được cải thiện ngay từ những kích thích tim đầu tiên của máy tạo nhịp tái đồng bộ.
Được biết, sau mổ bệnh nhân còn phải trải qua quy trình điều trị kết hợp suy tim kéo dài và việc khẳng định chức năng tim đã được phục hồi hoàn toàn hay chưa chỉ có thể được đưa ra sau 1 năm điều trị. Đến nay đã hơn 3 năm sau cấy máy tái tạo đồng bộ, trong lần kiểm tra gần nhất, gia đình và các thầy thuốc đều vô cùng hạnh phúc chứng kiến cháu Hà hoàn toàn khỏe mạnh, hoạt bát như bao đứa trẻ bình thường khác.