Sau khi trải qua ca phẫu thuật ghép tủy từ một người hiến tặng, người đàn ông tưởng rằng mọi chuyện đã kết thúc nhưng nào ngờ, một tai họa khác lại ập xuống đầu anh.
Anh Chris Long, sống tại thành phố Reno, Nevada, đã từng mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính và hội chứng myelodysplastic (hội chứng rối loạn sinh tủy). Để cứu sống bản thân, anh Chris chỉ có một cách duy nhất là ghép tủy và thật may mắn, anh đã được một người có quốc tịch Đức đồng ý hiến tặng tủy xương thích hợp.
Ca phẫu thuật thành công và sức khỏe của anh Chris cũng dần phục hồi. Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau ca phẫu thuật ghép tủy, anh Chris sốc nặng khi đi xét nghiệm ADN và thấy mẫu ADN trong máu của mình đã thay đổi so với trước. Vốn là một cảnh sát, anh hoàn toàn nhận thức được việc mỗi người chỉ có duy nhất một ADN để xác định danh tính, do đó càng không thể hiểu tại sao ADN của mình lại thay đổi.
Anh Chris Long bị thay đổi ADN sau ca phẫu thuật ghép tủy.
Tới 4 năm sau, người đàn ông này tiếp tục phát hiện mẫu ADN lấy từ môi và má của anh cũng không còn là của anh nữa mà là của người hiến tặng tủy xương trước đây. Sự thay đổi này đã khiến anh Chris trở thành một "chimera", nghĩa là có 2 bộ ADN trên một cơ thể sống. Về mặt sinh học, Chris không còn là Chris nữa.
Cả anh Chris lẫn những người xung quanh anh đều bị sốc nặng khi biết sự thật này. Những người đồng nghiệp cảnh sát của anh tin rằng việc này có thể ảnh hưởng đến các vụ án hình sự và công tác pháp y. Về phần mình, anh Chris không khỏi bàng hoàng. Anh chia sẻ với báo giới: "Thật khó tin nếu một ngày nào đó tôi biến mất rồi có một người khác xuất hiện, mạo danh đó là tôi".
Sau đó, anh Chris đã đồng ý thu thập các mẫu ADN trên các bộ phận cơ thể để xem những phần nào bị ảnh hưởng. Thật bất ngờ, chỉ có ngực và tóc của anh là không bị biến đổi ADN, còn tất cả những phần khác trên cơ thể hiện tại đều mang ADN của người hiến tặng tủy xương.
Chỉ có ADN trên ngực và tóc của anh Chris vẫn là của anh (Ảnh minh họa)
Anh Darby Stienmetz, một đồng nghiệp của anh Chris cho biết: "Tất cả chúng tôi đều bị sốc khi biết đó không còn là Chris nữa".
Tuy nhiên, ông Andrew Rezvani, Giám đốc y tế thuộc Đơn vị cấy ghép tủy và máu của Trung tâm y tế Đại học Stanford (bang California, Mỹ), nhận định rằng việc biến đổi ADN không ảnh hưởng đến tính cách hay con người của anh Chris. "Bộ não và tính cách của họ vẫn giữ nguyên", ông Andrew nói.
Thứ khác biệt ở đây là mẫu ADN được lưu trong dữ liệu quốc gia, dữ liệu bệnh viện hoặc gia phả gia đình. Nó dùng để xác định xem một người là ai, có quan hệ như thế nào với những người xung quanh. Do đó, nếu có chuyện gì xảy ra với anh Chris thì người ta không thể xác định chính xác mẫu ADN của anh.
Vào năm 2006, một người phụ nữ cùng gặp phải tình huống tương tự, đó là cô Lydia Fairchild, sống tại bang Washington, Mỹ. Cô dứt ruột đẻ ra 3 đứa con nhưng kết quả xét nghiệm ADN cho thấy cô không có quan hệ huyết thống với bất cứ đứa con nào. Điều này đã khiến Lydia suýt mất con và bị tống giam. Mãi sau đó, một luật sư mới phát hiện ra rằng Lydia đã mang một phần ADN của người chị em sinh đôi không được sinh ra của cô, tức là cô cũng là một "chimera".