Các bác sĩ cứ tưởng rằng thai phụ này sẽ sinh đôi nhưng khi con chào đời, họ chỉ thấy một bé gái.
Hai tháng trước ngày dự sinh, chị Monica Vega, sống tại thành phố Barranquilla, Colombia, đã tới bệnh viện siêu âm để kiểm tra sức khỏe thai nhi. Tại đây, bác sĩ nói rằng đã phát hiện thấy 2 dây rốn. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng chị Monica sẽ sinh đôi nhưng sự thật không phải vậy.
Không có bất cứ cặp song sinh nào chào đời. Chị Monica chỉ hạ sinh duy nhất một bé gái, đặt tên là Itzmara . Hóa ra, chị Monica thực sự đã mang bào thai đôi nhưng do một bào thai không phát triển nên đã bị bào thai còn lại "hấp thụ" vào trong. Hiện tượng này được gọi là thai ký sinh, hay thai trong thai.
Bé gái Itzmara.
Điều đó có nghĩa là bé gái Itzmara đang mang trong mình một bào thai khác. Các bác sĩ nói với chị Monica rằng con gái chị phải được phẫu thuật "mổ đẻ" để lấy bào thai kia ra khỏi cơ thể, bởi họ lo sợ nó có thể lớn lên và làm tổn thương các cơ quan nội tạng của bé Itzmara.
Chỉ 24h sau đó, tức là khi bé Itzmara mới được 1 ngày tuổi, cô bé đã phải trải qua ca phẫu thuật để loại bỏ khối u không có tim và não, do bào thai không phát triển trên còn sót lại. Rất may, ca phẫu thuật thành công và các bác sĩ nói rằng bé Itzmara sẽ không có bất kỳ biến chứng nào. Cô bé sẽ phải nằm viện thêm vài ngày để theo dõi sức khỏe, sau đó trở về nhà và sống bình thường. Hầu hết các khối u từ hiện tượng thai ký sinh đều không gây hại cho vật chủ.
Ảnh chụp siêu âm cho thấy một bào thai khác nằm trong cơ thể bé Itzmara.
Theo báo cáo năm 2010 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (NIH), hiện tượng thai ký sinh chỉ xảy ra với tỷ lệ 1/500.000 ca sinh và cho đến nay, chỉ mới có khoảng 200 trường hợp được báo cáo trên thế giới. Nhờ tiến bộ trong kỹ thuật siêu âm, hiện tượng này có thể được phát hiện sớm trong quá trình mang thai.
Nếu được phát hiện sớm, khối u của thai ký sinh có thể được loại bỏ ngay sau khi đứa trẻ sinh ra. Tuy nhiên nếu không phát hiện, khối u này có thể lớn lên cùng vật chủ, thậm chí gây ra dị tật bên ngoài cơ thể.