Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) nổi tiếng với chợ vải Ninh Hiệp được mệnh danh là “con đường tơ lụa” của Việt Nam. Nhờ nghề buôn vải mà nơi đây trở thành một trong số những làng giàu bậc nhất miền Bắc.
Làng Ninh Hiệp (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) xưa là làng Nành, tổng Nành thuộc xứ Đông Ngàn, Kinh Bắc. Ngôi làng này có lịch sử hình thành tương đương với Thăng Long - Hà Nội, tức là hơn 1.000 năm. Làng Ninh Hiệp ngày nay được hình thành từ 3 ngôi làng cổ: Hiệp Phù, Ninh Giang, Phù Ninh, nay 3 làng này đổi thành các thôn được gọi tên theo số từ 1 đến 7. Mặc dù là một làng ngoại thành Hà Nội nhưng mỗi mét đất ở chợ vải Ninh Hiệp (làng Nành, Gia Lâm, Hà Nội) đều khiến du khách có cảm giác đang đi giữa trời Châu Âu.
Làng Ninh Hiệp nhìn từ trên cao. (Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc)
Ngôi làng này giàu lên nhờ nghề buôn vải vóc và làm thuốc bắc
Đi về làng Ninh Hiệp, khu viền phía ngoài là dãy những ngôi nhà khang trang được xây giống hệt nhau như ở các khu đô thị mới. Khu phía trong, từ cổng làng được dẫn lối bởi các cửa hàng bán quần áo may sẵn nằm san sát chạy vào giữa làng là khu bán vải được quây tròn ở trung tâm. Người mua kẻ bán, xe cộ chở hàng hóa tấp nập không khác gì các chợ đầu mối.
Người dân tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm giàu lên nhờ nghề buôn vải. Từ một vài người theo buôn lái sang Trung Quốc nhập hàng, người dân tại đây đua nhau “buôn có bạn, bán có phường”, đánh hàng từ nước bạn về mở thành chợ vải Ninh Hiệp lớn nhất nhì phía Bắc.
(Ảnh: Infonet)
Những căn biệt thự nguy nga tráng lệ ở làng Ninh Hiệp (Ảnh: Nhịp sống việt)
Theo tiết lộ của một dân buôn tại Ninh Hiệp, một số loại vải được quảng cáo là Mỹ, Ý, Đức tại chợ vải Phùng Khoang, chợ Hôm (Hà Nội)... thường có nguồn gốc cũng từ Ninh Hiệp mà ra. Cũng theo các tiểu thương, nghề bán vải thu về lợi nhuận rất lớn, ít thì một lãi ba, nhiều thì một lãi bốn, lãi năm hoặc thậm chí hơn nữa. Nhờ biết cách làm ăn, có nhiều nhà buôn thu lợi vài tỷ/năm. Sạp vải vừa vừa cũng có thể lãi vài triệu/ngày, gần trăm triệu/tháng.
Không chỉ có chợ vải Ninh Hiệp nổi tiếng, nơi đây còn có lịch sử hàng nghìn năm, được người ta ví von như một kinh đô mua sắm sầm uất nhất cả nước với chợ thuốc bắc lớn nhất cả nước. Tương truyền, đây là nghề “cha truyền con nối” lâu đời tại nơi này, nhiều hộ dân trong làng vẫn kế thừa nghề truyền thống của gia đình, tiếp tục tìm tòi, học hỏi để trực tiếp khám chữa bệnh cho người bệnh đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.
Nếu như ngoài đường là những cửa hàng vải chật cứng thì ở trong làng la liệt các loại thuốc, vị thuốc được phơi khắp các con ngõ, chiếm hết cả lối đi. Mùi thuốc bắc, mùi diêm sinh khắp mọi ngóc ngách. Qua tìm hiểu, cả làng Ninh Hiệp có 254 hộ làm nghề bào chế thuốc đông y. Đến năm 2009, Ninh Hiệp được UBND thành phố Hà Nội công nhận là “Làng nghề truyền thống thuốc nam, thuốc bắc” và là một trong những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô.
Biệt thự nguy nga tráng lệ, xe sang nhà xịn đếm không xuể
Phát triển nhanh chóng, số hộ là tỷ phú đếm không xuể. Chính vì vậy, nhiều người dân trong xã không tiếc tiền khi xây dựng rất nhiều dinh thự, lâu đài nguy nga, hàng nghìn ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát. Các tòa lâu đài nổi bật bởi các hoa văn chạm trổ, điêu khắc vô cùng tinh tế, sắc sảo, mang đậm phong cách châu Âu.
Một số người dân cho biết, để hoàn thiện các tòa nhà này có giá tới hàng chục tỷ đồng. Có điều kiện, người dân xây nhà to, sắm xe xịn, mở rộng không gian sống thành các biệt thự nhà vườn chứ không xây san sát nhau như ở trên phố. Đi giữa con đường bê tông sang xịn, không khó để bắt gặp dàn xe ô tô toàn thương hiệu đắt đỏ, hàng quán tấp nập…
Không chỉ có cơ sở vật chất “đắt giá”, nhiều tin đồn đất tại Ninh Hiệp đắt ngang với vàng. Sở dĩ có điều này bởi đất ở đây không chỉ để ở mà còn để buôn bán. Một căn nhà mặt đường nằm rìa ngoài làng có mặt tiền tầm 4 – 5 mét, được người dân ở đây tiết lộ có giá gần hai chục tỉ đồng. Chính vì vậy, giá nhà đất tại Ninh Hiệp khá đắt đỏ không tuân theo bất kỳ quy luật nào của thị trường bất động sản.
Trung bình, một gian hàng rộng hơn chục mét vuông có giá bán bán vài chục tỷ đồng, thậm chí, các ki ốt tại khu trung tâm chợ còn đắt hơn. Riêng đất sổ đỏ mặt đường vị trí trung tâm thì không định giá nổi, vì không có ai bán, và cũng không ai cần tiền để bán. Và nếu có bán thì giá có thể đắt hơn cả đất phố cổ Hà Nội.