Thôn 5, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) từ một làng quê nghèo đã thay da đổi thịt, biệt thự tiền tỷ mọc lên san sát. Mỗi dịp Tết đến, xe sang lũ lượt kéo nhau về làng, tấp nập đông đúc như ở thị trấn, thị xã.
Làm giàu từ nghề chủ thầu ở Lào
Đi giữa con đường nhựa khang trang dẫn vào thôn 5, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ với cảnh cư dân, xe cộ, máy móc rộn ràng như ở phố huyện. Hai bên đường, hàng chục căn biệt thự, nhà cao tầng to lớn và lộng lẫy khiến nơi này có cảm giác như một thị trấn tại Châu Âu. Hàng quán nơi đây tấp nập người mua kẻ bán, thậm chí có cả những nơi mua sắm to như trung tâm thương mại. Còn dọc 2 bên đường, nhiều ô tô sang trọng đậu lại, quang cảnh phản ánh sự giàu có và trù phú của ngôi làng tỷ phú này tại Đà Nẵng.
Biệt thự tiền tỷ san sát ở thôn 5, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)
Ít ai biết được rằng, nhiều năm về trước, thôn 5 xã Hòa Khương là một trong những làng quê nghèo ở Đà nẵng. Chỉ vài năm trở lại đây, nơi này thay da đổi thịt nhanh chóng. Từ đường nhựa phủ kín các con ngõ, biệt thự mọc lên san sát nhau, người dân đua nhau sắm sửa xe hơi, nhiều công trình công như nhà thờ, chùa chiền,… cũng được tu sửa và xây dựng hoành tráng. Người dân dân đứng ra đóng góp tiền làm đường, kéo điện thắp sáng, góp sức đưa thôn 5 đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2014.
Cuộc sống của người dân nơi này đổi đời nhờ nghề “chủ thầu". Họ về trong giàu sang sau những chuyến xuất ngoại sang Lào để xây dựng những công trình hoành tráng tại nước bạn. Thấy mọi người sang Lào “ăn nên làm ra", trai tráng trong làng cũng lũ lượt kéo nhau đi, từ ấy Lào được coi là “mảnh đất hứa” của người dân nơi này.
Đường vào thôn 5 khang trang, rộng rãi.
Bí thư chi bộ thôn 5, ông Trương Văn Phẩm, nhẩm tính trong thôn có cả chục người từng bám vào hạt thóc, cây lúa cằn cỗi mà sang Lào đổi đời - gọi là lứa F1. Phần lớn họ đi lên từ đôi bàn tay trắng, vài người qua Lào làm ăn rồi cưới luôn vợ Lào và chung sống khá hạnh phúc. Sau đó, họ lập nghiệp tại Lào và trở thành ông chủ.
Còn phần lớn thanh niên trai tráng sang Lào làm thuê công trình, làm công nhân xây dựng… Đây là lứa F2, dù chưa giàu như lứa F1 nhưng thu nhập ổn định, đổi đời sau một thời gian làm việc. Có các thế hệ đi trước chỉ bảo, nương tựa lấy nhau rồi chăm chỉ làm việc. Chỉ cần bỏ sức làm, ăn ở đã có chủ nuôi, đến khi hết việc về quê ông chủ thanh toán nên gom được món tiền về xây nhà, mua xe. Từ đó, cuộc sống của người dân tại thôn 5 xã Hoà Khương bước sang một trang mới.
Mặt trái của sự giàu có
Tìm đến ông Nguyễn Bảy - ông chủ thầu xây dựng nổi tiếng của làng trên đất Lào, một trong những người thuộc lứa F1 sang Lào “tìm đường làm giàu". Nhà ông Bảy là một khối nhà 3 tầng, đồ sộ giữa không gian làng quê yên bình. Nơi cổng vào được ông Bảy cho xây dựng hàng rào cách điệu rất quy mô. “Người ta đồn bảo tôi xây ngôi biệt thự này hàng chục tỷ. Làm gì đến cái giá đó, thiết kế tự tôi làm, rồi thuê nhân công, tự đứng ra mua vật liệu chắc hết khoảng 3 tỷ thôi. Nhà xây để ở chứ có khoe khoang đâu”, ông Bảy chia sẻ.
Biệt thự của ông Nguyễn Bảy khi đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Ông Bảy sang Lào làm ăn từ năm 1997. “Hồi mới sang, tôi cùng nhóm anh em được một số người Việt giúp đỡ, xin giúp vào làm tại một công ty của Lào. Có việc làm, thu nhập tốt, nhưng khó khăn nhất vẫn là ngôn ngữ. Vì vậy, cả nhóm anh em quyết học tiếng Lào”. Nhờ cần mẫn cộng với sự chăm chỉ, hơn 3 năm sau vừa làm vừa học tiếng, chúng tôi đã giao tiếp được. Cả nhóm đứng ra thành lập công ty nhỏ nhận thầu lại công trình.
Thời gian đầu, để tìm được mối làm ăn, những người Việt mới qua không chỉ cạnh tranh với người Lào mà cạnh tranh ngay cả với người Việt. Công việc ban đầu khá khó khăn, mãi sau này mới đi vào ổn định. Chưa kể thiếu nhân công trầm trọng khiến ông Bảy phải về làng huy động thanh niên trai tráng đi sang Lào làm việc cho mình. Cũng kể từ đó, cuộc sống của ông gắn bó với mảnh đất Lào và ăn nên làm ra.
“Muốn làm ăn được ở xứ người phải chăm chỉ, bản lĩnh, nhất là phải hiểu tiếng địa phương mới mở rộng được quan hệ", ông Bảy kể.
Nhiều người trở về làng với xe sang biển số Lào.
Thế nhưng, vì người đi lao động ở Lào đông đúc nên ở thôn 5 xã Hoà Khương chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ con. Trai tráng trong làng cứ học hết cấp 2, cấp 3 là đi xuất khẩu lao động đến Tết Nguyên Đán mới có dịp trở về. Nhiều người sang Lào lập nghiệp rồi cưới vợ, có người về quê cưới vợ sinh con rồi lại gửi con cho ông bà chăm sóc, vợ chồng dắt díu nhau sang Lào làm ăn. Thôn 5 xã Hoà Khương chỉ nhộn nhịp mỗi dịp Tết đến Xuân về, còn bình thường thì vắng vẻ, đìu hiu.