Những chiếc đèn ông sao từ Bắc vào Nam, từ những con phố nhộn nhịp như Hàng Mã đến những con đường làng quê yên bình đều được làm ra ở ngôi làng Báo Đáp (Nam Định).
Cuộc sống ngày càng hiện đại với vô số đồ chơi ngoại nhập bắt mắt, nhưng hình ảnh chiếc đèn ông sao đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của mỗi người trong đêm rằm Trung thu. Món đồ chơi giản dị này là một nét truyền thống văn hóa không thể thay thế.
Nghề làm đèn ông sao tại làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) đã có từ rất lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ các cụ già cho đến những em nhỏ cũng có thể tự hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao.
Đèn ông sao làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm: tre, nứa, giấy bóng và xương cây đay làm cán.
Để làm được một chiếc đèn ông sao thì ban đầu người thợ phải xác định được kích thước của đèn sau đó bắt đầu lên khung, dán giấy bóng kính và sau cùng là vẽ trang trí. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Bắt đầu từ tháng Giêng, người làng Báo Đáp đã đi mua tre nứa về ngâm để nan có đủ độ dẻo không bị gẫy khi uốn. Sau khi đã được chẻ ra thành từng nan người làng nghề bắt đầu uốn khung đèn rồi cột lại với nhau bằng dây kẽm, sau đó dán giấy bóng lên, cuối cùng là khâu trang trí cho sản phẩm.
Đèn ông sao được chia làm 3 loại, loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm. Do kích cỡ đèn khác nhau nên khi chẻ nan, người thợ phải phân loại rõ ràng.
Phần vòng ngoài cùng của đèn được làm từ những nan tre mảnh được quấn tua rua giấy nhuộm các màu tươi sáng, rực rỡ. Giấy bóng màu được cắt thành những cánh sao đều tăm tắp để sẵn thành từng bó. Người thợ chỉ cần quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận sao cho vừa mà cánh không bị bong.
Theo sử sách thì trước kia làng Báo Đáp có tên là làng Hóp, vào thời vua Lê - chúa Trịnh, người dân làng Hóp đã có công lớn trong việc giúp vua Lê diệt chúa Trịnh, vì vậy đến năm Cảnh Hưng thứ 15 (Quý mùi - 1763), vua Lê Hiển Tông xuống chiếu đặt tên mới cho làng Hóp là làng Báo Đáp, với ngầm ý trả ơn những nghĩa cử cao đẹp của dân làng Hóp.
Ngày nay, làng Báo Đáp còn được gọi với một cái tên khác là làng “đèn ông sao”.
Hiện nay, gần như chỉ còn duy nhất làng Báo Đáp là làm đèn ông sao truyền thống thủ công.
Những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu...