Lãng phí vì thói quen đốt vàng mã chưa giảm

Ngày 08/08/2014 16:41 PM (GMT+7)

Dù kinh tế khó khăn nhưng thói quen đốt vàng mã của người dân không hề giảm. Theo quan điểm của Phật giáo, đây là một việc làm lãng phí, vô ích, không đem lại lợi lạc cho người chết.

Mặc dù chưa bước vào chính rằm tháng 7 nhưng khắp các chợ, khu phố, người dân đã nhộn nhịp đi mua sắm, đốt vàng mã phục vụ cho lễ cúng với tâm lý “trần sao âm vậy”.

Nhộn nhịp mua sắm vàng mã

Những ngày này, một số con phố chuyên bán mặt hàng này như Lương Văn Can, Hàng Mã (Hà Nội), không khí mua bán vô cùng tấp nập. Từ các mặt hàng đơn giản như tiền, vàng, các loại quần áo, mũ mão, quần áo chúng sinh đến những đồ vàng mã “hiện đại”, phức tạp như thẻ ATM, iPhone, iPad, nhà lầu dát vàng, các loại xe hơi, xe máy siêu sang, quần áo hàng hiệu, đồ dùng gia dụng đều đủ cả.

Tại phố Hàng Mã, quần áo chúng sinh khoảng 20.000 đồng – 30.000 đồng/1 tập 50 bộ, 100.000 đồng/5bộ bao gồm đầy đủ quần áo, mũ nón, giầy dép. Các loại quần áo khác như comple, áo dài…khoảng 20.000 đồng/bộ - 50.000 đồng/bộ tùy loại thiết kế và chất liệu giấy. Nếu là những bộ có thiết kế đặc biệt tinh xảo, “sang trọng” sẽ có giá từ 100.000 đồng/bộ trở lên.

Ngoài các đồ dùng thiết yếu, “người trần” còn trang bị cho “người âm” tất cả các đồ và phụ kiện công nghệ hi-tech như iPhone, iPad, thẻ ATM, sim điện thoại được thiết kế rất giống hàng hóa thật. Theo các chủ cửa hàng, các loại hàng công nghệ cho “người âm” bán khá chạy. Các loại ô tô siêu sang như Rolls-Royce Phantom, Bentley, Mercedes, Ferrari….cũng được ưa chuộng. Mức giá từ khoảng 250.000 đồng/chiếc trở lên.

Nhu cầu mặc đẹp của “người âm” cũng được phục vụ chu đáo với các loại trang sức vàng, bạc, kim cương. Mỗi bộ vòng cổ, khuyên tai, nhẫn kim cương có giá từ khoảng 100.000 đồng trở lên tùy loại.

Hàng gia dụng dành cho người chết cũng đầy đủ với tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng….mức giá khoảng từ 50.000 đồng/chiếc trở lên.

Chủ một cửa hàng tại phố Lương Văn Can cho hay: “Hai ngày nay, khách hàng đến tấp nập, lượng bán ra chưa kịp thống kê cụ thể nhưng ước tính không hề giảm so với mọi năm. Nhiều người đến mua đủ bộ nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, quần áo, trang sức, iphone, người giúp việc…tổng tiền từ 1.500.000 đồng/trở lên”.

Không chỉ tại các tuyến phố chuyên bán hàng mã, không khí mua sắm mặt hàng này nhộn nhịp ngay tại các chợ dân sinh ở mỗi khu phố với những gánh hàng mã bán rong mọc lên như nấm sau mưa.

Tại một ngõ chợ Thành Công, Ba Đình, Hà Nội chỉ dài khoảng 20m, đã có tới 6 gánh hàng mã. Những gánh hàng rong này chủ yếu phục vụ những mặt hàng mã đơn giản như quần áo chúng sinh, comple, nón, mũ, giày dép, tiền vàng.

Tuy nhiên, lượng tiêu thụ không hề nhỏ. Chị Trương Thị Lan, chủ gánh hàng rong tại đây cho hay: “Mỗi ngày tôi bán khoảng 100 bộ quần áo, tiền vàng. Hôm nay, người dân sẽ cúng nhiều, có thể tôi sẽ bán được 200 bộ, cả đợt thì không thể tính hết”. Khi được hỏi, chị Lan cũng đưa ra nhận định, thói quen đốt vàng mã của người dân không hề giảm, chỉ có ngang bằng hoặc tăng hơn so với những năm trước. 

Phật giáo không khuyến khích đốt vàng mã

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tục đốt vàng mã không phải do Phật giáo bày ra, đây là một tập tục có nguồn gốc từ thời cổ đại trong xã hội Trung Hoa, gây tốn kém, lãng phí và không đem lại lợi lạc cho người đã khuất.

Lãng phí vì thói quen đốt vàng mã chưa giảm - 1

Dù lãng phí nhưng thói quen đốt vàng mã của người dân không hề giảm. Ảnh: Bảo Anh

Thầy Thích Phước Thái, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, đây là một tục lệ có từ lâu đời trong dân gian.

Truy nguyên về nguồn gốc, có thể thấy từ đời nhà Đường (Trung Hoa), nhà tư tưởng Vương Dư cho rằng: “Từ thời nhà Hán, đã có tục chôn tiền và đời sau lấy giấy thay tiền”. Người Trung Hoa thời cổ đại tin rằng, người chết không mất hẳn mà biến thành quỉ (nhân tử viết quỉ – Nguyễn Tôn Nhan, Kinh Lễ, Thiên Tế pháp, NXB. Văn Học, 1999). “Quan niệm nhân tử viết quỉ” được hình thành từ thời Ngũ đại (khoảng hơn 2000 năm trước Tây lịch).

Từ quan niệm này, người ta tin rằng, người chết cũng như người sống, tức sự sinh như sự tử. Những gì lúc người còn sống tiêu xài như thế nào, thì khi chết cũng cần đến như thế. Do tin tưởng như vậy, nên sau khi chết đi, thân nhân của người chết chôn theo những vật dụng cần thiết kể cả tiền bạc để người chết tiêu xài.

Tục lệ này có tác động ảnh hưởng rất lớn trong tinh thần đến những quốc gia chịu ảnh hưởng nếp sống, văn minh, văn hóa của họ, trong đó có Việt Nam.

Thầy Thích Phước Thái cho hay, theo quan điểm của Phật giáo, đốt vàng mã là một việc làm lãng phí, tốn kém vô ích. Người chết chậm nhất là sau 49 ngày nhất định sẽ tùy nghiệp thác sinh vào những cảnh giới thiện ác khác nhau, do hiện đời người đó đã gây tạo. Cảnh giới khác nhau thì vật dụng của mỗi loài tùy nghiệp thức thọ dụng cũng khác nhau. Do đó, không thể đem những vật dụng ở cõi người mà cung cấp cho những chúng sinh ở các cõi khác.

Việc đốt vàng mã không đem lại lợi lạc gì cho người chết, mà gây lãng phí tiền của, công sức và gây thêm ô nhiểm môi sinh, nhiều khi bất cẩn có thể sẽ gây ra tai nạn, hỏa hoạn.

Để tránh lãng phí vô ích, theo thầy Thích Phước Thái, thay vì bỏ tiền ra mua đốt giấy tiền vàng mã, người dân nên làm những việc có lợi ích cụ thể thiết thực hơn như mãi vật phóng sinh, bố thí giúp cho những kẻ tàn tật nghèo đói … Đem những việc làm này hồi hướng phước đức cho hương linh người chết, người chết sẽ hưởng được lợi lạc. Đây mới là việc làm chánh lý “âm dương lưỡng lợi”, đúng theo quan điểm từ bi và trí tuệ của đạo Phật.

Bảo Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Bão Yinxing di chuyển khá nhanh theo hướng tây tây bắc, hướng về vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines). Sau khi đi qua ven biển...