Đốt vàng mã không phải là quan niệm của Đạo Phật. Mặc dù báo chí đã không ít lần đề cập đến vấn đề mê tín khi đốt vàng mã nhưng hiện nay tục đốt vàng mã vẫn diễn ra rầm rộ.
Minh chứng rõ ràng nhất là ngày 27/7, vì đốt vàng mã với số lượng quá nhiều mà một gia đình ở phố Kim Mã (Hà Nội) đã vô tình làm cháy rụi ngôi nhà 4 tầng...
Đốt vàng mã là một hủ tục mê tín có nguồn gốc từ Trung Quốc
Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật. Nhìn lại quá khứ, tục đốt, rải vàng mã không phải là của người Việt Nam, mà có nguồn gốc từ Trung Hoa. Dân tộc ta trải qua hằng ngàn năm bị lệ thuộc Trung Hoa nên nhiều tập tục của họ đã lây nhiễm sang ta một cách đương nhiên, bất kể là chuyện tốt hay chuyện xấu. Tục đốt vàng mã cũng từ đó mà có. Họ vừa truyền bá tập tục để mong đồng hóa được dân tộc ta, vừa có mục đích kinh doanh kiếm lợi.
Kinh dịch Nho giáo cho biết về thời thượng cổ người chết cứ để vậy đem chôn, không biết đến phần mộ, quan quách. Trải qua các triều đại, việc chôn cất và mai táng người chết có nhiều hình thức. Đáng kể nhất là đời nhà Chu (1.122 trước Tây lịch) có một duy định khi họ chết đi thì tất cả những vật dụng quý giá của họ khi còn sống kể cả thê thiếp, thuộc hạ được sủng ái cũng đều phải chôn theo.
Về sau tục lệ vô nhân đạo này đã được bãi bỏ để thay vào đó là Sô linh (người bện bằng cỏ). Năm Nguyên Hưng nguyên niên (105) đời Hán Hoa, ông Thái Lĩnh tìm ra được cách làm giấy bằng vỏ cây dó, giẻ rách… Bắt đầu từ khi có giấy, ông Vương Dũ nghĩ đến việc biến chế vàng bạc, áo quần… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt đi sau khi cúng kính.
Lúc đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình, chưa được phổ biến rộng rãi trong đại chúng. Đến triều vua Đạt Tôn nhà Đường (762) Phật giáo đang trong thời kỳ đạt thịnh. Lúc ấy có vị sư tên là Đạo Tăng nhân ngày rằm tháng Bảy (lễ hội Vu lan) muốn lôi kéo đại chúng về với Phật giáo bèn lợi dụng tục đốt vàng mã, tâu với vua Đạt Tôn rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, vua Diêm Vương mở cửa xét tội phúc nên thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt cho thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân.” Vua muốn được lòng dân nên thuận ý nghe theo.
Việc làm này đã trái ngược với triết thuyết của nhà Phật. Ý nghĩa ngày rằm tháng Bảy lễ hội Vu lan đơn thuần chỉ là việc báo hiếu công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha qua chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Nhưng lúc bấy giờ lòng dân mang đầy tính mê tín dị đoan, lại thêm có thông sức của vua Đạt Tôn truyền dụ nên đồng loạt thi nhau đốt vàng mã để kính biếu gia tiên, ngay cả hàng Phật tử cũng không ngoại lệ.
Việc đốt vàng mã trong ngày rằm tháng Bảy đã làm mất đi ý nghĩa chính đáng của lễ hội Vu lan khiến cho chư Tăng phản ứng bài trừ, đồng thời có sự hậu thuẫn nhiệt tình của đa số quần chúng đã tỉnh ngộ. Chính điều ấy đã làm cho một số người chuyên sống về nghề vàng mã gần như thất nghiệp. Dòng dõi của Vương Dũ là Vương Luân đã tìm cách phục hồi bằng lối mị dân. Ông cho một người giả bệnh rồi chết, sau đó lập tức được khâm liệm trong quan tài có lỗ thông hơi, bên trong để sẵn thức ăn nước uống rồi loan truyền tin tức rộng ra bên ngoài. Giữa lúc bà con xóm làng đến viếng tang đông đúc, Vương Luân và một số đồng lõa đã vội vàng mang đến nhiều thứ vàng bạc, hình nhân bằng giấy giả cách bày đàn cúng lễ thiên, địa, nhân phủ. Mọi người bỗng thấy cỗ quan tài rung động, Vương Luân liền nhanh tay mở nắp ra thì người giả chết bên trong vừa lúc lò dò ngồi dậy như vừa mới thoát ra được khỏi cõi âm.
Việc làm xấu xa ấy đã gây nên sự mê tín dị đoan lan truyền ra khắp mọi người, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng kéo dài cho mãi đến ngày nay. Sự thật chỉ là mánh khóe gian lận của con buôn, lợi dụng sự cả tin của đại chúng mà mưu cầu lợi ích riêng tư.
Như đã nói, dân tộc ta đã từng trải qua hằng ngàn năm bị Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng rất nhiều về những phong tục tập quán của người Trung Hoa. Tục đốt vàng mã cũng từ đó mà có, đã ăn sâu trong tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân từ đời này sang đời khác chỉ bằng với mục đích mơ hồ không thực tế.
Ngôi nhà số 40, ngõ 82, đường Kim Mã (Ba Đình - Hà Nội) bị cháy vì bất cẩn khi đốt vàng mã trong tháng "cô hồn" (ngày 27/7/2014)
Vậy cúng rằm tháng 7 như thế nào cho đúng?
Theo giáo lý nhà Phật, cúng rằm tháng bảy hay còn gọi cúng Tết Trung Nguyên, cúng vu lan báo hiếu. Việc cúng rằm tháng 7, có thể đến chùa, có thể cúng tại nhà gồm các lễ như: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh.
Vào ngày rằm tháng Bảy, sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà. Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh - Kinh Vu Lan - để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Kinh Vu Lan khá dài, nhưng không đến mức quá dài, lại thuộc thể thơ song thất lục bát nên đọc cũng nhanh thôi.
Theo tục lệ của người Việt, lễ cúng thần linh thường cúng gà trống để nguyên con và xôi (hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng. Lễ đầy đủ phải có thêm rượu, trái cây và bình hoa.
Lễ cúng gia tiên nên có một mâm cơm, có thể là món mặn, có thể là món chay tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống.
Bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có ba bát hương. Bát hương ở giữa là thờ Phật, bát hương bên phải là thờ thần linh thổ công, bát hương bên trái thờ gia tiên.
Lễ cúng Phật được đặt ở nơi cao nhất, sau đó là lễ thần linh và cuối cùng là mâm lễ gia tiên.
Sau khi cúi đầu lạy Phật, dâng lễ, tạ ơn, cầu xin và hứa nguyện, bạn có thể tụng kinh niệm Phật. Nếu chưa biết tụng kinh niệm Phật thì đọc bài kinh Vu lan được bán rất nhiều hiện nay tại các chùa.
Tiếp đến là lễ cúng tạ ơn các thần linh và dâng mâm cơm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát, cầu bình an cho gia đình.
Cuối cùng là lễ cúng chúng sinh hay còn gọi là cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội...Những vong hồn này rất đáng thương vì không được ai thờ cúng, hoặc chết đường chết chợ lang thang vạ vật không tìm được đường về với tổ tiên. Do vậy, nếu có điều kiện, có thể làm một mâm cơm đầy đủ để cúng chúng sinh. Ngoài ra có gạo, muối và cháo loãng cùng những thức ăn vặt mà trẻ con thường ưa thích.
Lễ cúng chúng sinh nên cúng ngoài trời, hoặc trước cửa chính ngôi nhà của bạn. Bạn có thể khấn nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong họ giải thoát khỏi những bám víu trần thế đau khổ, chỉ đường cho họ đến các chùa to miếu lớn để được nương tựa ánh sáng từ bi vô lượng nơi cửa chùa.