Làng quê khiếp đảm vì mãnh thú

Ngày 18/09/2013 09:42 AM (GMT+7)

Người dân thôn Nghĩa Hiệp đang sống trong sự sợ hãi vì hàng loạt gia cầm bị tàn sát. Dấu chân thú lớn, nhỏ dày đặc trên những vườn rau, sân nhà.

Ngày 17/9, chúng tôi tìm về khu B, thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Trước mỗi nhà dân, thi thoảng thấy tụm năm tụm ba, già trẻ đều chỉ một chủ đề: có 2 con báo xuất hiện.

Tàn sát gia cầm trong chớp nhoáng

Biết chúng tôi vào thăm, ông Lý Cỏng Gìn (Hoa kiều), từ vườn cà phê chạy về, nói một cách thận trọng: “Các anh vào trong nhà cài cửa lại rồi nói chuyện”.

Gương mặt vẫn còn vẻ hốt hoảng, người đàn ông gần 50 tuổi này cho biết, rạng sáng 11/9, khi ông cùng vợ là bà Lầu Pắc Cứu đang yên giấc thì nghe tiếng gia cầm kêu loạn xạ. “Tôi mở cửa rọi đèn thì thấy một con vật lớn bằng con bê 1 năm tuổi lao đến đớp gọn con ngan nặng hơn 3,5 kg”, ông Gìn kể.

Theo ông Gìn, trong lúc ngan, vịt kêu loạn xạ thì con chó đen gần 10 kg của gia đình ông chui xuống gầm giường nằm run và im thin thít. Sáng ra, vợ chồng ông Gìn phát hiện trên mặt sân đất dày đặc vết chân thú có 5 móng vuốt và một dấu tròn ở giữa. Chiều rộng của dấu chân nhỏ là 5 cm, còn dấu chân lớn từ 9-10 cm. Điều đáng sợ là 5 con ngan nhà ông Gìn nuôi có tổng trọng lượng khoảng 18 kg đã không còn một cái lông nào vương lại, chỉ thấy vết máu nhỏ lẫn vào bùn nước.

Làng quê khiếp đảm vì mãnh thú - 1

Những vết chân thú rộng từ 9-10 cm xuất hiện tại thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Cách nhà ông Gìn khoảng 200 m, ông Nguyễn Văn Bé còn kể câu chuyện tàn sát chớp nhoáng hơn. Ông Bé cùng vợ vẫn chưa hết sợ hãi khi nói với chúng tôi: “Trong tối 11/9, 2 con ngan nhà tôi ngủ trên giá bên cạnh vách bếp. Khi nghe một tiếng động lớn va vào vách ván, vợ chồng tôi cầm đèn chạy ra thì chỉ còn thấy vài vết máu nhỏ, 2 con ngan biến mất”.

Chó cũng phải khiếp sợ

Cùng trên trục đường đất chạy qua trung tâm khu B, anh Lương Xuân Phóng và nhiều người hàng xóm dẫn chúng tôi đi theo vết chân thú tương tự như ở nhà ông Gìn in chi chít trên vườn rau mới gieo.

Theo anh Phóng, những vết chân này mới xuất hiện tối 16 rạng 17/9, rải rác xung quanh là phần cánh và bao tử của một con ngỗng cách ngôi nhà dân gần nhất chỉ khoảng 30 m. Tại vị trí này, khoảng 21h ngày 15/9, anh Lê Xuân Tình đã phát hiện một con vật có trọng lượng khoảng 1,2 tạ, lông màu xám, ngồi chồm hổm, đầu vươn cao hơn 1 m.

Làng quê khiếp đảm vì mãnh thú - 2

Vết chân thú rộng từ 9-10 cm xuất hiện tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng được cho là của loài báo.

Trên vườn rau mới gieo của nhà anh Phóng, chúng tôi lấy thước đo khoảng 20 dấu chân thú lạ thì đều có kích cỡ rộng từ 5-10 cm. Điều lạ là các vết chân nhỏ và lớn đi song song và rất thẳng hàng. Hầu hết người dân ở thôn Liên Hiệp đều khẳng định đó là 2 mẹ con báo hoa mai. “Rất nhiều con chó trong vùng khi ngửi thấy mùi con thú này là cúp đuôi bỏ chạy và run bần bật nên có thể đây là báo hoa mai”, một người dân dẫn chứng.

Ông Lê Xuân Minh (cha của anh Lê Xuân Tình) cho biết, trong thôn có rất nhiều trẻ em và người già, vì vậy người dân đi làm khoảng 16h là lũ lượt kéo nhau về rồi đóng kín cửa, không dám ra ngoài. Nhiều hộ dân có con nhỏ phải đưa đi gửi ở thị trấn Liên Nghĩa, cách nhà gần 5 km để đề phòng bất trắc. “Chính quyền mà không sớm vào cuộc thì chúng tôi làm sao yên tâm sinh sống”, ông Minh nói.

Tin mãnh thú xuất hiện ngày càng lan rộng trong thôn Nghĩa Hiệp. Người thì cho biết đã nhìn thấy thú đang ngồi, người lại chỉ thấy 2 ánh mắt sáng to như bóng đèn... Có người còn cho biết vì trước đó, ông Lý Cỏng Gìn thách mãnh thú đến nhà mình nên mới xảy ra vụ tàn sát hàng loạt con ngan.

Những thông tin trên kết hợp với việc có ít nhất 6 gia đình bị thú lạ ăn thịt gia cầm đã gây nên nỗi hoang mang, sợ hãi trong người dân thôn Nghĩa Hiệp.

Báo lửa hoặc báo hoa mai

Theo ông Nguyễn Danh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, cơ quan này đã cử cán bộ bảo tồn của chi cục và yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng tiếp cận hiện trường, lấy mẫu dấu chân mãnh thú để nghiên cứu, điều tra.

Ông Tuyên cho rằng với kích cỡ, hình dáng dấu chân thú được miêu tả và cán bộ Phòng Bảo tồn thuộc chi cục báo cáo, có thể khẳng định 2 con thú này hoặc thuộc nhóm báo lửa hoặc thuộc nhóm báo hoa mai. Tuy nhiên, để có kết quả chắc chắn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải gửi mẫu dấu chân về Vườn Quốc gia Cúc Phương nhờ các chuyên gia ở đây giám định.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan