Để bảo đảm sức khỏe người mẹ và thai nhi, đại biểu Quốc hội đã có nhiều đề nghị liên quan đến số lần, số thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai, điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ.
Ngày 27-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Điều 53 dự thảo quy định trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn tỉnh Bến Tre) phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn tỉnh Bến Tre) cho biết qua tiếp xúc cử tri với công nhân, người lao động trong thời gian vừa qua, có rất nhiều ý kiến góp ý đối với nội dung này. Trên thực tế lao động nữ mang thai được chỉ định khám thai định kỳ để theo dõi, bảo đảm sức khỏe trong suốt quá trình mang thai, tùy theo sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi thì bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định trong việc khám thai, có khi là 30 ngày khám 1 lần hoặc ngắn hơn.
Theo nữ đại biểu, để có sự linh hoạt và bảo đảm hơn cho phụ nữ mang thai có điều kiện để đi khám thai trong thai kỳ của mình, đề nghị quy định có thêm sự lựa chọn, 1 là có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc quy định tối đa 10 ngày trong suốt thai kỳ để có thể đi khám thai định kỳ.
"Vừa rồi cũng có đại biểu phát biểu tăng số lần được đi khám thai từ 5 lần lên 9-10 lần, tôi đề nghị để bảo đảm sự linh hoạt hơn chúng ta có thể quy định 2 sự lực chọn như trên" - đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề xuất.
Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho rằng khi khám thai định kỳ, bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày với trường hợp có bệnh lý thai kỳ. Để bảo đảm sức khỏe người mẹ và thai nhi, đề nghị sửa đổi mức nghỉ lên tối đa 9 đến 10 ngày.
Dẫn quy định Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại biểu Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn TP HCM) cho biết 1 chu kỳ khám thai gồm 5 lần. Tuy nhiên, dự luật nên chia ra 2 trường hợp là thai bình thường và thai bệnh lý.
Với thai bình thường, đề xuất số lần nghỉ là 5, nhưng có thể cho người lao động lựa chọn nghỉ liên tiếp hoặc cách ngày, do họ thường phải chờ kết quả xét nghiệm để khám tiếp; với trường hợp bệnh lý, đề nghị dự luật cho phép bác sĩ quyết định để thai phụ được nghỉ bao nhiêu lần, ngày để phù hợp với tình trạng bệnh.
Còn đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP HCM) quan tâm đến nội dung về điều kiện hưởng chế độ thai sản. Đại biểu cho biết điều 52 của dự thảo luật đang quy định lao động nữ khi sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con mới đủ điều kiện về chế độ thai sản.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP HCM). Ảnh: Phám Thắng
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có tình trạng người lao động bị hiếm muộn. Nhiều trường hợp phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả hai vợ chồng. Việc điều trị hiếm muộn thường tốn kém về chi phí và thời gian. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội, và thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Quy định nêu trên của luật dẫn đến thực trạng để đáp ứng yêu cầu điều trị hiếm muộn, lao động nữ sẽ bị gián đoạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày…
Đại biểu cho rằng hệ quả là họ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con, mặc dù trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhiều năm liên tục. Mặt khác, do sức ép về kinh tế, có nhiều trường hợp lao động nữ muốn đi làm sớm để có thu nhập nhưng không được giải quyết do chưa đủ thời gian nghỉ sau sinh tối thiểu theo quy định, trong khi họ không được hưởng chế độ thai sản. Như vậy là rất thiệt thòi. Đó là chưa kể đến thời gian nghỉ sinh con trong trường hợp này cũng không được tính vào thời gian công tác.
"Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ khi sinh con, dự thảo luật cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong 12 tháng trước khi sinh con đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn vì sinh con. Thay vào đó, trường hợp này chỉ cần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 5 năm liên tục trở lên và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc điều trị hiếm muộn" - đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất.