4 khoản trợ cấp thai sản quan trọng, lao động nữ cần phải biết kẻo mất quyền lợi

Ngày 08/11/2023 15:20 PM (GMT+7)

Lao động nữ sinh con sẽ được hưởng những trợ cấp thai sản khi tham gia đóng Bảo hiểm bắt buộc. Dưới đây là 4 loại trợ cấp thai sản mà lao động nữ bắt buộc phải biết kẻo mất quyền lợi.

4 khoản tiền trợ cấp thai sản với lao động nữ

Theo đó, trợ cấp thai sản đối với lao động nữ khi sinh con bao gồm 4 khoản tiền sau:

Tiền trợ cấp thai sản khi đi khám thai

Theo đó, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày.

Có 3 trường hợp mà người mang thai được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai là: lao động nữ ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người mang thai có bệnh lý; thai không bình thường.

Như vậy, trong suốt thai kỳ, lao động nữ có thể được hưởng tiền trợ cấp thai sản những ngày đi khám thai ít nhất là 5 ngày lương, nhiều nhất là 10 ngày lương. Mức hưởng 1 ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Tiền trợ cấp thai sản một lần khi sinh con

Lao động nữ sẽ được hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

Lao động nữ sẽ được hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

Theo điều 38 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sẽ được hưởng trợ cấp thai sản một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Như vậy, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần là 3,6 triệu đồng cho mỗi đứa con được sinh ra.

Tiền trợ cấp thai sản trong thời gian sinh

Theo quy định tại Điều 34 Luật BHXH năm 2014, khi sinh con, lao động nữ được chọn nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 6 tháng (tính cả khoảng thời gian nghỉ trước và sau khi sinh con).

Trường hợp lao động nữ sinh nhiều con cùng một thai kỳ thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Như vậy, tiền trợ cấp thai sản trong thời gian sinh con của lao động nữ là 6 tháng tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc. Riêng trường hợp sinh nhiều con thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được hưởng thêm 1 tháng.

Riêng đối với lao động nữ sau khi sinh con mà con chết, thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà con chết theo khoản 3 Điều 34 Luật BHXH 2014 như sau:

Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;

Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Tiền trợ cấp thai sản dưỡng sức sau sinh

Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày.

Theo Khoản 2 Điều 41, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau: - Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên.

- Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.

- Tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Khoản 3 Điều 41 quy định, mức hưởng tiền trợ cấp thai sản dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh một ngày được tính bằng 30% mức lương cơ sở, tức là 540.000 đồng.

Với các khoản tiền trên, tùy vào tiền lương của lao động nữ tham gia đóng BHXH sẽ được hưởng trợ cấp thai sản cao hay thấp. Mức hưởng một tháng được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trong trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

Căn cứ vào mức hưởng chế độ thai sản theo tháng của người lao động, cơ quan BHXH sẽ tính mức hưởng theo ngày. Chế độ thai sản kéo dài bao nhiêu ngày thì tiền hưởng chế độ sẽ nhân theo số ngày được hưởng.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản năm 2023

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 101, Luật BHXH mới nhất hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm 5 loại giấy tờ gồm:

- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con

- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết.

- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.

- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội.

Thủ tục hưởng chế độ thai sản

Quy trình và thủ tục hưởng chế độ thai sản gồm 3 bước. Lưu ý người lao động xin hưởng chế độ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu trên và thực hiện theo quy trình sau đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản đúng với trường hợp của mình cho người sử dụng lao động.

Trường hợp thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi thì người lao động sẽ nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH.

Bước 2: Người lao động chờ xét duyệt

Căn cứ theo Điều 102, Luật BHXH 2014, sau khi nộp đủ hồ sơ theo quy định người lao động sẽ phải chờ để được xử lý hồ sơ.

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ tổng hợp theo quy định nộp lên cơ quan BHXH.

Thời gian chờ xét duyệt giải quyết và chi trả cho người lao động từ cơ quan BHXH như sau:

10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động.

05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh, nhận con nuôi.

Bước 3. Nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội

Trong thời gian chờ giải quyết (tối đa trong vòng 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ) người lao động sẽ nhận được thông báo chi trả của cơ quan BHXH. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Sau khi nhận được thông báo chi trả, người lao động sẽ nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian nhận tối đa không quá 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử đã gửi đến bạn đọc những thông tin cần thiết nhất về chế độ thai sản cập nhật năm 2023. Hưởng bảo hiểm thai sản là quyền lợi mà người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng giúp người lao động trong giai đoạn khó khăn, được hỗ trợ về tài chính và số ngày nghỉ đảm bảo sức khỏe cả về thể chất và tinh thần cho người lao động.

Đề xuất nam giới nghỉ thai sản 1 tháng
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh đề xuất Bộ LĐ-TB&XH sửa quy định nghỉ thai sản của nam giới từ 5-14 ngày lên tối thiểu 30 ngày.

Chế độ thai sản 2023

Theo Bùi Hân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bé Rồng tới đây