Có nên kéo dài, linh hoạt số ngày nghỉ thai sản cho lao động nam?

Ngày 30/05/2024 09:30 AM (GMT+7)

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây, quy định về số ngày nghỉ thai sản của lao động nam vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó hiện nay, nhiều gia đình lập nghiệp xa quê đang gặp khó khăn khi không có người hỗ trợ chăm sóc lúc sinh con.

Sẵn sàng nghỉ thêm ngày để chăm sóc vợ con sau sinh

Vợ chồng anh Nguyễn Hoài Nam đã sinh sống và làm việc nhiều năm ở Thủ đô. Từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, xa bố mẹ, người thân, hai vợ chồng anh chị chủ yếu trông cậy vào nhau. Thời điểm vợ sinh con thứ 2, anh Nam đã phải xin nghỉ không lương nhiều ngày sau khi đã hết 5 ngày nghỉ phép theo quy định.

Anh Nam kể lại: "Vợ chồng tôi đã quyết định thuê người hỗ trợ chăm sóc cháu khi sinh cháu thứ 2, vì ông bà ở quê vẫn phải đi làm và không lên Hà Nội được. Sau 5 ngày nghỉ phép theo quy định, tôi bắt đầu đi làm thì cháu xuất hiện những triệu chứng bất thường. Vợ chồng tôi cho cháu đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản. Vì hết ngày nghỉ phép nên tôi đã xin nghỉ không lương thêm nhiều ngày, để vừa có thể chăm sóc vừa là chỗ dựa tinh thần cho vợ con".

Anh Nguyễn Hoài Nam chia sẻ với phóng viên.

Anh Nguyễn Hoài Nam chia sẻ với phóng viên.

Khi sinh con đầu lòng, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Việt may mắn có người hỗ trợ chăm sóc cho con vì sống cùng bố mẹ ở Hà Nội. Vợ anh được các bác sĩ chỉ định sinh mổ, nên anh Việt được nghỉ phép 7 ngày theo quy định. Sau 7 ngày nghỉ, anh Việt đã quyết định xin nghỉ phép thêm 3 ngày để có thời gian bên cạnh chăm sóc vợ con nhiều hơn.

Anh Việt chia sẻ: "Chứng kiến những vất vả khi vợ mang bầu trong thời gian dài và đối diện với nhiều rủi ro nguy hiểm khi sinh mổ, tôi thấy thương vợ con nhiều hơn. Lúc đó, tôi chỉ muốn có nhiều thời gian để bên cạnh chăm sóc và bù đắp tình cảm cho vợ con".

Cần kéo dài, linh hoạt số ngày nghỉ cho lao động nam khi vợ sinh con

Theo quy định hiện hành, người lao động là nam được nghỉ 5 ngày trong trường hợp vợ sinh thường 1 con; 7 ngày trong trường hợp vợ sinh mổ 1 con. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây, quy định về số ngày nghỉ phép của nhóm đối tượng này không thay đổi.

Theo PGS. TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện TNMT và phát triển cộng đồng nhận định, chúng ta nên nghiên cứu gia tăng ngày nghỉ cho các lao động là nam để họ có thêm thời gian chăm sóc vợ con.

PGS. TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII.

PGS. TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII.

"Bởi lẽ, xuất phát từ những cơ sở, thứ nhất là người lao động xa quê hương lập nghiệp sẽ giảm bớt khó khăn khi không có người hỗ trợ chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều bạn trẻ có tâm lý chưa hoặc không muốn sinh con, điều này là báo động đỏ cho tình trạng dân số sẽ già đi trong tương lai gần.

Việt Nam nên đi trước một bước để tạo điều kiện cho các gia đình trẻ hiện nay không có tâm lý ngại sinh con. Hơn thế nữa, việc tạo điều kiện cho người chồng có thêm thời gian chăm sóc vợ con còn mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần bình đẳng nam nữ trong gia đình", bà An lý giải.

Về vấn đề số ngày nghỉ với người lao động nam tăng lên bao nhiêu là phù hợp, theo bà An, có thể từ 8 ngày trở lên và dưới 10 ngày. Bên cạnh đó, luật cũng nên quy định thêm, trong trường hợp con hoặc mẹ sau sinh có tình trạng sức khỏe yếu cần chăm sóc thêm, thì người chồng sẽ được xem xét thêm số ngày nghỉ nhất định.

Đồng quan điểm, GS.TS Giang Thanh Long, chuyên gia trong lĩnh vực dân số - phát triển và an sinh xã hội, Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc quy định số ngày nghỉ của người lao động nam khi vợ sinh con cần được linh hoạt hơn. Thay vì cố định 5 hay 7 ngày tùy từng trường hợp như hiện nay, chúng ta có thể quy định thời gian tối thiểu và thời gian tối đa. Hai điểm thời gian này không nên cách nhau quá xa, có thể từ 5 đến 10 ngày. Về việc xác định số ngày tối thiểu, hay tối đa cũng nên tham khảo thêm những người có chuyên môn y khoa về vấn đề thai sản.

GS.TS Giang Thanh Long.

GS.TS Giang Thanh Long.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc xác định số ngày nghỉ gia tăng cho người lao động là nam sao cho phù hợp, cũng cần phải nghiên cứu, xem xét tới quyền lợi của cả doanh nghiệp và nhà nước.

Sinh con sau 1/7/2023, mẹ nhận mức tiền hưởng chế độ thai sản cao hơn, đọc ngay để biết cách tính
Từ 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng nên mức tiền hưởng chế độ thai sản của những sản phụ sinh con từ ngày ngày cũng tăng theo.

Chế độ thai sản 2023

Theo Dương Thành - Đức Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu