Khai giảng không quá 30 phút, không phát biểu dài dòng, thậm chí chỉ tổ chức cho học sinh những lớp đầu cấp… đó là những gì diễn ra tại lễ khai giảng ở Nhật Bản, Ba Lan và Úc.
Nhật Bản: Lễ khai giảng chỉ giành cho học sinh đầu cấp
Chị Phạm Lan Anh, một phụ huynh từng có 2 con gái học ở Nhật Bản cho biết, lễ khai giảng (lễ nhập học) ở trường tiểu học nơi con chị theo học là một trường công. Tại đây họ chỉ tổ chức lễ khai giảng giành cho học sinh đầu cấp và thường được tổ chức vào đầu tháng tư hàng năm.
“Một buổi lễ đơn giản nhưng trang trọng. Mất nhiều công sức chuẩn bị của cả nhà trường và phụ huynh, nhưng là một trong những hoạt động theo truyền thống của trường học ở Nhật Bản, dù tùy từng nơi sẽ có sự khác nhau đôi chút” – chị Lan Anh nói.
Theo đó, buổi lễ khai giảng chỉ diễn ra trên 30 phút nhưng sự chuẩn bị từ phía nhà trường đã bắt đầu từ nhiều ngày trước đó. Các em lớp lớn được giao nhiệm vụ chuẩn bị một màn biểu diễn, hoặc là hát đồng ca hoặc đội kèn đồng của trường sẽ thổi một một vài bản nhạc hấp dẫn. Một số em được nhà trường nhờ phụ giúp việc trang trí phòng tập thể dục thể thao (là nơi tập thể dục kiêm hội trường, kiêm nơi sơ tán trong trường hợp xảy ra thảm họa ở địa phương) để tổ chức cho lễ khai giảng.
Một buổi lễ khai giảng ở Nhật Bản
Trong khi nhà trường tất bật chuẩn bị cho lễ khai giảng thì chị Lan Anh cho biết, các bậc phụ huynh cũng tất bật không kém. Ngay từ đầu mùa Xuân đã bắt đầu phải lo chuẩn bị những bộ quần áo đồng phục cho ngày này (nam giới thì comple đen, phụ nữ thường là one piece (váy liền áo) hoặc một bộ váy kiểu đồng phục có tua rua các kiểu) với tông màu đen, hoặc ghi hoặc xanh nhạt, vàng nhạt và có bông hoa gài trên ve áo. Còn với học sinh, con trai thường là comple (quần đùi chứ không phải quần dài) con gái thì váy one piece hoặc váy hai mảnh nhưng cũng phải có tua rua và hoa như mẹ!
Chị Lan Anh cho biết thêm, trước giờ bắt đầu buổi lễ ít nhất là 1 tiếng, các bậc cha mẹ và con cái đã tề tựu đông đủ. Cha mẹ lo đăng ký tên, nộp các giấy tờ cần thiết, con cái chia tay cha mẹ ai vào lớp đó để biết qua lớp và để cặp sách vào chỗ của mình, sau đó cô và các bạn lớp lớn đã được phân công, sẽ dẫn các bạn trẻ "rồng rắn lên mây" vào hội trường.
Khách mời của buổi lễ cũng rất đông đủ: Ngoài tất cả các thầy cô giáo trong trường, còn có đại diện của hội phụ huynh học sinh, đại diện của trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ, nơi các em năm lớp 1 này đã từng học, đại diện của tổ dân phố, của sở giáo dục địa phương (trường hợp không đến được họ sẽ gửi điện chúc mừng và sẽ được đọc trong buổi lễ).
Buổi lễ bắt đầu bằng tuyên bố khai giảng, rồi hát quốc ca. Sau đó thầy hiệu trưởng sẽ lên nói chuyện, ngắn gọn thôi. Sau đó thầy sẽ giới thiệu thầy cô giáo, nhân viên trong trường (kể cả bác lao công). Tiếp đến là tiết mục biểu diễn của anh chị lớp trên chào mừng các em lớp một; trưởng ban phụ huynh đọc lời chúc mừng; nhà trường đọc điện chúc mừng của các nơi (thị trưởng, trưởng ban giáo dục...); đại diện phụ huynh học sinh lớp một đọc đáp từ.
Sau đó, sẽ là lời bế mạc lễ và tiếp theo là việc chụp ảnh lưu niệm toàn bộ phụ huynh với các con và thầy cô chủ nhiệm. Sau lễ khai giảng, học sinh ai về lớp đó, cha mẹ cũng vào lớp con mình để cô nhận lớp, trò vào chỗ ngồi và nghe cô dặn những điểm cần thiết cho ngày học hôm sau, rồi ra về.
Ba Lan, Úc: Lễ khai giảng chỉ gói gọn chưa quá 30 phút
Chị Phan Thu Hằng có cậu con trai năm nay lên lớp 6 trường số 264, phố ul. Majewskiego, thành phố Warszawa (Ba Lan) cho biết: Con chị đã từng chuyển 2 trường từ hồi cháu còn học mẫu giáo và lên tiểu học, tuy nhiên chị nhận thấy ở Ba Lan các trường tổ chức lễ khai giảng khá đơn giản, lễ bế giảng quy mô hơn (tổ chức theo khối với từng khung giờ khác nhau).
Theo đó, con chị Hằng cũng chính thức khai giảng năm học mới vào ngày 1/9. Trước đó các con được nghỉ hè từ cuối tháng 6 đến đúng ngày 1/9 thì đến khai giảng. Trong suốt thời gian nghỉ hè, cả học sinh và giáo viên được nghỉ mà tuyệt nhiên không có chuyện dạy thêm và học thêm như ở Việt Nam.
Khai giảng tại lớp học ở Ba Lan, phụ huynh được tham dự cùng các con
“Sau 2 tháng hè trẻ được nghỉ ngơi thỏa thích, trẻ quay lại trường học. Lễ khai giảng được diễn ra tại lớp học, giáo viên thăm hỏi 1 lượt rồi phổ biến một số việc cần thiết như lịch học của tuần đầu, buổi họp phụ huynh đầu tiên, bữa trưa sẽ bắt đầu từ khi nào... cần những thông tin của học sinh tên tuổi con, bố mẹ, số điện thoại, địa chỉ liên hệ... Gia đình chuẩn bị sổ liên lạc cho con.
Chính trong lớp học ấy, phụ huynh được gặp gỡ với giáo viên chủ nhiệm. Các bậc phụ huynh được thoải mái trao đổi với thầy cô giáo. Tất cả đều tay bắt mặt mừng, ôm hôn tình cảm… thăm hỏi nhau như người thân đi xa mới trở về.
“Cô xem rất kỹ hồ sơ của từng học trò nên gặp tôi cô liền hỏi ngay về việc mới sinh thêm em bé của tôi và còn đòi xem ảnh của bé. Tôi khá bất ngờ và yên tâm khi cô quan tâm đến từng trẻ một mà không hề phân biệt xuất xứ của các con” – chị Hằng nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Vân Anh có con học lớp 6, trường Cabramatta Public school, bang New South Wales, TP Sydney (Úc) cho biết, ngày đầu tiên của năm học mới là 27/1 tuy nhiên bắt đầu từ tháng 9 năm trước, những gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1 đã phải điền vào đơn xin đăng ký học cho con.
Lễ khai giảng ở Úc không quá 10 phút, chương trình học tập trung vào các hoạt động ngoại khóa
Dựa trên đơn đó, nhà trường sẽ sắp xếp lớp học. Đến ngày khai giảng (27/1), nếu con ở bậc tiểu học thì thường bố mẹ sẽ phải đưa con đến trường trao tận tay cô giáo chủ nhiệm tại lớp mà con sẽ học. Đến giờ, các con được cô giáo chủ nhiệm dẫn xuống tập trung dưới sân trường, Ban giám hiệu nhà trường sẽ nói chuyện, chúc mừng và chào đón những học sinh mới. Nhà trường luôn giành những dãy ghế ngồi cho phụ huynh nào muốn tham dự cùng các con. Sau đó cả trường cùng đồng thanh hát quốc ca rồi lớp nào trở về lớp ấy bắt đầu cho năm học mới.
“Không có văn nghệ, cũng không có những lời phát biểu rườm rà, cũng không có đánh trống khai giảng năm học mới như ở Việt Nam, buổi lễ diễn ra vẻn vẹn chưa đầy 10 phút nhưng con bé nhà mình lại rất thích thú. Vì tối về con kể, sau khi vào lớp, các con sẽ được cô giáo cho các con tự giới thiệu về mình và hướng dẫn làm quen với các bạn khác trong lớp”- chị Vân Anh cho biết thêm.