Lì xì là một tục lệ lâu đời của người Việt, mang đến hương vị ngày Tết nhưng đang dần biến tướng.
Tục lì xì ngày Tết đang dần biến tướng, mất đi ý nghĩa ban đầu. Ảnh minh họa
Lì xì dịp đầu năm mới là một tục lệ đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Người ta thường lì xì cho nhau những đồng tiền mới, bỏ trong phong bao lì xì màu đỏ với mong muốn mang đến may mắn, bình an.
Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh việc lì xì đầu năm. Nhiều người cho rằng, tục lì xì thời buổi kinh tế thị trường đã biến tướng, mất đi vốn ý nghĩa ban đầu.
Lì xì không còn là lấy may nữa mà là lấy số lượng, lấy lòng nhau qua con số trong phong bao lì xì. Trẻ nhỏ không biết trân trọng những đồng tiền mừng tuổi, người lớn “hối lộ” nhau qua số tiền mừng tuổi của con, hay chuyện mừng bao nhiêu là đủ?
Nhìn chung, đã có rất nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” xảy ra xung quanh việc tục lì xì. Thậm chí, có một bộ phận người cảm giác “sợ” phải lì xì mỗi dịp Tết. Vậy có nên bỏ tục lệ lì xì đầu năm mới?
Về vấn đề này, nhà tâm lý học, xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định, quả thực, lì xì lâu nay đã biến tướng, không còn mang ý nghĩa tượng trưng như vốn ban đầu.
Trong xã hội hiện đại, tục lì xì được một bộ phận người đẩy lên quá mức. Họ coi đây như một dịp để tri ân, diễu võ dương oai… thậm chí, có người còn coi đây là dịp để “hối lộ”.
Tuy đã ít nhiều biến tướng nhưng ông Bình cho hay, bản chất của lì xì vẫn là một nét đẹp trong văn hóa lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về, do đó, không bỏ được, thay vào đó, hãy để nó về đúng với ý nghĩa ban đầu.
Để làm được điều đó, ông Bình cho rằng: “Người ta hay nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Giàu có hơn, người ta dễ tặng nhau những món quà đắt tiền hơn. Nghĩa khác, giàu có hơn thì người ta sẽ không cần đến, không quan tâm đến tiền lì xì.
Do đó, tôi chờ đợi vào sự phát triển hơn, trình độ văn minh hơn, vượt thoát khỏi vấn đề kinh tế thì giá trị thực của đời sống nó được lấy lại. Đại ý là khi kinh tế mạnh hơn, mạnh hơn nữa thì phần tiền bạc, vật chất nó không giữ vai trò trong mọi lĩnh vực đời sống, kể cả trong vấn đề mừng tuổi”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho rằng, tục lì xì ngày nay đã có biến tướng so với ý nghĩa ban đầu.
Ngày nay, lì xì trở thành hình thức để đưa hối lộ và nhận hối lộ. Nhân viên, cấp dưới hối lộ sếp qua việc lì xì con sếp; người này muốn lấy lòng người kia thông qua con trẻ... Tục lì xì bỗng biến biến thành tệ đút lót, cầu lợi.
Ông Vĩ đặc biệt lên án việc người lớn hối lộ, đút lót thông qua trẻ con.
Và cũng như chuyên gia Nguyễn Hòa Bình, ông Vĩ cho rằng, dù đã biến tướng nhưng lì xì là nét văn hóa của người Việt, không phải bảo bỏ là bỏ. Nó bị biến tướng là do tự người lớn làm biến tướng chứ trẻ nhỏ không suy nghĩ như thế.
“Người lớn đừng để tâm đến việc nhiều ít. Trẻ em khi được lì xì cùng một mệnh giá sẽ có đứa thích, đứa không thích, người lớn đừng chấp đứa trẻ. Đứa trẻ nó không bằng lòng kệ nó.
Mình hướng đến cái tốt đẹp, đưa 100 ngàn, 50 ngàn, 20 ngàn hay 10 ngàn không sao hết, rồi những đứa trẻ lớn lên nó sẽ hiểu. Còn người lớn băn khoăn về mệnh giá thì chính người lớn tự làm khổ thân mình.
Đừng vì người này đưa 100 ngàn hay 200 ngàn mà mình đưa 20 ngàn lại suy nghĩ. Người không có thì tự ứng xử theo cách của mình, không bị a dua, lôi kéo thì người đó là người tự do, tự do trong hành động, mà tự do là hạnh phúc cao nhất”, ông Vĩ chia sẻ.