Từ ngày 20/3 đến nay (28/3), có tất cả 9 ca nhiễm có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, để phòng chống dịch bệnh viện này đã ra thông báo khẩn để phòng chống dịch.
9 ca dương tính liên quan đến BV Bạch Mai, nguồn lây từ ngoài vào
Sáng ngày 28/3, Bộ Y tế công bố thêm 6 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 169 người. Điều dư luận quan tâm trong những ngày qua là xuất hiện “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo đó, đã có 9 ca mắc COVID-19 liên quan đến bệnh viện này. Đầu tiên là bệnh nhân thứ 86 và 87, cả hai đều là điều dưỡng thuộc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, bệnh nhân 86 còn lây sang cho con gái là bệnh nhân 107, được biết trước khi mắc bệnh bệnh nhân 86 có đi du lịch với gia đình.
Nhóm người nhiễm COVID-19 thứ 2 là ở khoa Thần Kinh - Bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, ngày 24/3, qua xét nghiệm phát hiện 1 bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại khoa này, đó là bệnh nhân 133. Đến ngày 27/3, Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm 3 người trong 1 gia đình nhiễm COVID-19 có liên quan đến bệnh nhân 133, đó là các bệnh nhân thứ 161, 162 và 163.
Nhiều khu vực, khoa phòng trong Bệnh viện Bạch Mai đã bị phong tỏa để phòng bệnh.
Nhóm người nhiễm COVID-19 thứ 3 là 2 ca bệnh thứ 168 và 169 vừa được Bộ Y tế công bố sáng ngày 28/3. Đây là 2 nhân viên cung cấp nước sôi của Bệnh viện Bạch Mai.
Liên quan đến 2 ca bệnh 168 và 169, Bệnh viện Bạch Mai vừa có thông báo cho biết đây là 2 nhân viên đưa nước sôi của công ty TNHH Trường Sinh. Đây là Công ty chịu trách nhiệm cung cấp suất ăn và nước sôi cho bệnh viện. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành phong tỏa khu vực Nhà ăn. Hai nhân viên của Công ty Trường Sinh có kết quả dương tính với COVID-19 đã được đưa đi cách ly theo quy định. “Nội bất xuất, ngại bất nhập" Bệnh viện Bạch Mai tại thời điểm này cho đến khi có các thông báo tiếp”, thông báo khẩn của Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ
Về nguồn lây của các ca mắc COVID-19 của các ca bệnh, TS Dương Đức Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết nhóm các bệnh nhân tại khoa Thần kinh không liên quan gì đến 2 điều dưỡng dương tính với COVID-19 trước đó.
Theo nhận định của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, về dịch tễ, khi có thông tin bệnh nhân số 133 ở Lai Châu dương tính với COVID-19 sau khi điều trị từ bệnh viện này về, bệnh viện đã cho xét nghiệm ngay lập tức với hai ca 161 và 162 (Bệnh nhân 162 là con dâu của bệnh nhân 161, ở cùng phòng điều trị với bệnh nhân 133).
Trong khi người mẹ 88 tuổi có kết quả dương tính ngay, rất rõ ràng thì người con dâu phải làm đi làm lại mới thấy dương tính, và dương tính rất yếu ớt.
Ông Hùng nhận định, nhiều khả năng nguồn lây các ca bệnh ở khoa Thần Kinh là từ ngoài xâm nhập vào.
Ông Hùng đưa ra giả thiết: “Có thể do lượng virus thấp nên chưa đủ để cho kết quả dương tính nhanh. Việc này có 2 nguyên nhân, một là do mới nhiễm, hai là đã nhiễm trong giai đoạn thoái triều.
Chúng tôi cho làm định lượng về kháng thể thì dương tính với kháng thể rất rõ rệt, tức là người này nhiễm đã lâu. Theo ông, ca bệnh này nhiễm ngoài cộng đồng chứ không phải nhiễm trong Bệnh viện Bạch Mai.
Từ những phân tích trên, TS Dương Đức Hùng phán đoán: “Theo sơ đồ dịch tễ là người con dâu nhiễm COVID-19 ở ngoài rồi lây cho bà mẹ, sau đó mẹ lại nằm cùng giường với bệnh nhân số 133 ở Lai Châu nên cả 3 người cùng nhiễm virus”.
Hà Nội có đến 14.000 người đến khám tại BV Bạch Mai
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại BV Bạch Mai, lãnh đạo bệnh viện này đã tiến hành xét nghiệm, tầm soát trên 5.000 mẫu của tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà, hiện chưa có đầy đủ kết quả.
Để tránh nguy cơ bùng phát ra cộng đồng, UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu rà soát tất cả những trường hợp người bệnh đã được ra viện của Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 10 ngày qua, từ ngày 15-3 đến 25-3.
Bệnh viện Bạch Mai kêu gọi người dân đến khám trong vòng 10 ngày từ 14 đến 25/3 tự cách ly và khai báo y tế.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, trong vòng 10 ngày qua có 14.000 người trên địa bàn Hà Nội đến khám ngoại trú ở Bệnh viện Bạch Mai. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang sàng lọc những trường hợp này để tiếp tục khuyến cáo họ tự cách ly. Nếu ho, sốt khó thở, lập tức báo cho y tế để điều tra, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm. Ông Nguyễn Nhật Cảm - GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - cho rằng nguy cơ lây lan ở trong bệnh viện Bạch Mai là rất cao.
Theo lý giải của ông Cảm, nguy cơ cao là do bệnh nhân nặng rất nhiều, nếu xảy ra dịch trong bệnh viện thì tỉ lệ tử vong cao, nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng rất cao.
“Tôi đề xuất tới đây nên dừng không nhận bệnh nhân vào bệnh viện, còn bệnh nhân đang điều trị ở đó không nên chuyển đến bệnh viện khác của Hà Nội, chỉ cho ra viện khi đã xét nghiệm âm tính, đồng thời báo cho địa phương để giám sát 14 ngày”, ông Cảm nói.
Các biện pháp thực hiện sau khi BV Bạch Mai xuất hiện ca bệnh
1. Xét nghiệm tất cả các nhân viên y tế bệnh nhân và người nhà bệnh nhân: 5000 mẫu phát hiện 2 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Riêng 3 khoa phát hiện có người mắc COVID-19: Khoa thần kinh đã tiến hành xét nghiệm hết tất cả không có nhân viên nào bị nhiễm; toàn bộ 134 nhân viên tại Trung tâm nhiệt đới Bạch Mai có liên quan đến BN 87, BN87 và Khoa tim mạch C4: tất cả kết quả âm tính.
2. Nhận định có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện.
3. Bệnh viện Bạch Mai ngừng đang tiến hành các biện pháp kiểm soát, tạm dừng đón tiếp bệnh nhân từ và thực hiện việc cách ly toàn bệnh viện để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.
4. Đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã đến khám, điều trị tại bệnh viện trong vòng 14 ngày qua thực hiện tự cách ly và liên hệ cơ quan y tế gần nhất để quản lý sức khoẻ
5. Nhận định tới đây một số bệnh viện tuyến cuối, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố lớn( Hà Nội, Hồ Chí Mình) có thể xuất hiện các ca bệnh nên đòi hỏi phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm và thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc như bệnh viện Bạch Mai.