Trong vài ngày vừa qua, liên tiếp phát hiện ca nhiễm mới virus Zika, điều đáng nói đã xuất hiện những ca dị tật đầu nhỏ.
Tại tỉnh Đắc Lắc ngành y tế đã xác định có 3 trường hợp bệnh nhi mắc dị tật đầu nhỏ. Một trường hợp ghi nhận mắc chứng dị tật này ngày 17/10, mẹ cháu bé từng bị sốt phát ban khi mang thai lúc 3 tháng.
Hai trường hợp còn lại mới được phát hiện đó là cháu T. (7 tuổi) và em ruột là cháu D. (4 tuổi) ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng. Hiện cháu T có vòng đo đầu là 35cm, cháu D là 39cm, nhỏ hơn nhiều so với các trẻ cùng lứa tuổi.
Số ca nhiễm virus Zika ở Việt Nam gia tăng (Ảnh minh họa)
Số ca mắc Zika tại Việt Nam cũng đang tăng lên, ghi nhận trên toàn quốc hiện đã có 9 ca nhiễm virus Zika, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là một bé gái 4 tuổi ở Long An. TP.HCM là địa phương có số ca nhiễm virus Zika cao nhất cả nước với 5 ca nhiễm.
Hiện chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân có phải những trẻ trên mắc dị tật đầu nhỏ liên quan đến virus Zika hay không. Tuy nhiên, trong bố cảnh gia tăng số ca mắc virus Zika ở Việt Nam như hiện nay, nhiều người nhất là các bà mẹ mang thai khá hoang mang lo lắng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế đã chính thức nâng mức cảnh báo dịch bệnh do virus Zika. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, có hai nguyên nhân khiến Bộ Y tế phải nâng mức cảnh báo.
Thứ nhất, các trường hợp phát hiện Zika gần đây có tốc độ gia tăng nhanh chóng. Ngay trong tháng 10 này, chúng ta đã phát hiện 5 trường hợp.
Nguyên nhân thứ 2, đã xuất hiện trường hợp ca bệnh mắc dị tật đầu nhỏ mới xuất hiện ở Việt Nam, nhiều khả năng do virus Zika gây ra. Chính vì lý do đó, Bộ Y tế quyết định nâng mức cảnh báo hiện tại để chúng ta có thể triển khai các biện pháp cần thiết phòng chống Zika.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần thực hiện một số biện pháp sau: - Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika và khám thai định kỳ. - Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. - Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn. - Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus Zika. - Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai. - Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus Zika cho mẹ và con. |