Melamine có trong sữa, bột bắp rang cháy pha với bột cà phê, kháng sinh bị lạm dụng để nuôi trồng thủy sản và gia súc gia cầm, bún bị ướp hóa chất công nghiệp Tinopal, thịt gà bắt mắt nhờ chất vàng ô… là thực trạng nhức nhối hiện nay.
Ngày 15/7, tại T.HCM đã diễn ra hội thảo “Thực trạng việc lạm dụng hóa chất trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm”. GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM khẳng định, việc lạm dụng hóa chất làm phụ gia thực phẩm dẫn đến việc giả nhãn hiệu.
Việc cố tình sử dụng hóa chất trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có thể nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay còn nhiều bất cập và thực tế tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát tốt.
Các chuyên gia cho biết, nhiễm độc beta-agonist (có trong chất tạo nạc Salbutamol và Clenbuterol) với các triệu chứng run, đau đầu, tim đập nhanh, chóng mặt, buồn nôn, sốt… có thể ảnh hưởng hệ sinh sản, gây sinh non hoặc hư thai nếu nhiễm lâu dài. Tuy vậy, tại Việt Nam, chất tạo nạc này vẫn trở thành vấn đề nhức nhối khi các cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra hàm lượng chất này trong thức ăn chăn nuôi và nước tiểu của heo.
Trong tháng 10/2015, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo phối hợp với một số địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Tại các cơ sở giết mổ, kết quả kiểm tra cho thấy có 105/587 mẫu nước tiểu dương tính với chất tạo nạc Sabutamol tập trung tại các tỉnh Đắk Nông, TP.HCM, Tây Ninh… Đáng chú ý, nồng độ chất Sabutamol trong các mẫu nước tiểu rất cao.
Chất vàng ô được sử dụng bừa bãi trong chăn nuôi gia cầm
Tháng 11/2015 có 7/8 mẫu thức ăn chăn nuôi lấy tại một Công ty thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương nhiễm Salbutamol vượt ngưỡng 60 lần. Ở quận Thủ Đức TP.HCM có 33/106 mẫu thịt heo không đạt chất lượng.
Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, từ 17/1 – 7/2 đã phát hiện 11/276 lô heo có chứa chất cấm. Trong tháng 3/2016, tỷ lệ phát hiện tồn dư chất cấm là 1,5%.
Chất vàng ô (Auramine O) vốn là một loại hóa chất được sử dụng trong công nghiệp nhuộm vải, bị cảnh báo là có thể gây ngộ độc nếu nuốt phải và được tổ chức Nghiên cứu ung thư Quốc tế IARC xếp hạng là chất có thể gây ung thư.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại Việt Nam cơ quan chức năng liên tục phát hiện các cơ sở sử dụng chất này để nhuộm vàng măng, gà vịt nhằm tạo màu vàng bắt mắt. Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi, các hộ chăn nuôi thường dùng chất vàng ô trộn vào thức ăn cho gà để da gà có màu vàng, đặc biệt làm cho lòng đỏ trứng gà có màu bắt mắt.
Không chỉ có thế, thời gian qua còn có không ít các trường hợp kháng sinh bị cấm được sử dụng bừa bãi trong chăn nuôi thủy sản, giá ngậm hóa chất tăng trưởng, Tinapol (một loại hóa chất phát huỳnh quang vốn sử dụng chủ yếu trong bột giặt, giấy…) được sử dụng ướp bún tươi để tăng độ óng, sự bắt mắt; Melamine có trong sữa, bột bắp rang cháy pha với bột cà phê, DEHP dùng làm chất tạo đục,…
Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, việc kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước còn nhiều bất cập khi mà các phương tiện kiểm nghiệm hiện có trong nước chủ yếu kiểm soát các đối tượng nhắm đến chứ chưa cho phép nhận diện thêm các chất lạ không nằm trong tầm ngắm. Trong khi đó, càng ngày, thực phẩm càng bị nhiễm các loại hóa chất với số lượng lớn và đa dạng hơn.
Điều cần thiết hiện nay là phải có một hệ thống quản lý hiệu quả, bớt chồng chéo và dễ dàng quy trách nhiệm. Các tỉnh thành nên hướng mạnh để xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống kiểm nghiệm có tổ chức tốt với trang thiết bị hiện đại, chuyên dùng cùng đội ngũ giàu kinh nghiệm, năng nổ, có tâm huyết.
Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị các địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời cần phải có biện pháp xử phạt nghiêm các trường hợp buôn bán, kinh doanh hóa chất thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia…tràn lan trên thị trường bao gồm tất cả các trường hợp mở cửa hàng và bán trực tuyến trên các trang mạng xã hội.