Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện

Ngày 19/08/2019 12:45 PM (GMT+7)

Một chai nhựa cũ có thể là đồ bỏ đi đối với chúng ta nhưng đối với những người nghèo không thể chạm tới ánh sáng của điện, nó lại trở thành một thứ vô cùng hữu dụng nhờ cách đơn giản này.

Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện - 1

Khoảng hơn 1,2 tỷ người trên thế giới không có điện để dùng. Họ là những người nghèo, sống ở vùng sâu vùng xa hoặc trong những khu ổ chuột. Đối với họ, điện là thứ gì đó rất xa xỉ nên thường xuyên phải sống trong bóng tối khổ sở. Thế nhưng giờ đây, chỉ với một chai nhựa cũ, con người hoàn toàn có thể "đánh cắp mặt trời", biến nó thành "bóng điện" bằng cách không ngờ.

Video: Người dân Philippines dùng chai nhựa để tạo ra ánh sáng.

Dự án "đánh cắp mặt trời"

Với nỗ lực mang lại ánh sáng cho người nghèo, tổ chức phi lợi nhuận MyShelter Foundation tại Philippines đã thành lập một dự án mang tên "Liter of Light" (tạm dịch: "Lít ánh sáng"). Họ sẽ thu gom các chai nhựa cũ, sau đó dùng nước, chất tẩy trắng và tận dụng ánh sáng mặt trời để chiếu sáng bên trong nhà. Chẳng mấy chốc, ý tưởng sáng tạo này đã được rất nhiều người đón nhận.

Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện - 2

Dự án "Lít ánh sáng" đã đem lại ánh sáng cho rất nhiều người nghèo.

"Lít ánh sáng" tuân thủ theo nguyên tắc khúc xạ ánh sáng trong vật lý. Khi đi qua mặt phân cách giữa hai môi trường trong suốt có chiết suất khác nhau (cụ thể ở đây là nước), ánh sáng sẽ đổi hướng. Nhờ đó, người ta đã đục một lỗ trên trần nhà, vừa đủ để nhét một chai nhựa vào, một nửa chai nằm ở trên mái, một nửa nằm ở dưới. Những chai nhựa này đã được đổ đầy nước có pha chất tẩy trắng.

Nếu trần nhà chỉ có một lỗ hổng, ánh sáng mặt trời sẽ đi vào theo chiều thẳng đứng. Nhưng nếu đó là một chai nước, ánh sáng sẽ bị khúc xạ và tỏa sáng theo nhiều chiều, tạo ra ánh sáng tương đối. Nhờ đó, người dân đã thành công "đánh cắp mặt trời" với chi phí vô cùng rẻ, cách làm dễ dàng mà còn tái chế được chai nhựa. Tuy nhiên, cách này có một nhược điểm là chỉ sử dụng được khi mặt trời chiếu sáng.

Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện - 3

Chỉ với 1 chai nhựa, nước và chất tẩy trắng là đủ tạo ra một "bóng điện".

Để giải quyết vấn đề này, tổ chức MyShelter đã nghĩ ra một cách khác giúp những chai nhựa vẫn sáng được vào ban đêm. Họ lắp vào miệng chai nhựa một ống nghiệm chứa bóng đèn LED được nối với một miếng bản năng lượng mặt trời mini. Nhờ đó, những chai nhựa vẫn có thể khúc xạ ánh sáng vào ban ngày và trở thành một chiếc đèn năng lượng mặt trời vào ban đêm. 

Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện - 4

Cách lắp đặt chiếc chai nhựa lên mái nhà.

Những chiếc chai nhựa phát sáng này có tuổi thọ lên tới 5 năm và người dân hoàn toàn có thể tự làm được. Không chỉ giúp tiết kiệm tiền, phương pháp này còn giúp tái chế chai nhựa rất hữu dụng - một mối lo toàn cầu mà thế giới đang đau đầu để giải quyết. Không những thế, tổ chức Myshelter còn đào tạo cho người dân tự sản xuất đèn năng lượng mặt trời và bán với giá 10 USD, giúp họ phần nào vơi bớt đói nghèo.

Những thành quả không tưởng

Kể từ khi thành lập vào năm 2012 và chỉ hoạt động tại Philippines, cho đến nay, "Lít ánh sáng" đã cung cấp ánh sáng cho hơn 353.000 hộ gia đình tại 15 đất nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, Colombia, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italia, Pakistan, Ai Cập, Ấn Độ, Kenya, Nepal, Bangladesh, Mexico, Brazil, Dominica và Nicaragoa.

Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện - 5

Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện - 6

Chẳng cần quá tốn kém, người nghèo vẫn có điện.

Hơn 350.000 chai nhựa đã được lắp đặt. Hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia. Hàng triệu người có được ánh sáng và chắc chắn những con số này còn tăng lên rất nhiều.

"Công suất 1W đến 5W là đủ để thắp sáng một ngôi làng. Nếu hàng triệu người cùng tạo ra những chiếc chai nhựa ma thuật phát sáng này, nó còn lớn hơn cả một nhà máy điện", ông Illac Diaz, người sáng lập tổ chức Myshelter chia sẻ.

Công nghệ "Lít ánh sáng" đã được Liên Hợp Quốc công nhận và áp dụng trong một số trại tị nạn. Dự án này cũng tự hào khi nhận giải thưởng Năng lượng tương lai Zayed Future Energy Prize năm 2015, giải thưởng về môi trường St. Andrews Prize for the Environment năm 2016 và giải thưởng Môi trường thế giới World Habitat Award 2014-2015.

Cách giảm nhựa hữu dụng nhất

Không chỉ đem đến ánh sáng cho người nghèo với chi phí rất rẻ, "Lít ánh sáng" còn góp phần không nhỏ trong việc tái chế chai nhựa, giảm thiểu rác nhựa - một vấn nạn mà thế giới đang đau đầu để giải quyết.

Lít ánh sáng: Chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền, 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện - 7

"Lít ánh sáng" giúp tái chế chai nhựa hiệu quả.

Theo The Guardian, cứ mỗi giây lại có 20.000 chai nhựa được mua trên thế giới. Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, đại dương nhận thêm khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm. Những rác nhựa này gần như không thể phân hủy, gây ra hiện trạng ô nhiễm môi trường vô cùng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người và các sinh vật khác.

Ông Illac Diaz chia sẻ: "Chai nhựa có ở khắp mọi nơi. Chúng tôi sinh sống trên một hòn đảo và chúng tôi cũng là một trong số những quốc gia góp phần đổ rác nhựa vào đại dương".

Do đó, "Lít ánh sáng" có thể trở thành một dự án hữu dụng để góp phần giảm thiếu chai nhựa được thải ra mỗi ngày trên thế giới. Đã có hơn 350.000 chai nhựa được tái chế và hy vọng rằng "Lít ánh sáng" sẽ tiếp cận được tới nhiều người hơn, giúp nhiều chai nhựa được tái chế hơn.

Cuộc chiến giảm nhựa: Đi uống café, trà sữa, có thể tự mang ly, bình của mình để đựng
Trước một làn sóng tuyên truyền các chiến dịch giảm nhựa, các chị em đã thực sự tham gia vào cuộc chiến này?
Khánh Hằng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva giảm nhựa