Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc ly nhựa tràn lan trên đường phố Sài Gòn. Người dân vẫn "vô tư" sử dụng bất chấp cảnh báo về những nguy hại ẩn chứa đằng sau những chiếc ly rẻ tiền không rõ đã được kiểm định chất lượng hay chưa.
Bài 1: Việt Nam xả rác thải nhựa thuộc top 4 thế giới, mỗi năm một người thải 41kg rác nhựa
Bài 2: Dùng túi nilon tràn lan, người Sài Gòn lý giải: “Muốn giảm nhưng phải từ từ”
Nhiều quốc gia trên thế giới đã "tẩy chay" đồ nhựa dùng một lần vì lo ngại ô nhiễm môi trường và hiểm họa khôn lường tới sức khỏe con người. Thế nhưng tại Việt Nam, đặc biệt ở TP.HCM, hình ảnh những chiếc ly nhựa vẫn tràn lan khắp phố, có mặt trong nhiều bữa ăn, uống của nhiều người.
Sáng 10/8, tại công viên 30/4, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phần cóc, ổi đã được sơ chế cho vào những chiếc ly nhựa, đậy nắp kín, xếp vuông vức trên khay, rổ của những người bán hàng rong tại đây. Nhận hộp xoài lắc từ tay người bán, 2 bạn nữ mặc áo thể dục của một trường đại học ở TP.HCM nhanh chóng ngấu nghiến món ăn khoái khẩu. Cạnh bên, một cặp đôi khác đang vô tư khui nắp chai nước ngọt và đổ đầy 2 ly nhựa đựng đá đã cầm sẵn trên tay. “Mình thấy nhiều người vẫn sử dụng đồ ăn, thức uống đựng trong những chiếc ly nhựa thế này mà. Hơn nữa, mình cũng đâu dùng lâu dài vì đây là ly sử dụng một lần nên chắc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe”, Giang Thanh (sinh viên, 24 tuổi) chia sẻ.
Trong ảnh: Một chiếc ly nhựa được "tiện tay" để xuống bên cạnh sau khi sử dụng.
Khi được hỏi về lí do sử dụng ly nhựa khi bán hàng cho khách, bà Mai Ngọc Bích (54 tuổi, một người bán hàng rong trên địa bàn quận 1) cho biết vì đây là loại ly giá rẻ, dùng một lần rồi bỏ nên bán sẽ lời nhiều hơn những loại ly khác. “Tôi bán một ly xoài lắc giá 10 nghìn đồng, tiền xoài và gia vị cũng 4-5 nghìn. Nếu dùng ly nhựa tốt hoặc ly giấy thì cũng tầm 1 nghìn đồng/cái. Thế làm sao có lời? Với lại sau khi bán cho khách xong thì khách thường mang đi luôn, ai ăn tại chỗ thì tôi thu gom ly nhựa để bán ve chai. Chứ đâu vứt lung tung đâu mà gây ô nhiễm môi trường”, người này bày tỏ ý kiến với thái độ không mấy dễ chịu.
Liên hệ với nhiều tiểu thương bán ly nhựa tại Chợ Lớn (quận 6, TP.HCM), được biết, tùy theo kích cỡ và chất lượng, ly nhựa sẽ có giá khác nhau. “Loại ly 500ml có giá 12 nghìn mỗi cây 50 chiếc, ly to hơn dùng để đựng trà tắc khổng lồ, nước mía khổng lồ có giá 18 nghìn mỗi cây. Đây là loại ly chất lượng thấp nhất, còn những ly nhựa tương tự nhưng cứng và bền hơn thường dùng ở các quán cà phê mang đi sẽ có giá nhỉnh hơn từ 4-8 nghìn đồng mỗi cây”, bà Tuyền - một tiểu thương cho biết.
Báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cho biết, chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại. Styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột quỵ),…. Đặc biệt, chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe. Ngoài ra, trong các sản phầm nhựa còn thường chứa một chất BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh.
Dạo quanh đường phố Sài Gòn, những hình ảnh "nhìn đâu cũng thấy ly nhựa" dưới đây xuất hiện ở khắp mọi nơi:
Xung quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà và công viên 30/4 (Quận 1, TP.HCM), rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phần cóc, ổi đã được sơ chế cho vào những chiếc ly nhựa đậy nắp kín, xếp vuông vức trên khay, rổ của người bán hàng rong.
Đây là loại vật dụng rẻ tiền, tiện lợi và dễ mua.
Hầu hết thức ăn, nước uống đều được đựng trong chiếc ly nhựa này.
Trên một xe nước giải khát, những chiếc ly nhựa được bày sẵn để thuận tiện cho người bán.
Ly nhựa nằm lăn lóc dưới ghế đá. Không khó để bắt gặp những hình ảnh này ở các công viên.
Không phải nơi tập kết rác nhưng không khác gì bãi rác
Với tính năng nhanh gọn, tiện lợi, rẻ tiền,… ly dùng một lần đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính vật dụng tiện lợi, hữu ích và tưởng chừng như vô hại này lại chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe.
Theo các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene hay chính là nhựa mang nhãn số 6. Polystyrene (viết tắt và thường gọi là PS) là một loại nhựa khá rẻ tiền, có màu trắng, trọng lượng nhẹ, tính dẻo nên thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì.
Bên cạnh những ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe, phế phẩm từ nhựa còn tác động xấu đến môi trường. Sau khi bị vứt ra ngoài thiên nhiên, nhựa sẽ mất một khoảng thời gian rất lâu để tiêu hủy. Các sản phẩm từ nhựa sẽ tách dần ra thành các hạt nhỏ chứ không hề tiêu biến hết. Những hạt nhỏ li ti đó có thể ngấm vào đất đi vào các mạch nước ngầm.
Khi bạn vứt một mẩu rác nhựa ra môi trường, phải cần tới 450 năm để tiêu hủy hoàn toàn. Nói cách khác, phải trải qua rất nhiều thế hệ để một mảnh vật liệu nhựa tan biến. Ngoài ra, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Hoặc chúng có thể bị các sinh vật như cá nuốt vào và có rất nhiều khả năng con người sẽ ăn nhầm phải và nhiễm độc.