Lò luyện thi và ánh mắt của bố mẹ: Ký ức sâu đậm về kỳ thi ĐH của nhiều người

Ngày 26/06/2019 00:08 AM (GMT+7)

Hằng năm, khi mùa thi tới, nhiều người vẫn bồi hồi nhớ lại những tháng ngày vùi đầu vào sách vở, chỉ có một mục tiêu duy nhất là đỗ đại học.

Ngày 25/6, các sĩ tử trên cả nước đã bước vào ngày đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Khi các em đang mải miết làm bài, phụ huynh đứng ngoài trông ngóng, thì lực lượng công an, bảo vệ, sinh viên tình nguyện,... mỗi người một nhiệm vụ để đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, suôn sẻ.

Trong khi đó, học sinh khóa dưới thấp thỏm chờ xem năm nay Bộ Giáo dục ra đề gì, còn thế hệ 8x, 9x lại dạt dào cảm xúc hồi tưởng những ngày thi dường như đã từ xa lắm.

"Lò luyện thi" - Một ký ức khó quên

Nếu chưa từng ôn thi đại học, có lẽ chẳng ai có thể tin nổi có một lớp học lên đến hàng trăm người ngồi sát nhau, tất cả đều im lặng ghi chép từng lời thầy cô giảng. Không gian yên tĩnh có thể nghe rõ tiếng lạch cạch của phấn, tiếng sột soạt của sách vở... Xung quanh là những chiếc quạt chạy hết công suất nhưng cũng không thể làm giảm bớt cái nóng hừng hực dưới tiết trời mùa hè oi bức.

Lò luyện thi và ánh mắt của bố mẹ: Ký ức sâu đậm về kỳ thi ĐH của nhiều người - 1

Những "lò luyện thi" là ký ức vô cùng sâu đậm trong trí nhớ của nhiều người

Huy Bình (sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia Hà Nội) bồi hồi khi nhớ lại quãng thời gian học ở lò luyện thi: "Hồi đó em học văn thầy Hưởng, một lớp có tầm 200 người. Đến giờ em không còn quá nhớ sự đông đúc, chật chội hay nóng bức ở đó nữa, mà chỉ còn nhớ lời thầy giảng hay vô cùng. Bọn em đứa nào cũng nghe chăm chú như nuốt từng lời ấy! Đến nỗi chúng em phải ghi âm lại bài giảng để về nhà học ôn".

Lò luyện thi và ánh mắt của bố mẹ: Ký ức sâu đậm về kỳ thi ĐH của nhiều người - 2

Huy Bình hiện đã là một sinh viên năm cuối

Nhật Tân (sinh viên năm 3 Học viện Ngân hàng) chia sẻ: "Em thấy học ở lò hiệu quả cực kỳ, bởi vì các thầy cô dạy đều là những người có kinh nghiệm luyện thi đại học. Họ dạy và truyền đạt cho mình kiến thức, kinh nghiệm để đi thi. Lời giảng thì đơn giản và dễ vào lắm! Em đi học trên lớp còn phải có sách vở chứ đi học lò thì chẳng cần sách vở gì hết vì kiến thức rất dễ nhớ".

Lò luyện thi và ánh mắt của bố mẹ: Ký ức sâu đậm về kỳ thi ĐH của nhiều người - 3

Nhật Tân chia sẻ mình có nhiều kỷ niệm vui vẻ hồi thi đại học

Có thể nói, "lò luyện thi" là một phần ký ức không thể quên của rất nhiều thế hệ học sinh từng trải qua kỳ thi đại học. Đó là nơi những sĩ tử rèn luyện, trau dồi bản thân để tự tin nhất khi bước vào kỳ thi quan trọng. Xếp hàng từ sớm để mua thẻ học hòng kiếm được một chỗ ngồi tốt, ăn vội ăn vàng sau giờ tan học để kịp đạp xe đến "lò", tấm lưng áo mướt mải mồ hôi nhưng tay vẫn ghi thật nhanh những lời thầy giảng,... tất cả đều là minh chứng cho sự cố gắng, dốc lòng dốc sức của tuổi trẻ, để dù sau này kết quả có thế nào cũng không hề nuối tiếc.

Cuộc sống sinh hoạt với ba điểm thẳng hàng: Nhà - trường - chỗ học thêm

"Lịch học của em kín mít hết. Lớp học thêm của em kết thúc lúc 10h tối. Về nhà em chỉ thay rửa quần áo rồi bỏ sách vở ra xem lại chút, đến 11h đêm thì đi ngủ. Em không bao giờ thức đêm để học vì như thế sẽ không đảm bảo sức khỏe. Sáng hôm sau 6h đã dậy đi học ở trường rồi lại tới lớp học thêm...", Huy Bình nhớ lại thời gian biểu của mình hồi ôn thi đại học.

"Hồi đó em ôn thi buồn cười lắm. Càng gần đến ngày thi, em dành thời gian để... đi chơi điện tử với bạn. Chơi đến 10h đêm về nhà thì ngồi ôn bài. 11h em đi ngủ để giữ gìn sức khỏe. Thế mà em đi thi cũng được 24 điểm đấy, thừa hẳn 2.5 điểm", Nhật Tân hài hước chia sẻ.

Lò luyện thi và ánh mắt của bố mẹ: Ký ức sâu đậm về kỳ thi ĐH của nhiều người - 4

3 năm cấp 3 là những tháng ngày vùi đầu vào sách vở

Những ngày tháng ấy, đứa học trò lớp 12 nào cũng quay cuồng trong lịch trình học dày đặc. Sáng sớm đến lớp thấy ai cũng cắm cúi giải đề, tay cầm chiếc máy tính bấm nhoay nhoáy. Giờ đây khi ai đó hỏi "Kỷ niệm khó quên nhất trong 3 năm cấp 3 đó là gì?" thì đó có thể là tập đề cương Ngữ Văn kín chữ, là bài Toán nghĩ vắt óc chưa ra, là đề Hóa khó đến phát khóc,... là lịch trình ngày nào cũng như ngày nào với 3 điểm thẳng hàng: Nhà - trường - chỗ học thêm.

Thế rồi thời gian vội vã trôi qua, kỳ thi đã ập tới trước mắt.

Dùng 3 năm cấp 3 để khát khao vào đại học

Cả đêm nằm thao thức lo lắng rồi thiếp đi với giấc mơ chạy mãi không đến trường thi, các cô cậu học trò lại tỉnh giấc sớm, soát một lượt đồ dùng và giấy tờ cần thiết. Bữa sáng phổ biến trong những ngày này của các sĩ tử là xôi đỗ, xôi gấc với kỳ vọng sẽ có thêm một chút may mắn. Bước qua cổng trường thi, ánh mắt của bố mẹ vẫn là hình ảnh mà đến giờ nhiều người vẫn cảm thấy rưng rưng khi nhớ lại.

"Đến giờ em không còn nhớ đề thi năm đó ra sao, em làm được hay không làm được, chỉ nhớ lúc bước ra ngoài, thấy bố đang đứng chờ thì thấy rất yên tâm, như kiểu được an ủi rất nhiều. Cuối cùng thì mọi chuyện đã ổn, em cũng đã hết sức làm bài, kết quả có ra sao thì lúc đó em cũng không quá lo lắng nữa. Cuối cùng cũng được thở phào một cái", Huy Bình nhớ lại.

Lò luyện thi và ánh mắt của bố mẹ: Ký ức sâu đậm về kỳ thi ĐH của nhiều người - 5

Dù tham gia kỳ thi đại học vào năm trước nhưng đối với Vũ Loan mọi thứ chỉ như mới hôm qua

Còn Vũ Loan - cô sinh viên năm nhất của Học viện Ngân hàng - lại có một kỷ niệm nhớ đời trong kỳ thi đại học: "Văn là môn thi đầu tiên, mới làm được khoảng 1 tiếng thì em bắt đầu đau bụng. Cũng vì lo lắng quá nên em hay bị đau dạ dày. Lúc đầu em còn cố gắng làm bài tiếp nhưng sau đau quá, giám thị phải đưa em vào phòng y tế để tiêm thuốc. Giảm đau thì em vào tiếp tục bài thi. Nhưng đáng nhớ nhất là lúc thi xong, công an rồi bảo vệ và rất đông người khác tự dưng chạy ra chỗ em hỏi thăm. Mẹ em thì hớt hải lo lắng. Thấy mẹ như thế tự nhiên em thương mẹ vô cùng. May mà năm đó môn Văn em được 8 điểm".

Lò luyện thi và ánh mắt của bố mẹ: Ký ức sâu đậm về kỳ thi ĐH của nhiều người - 6

12 năm đèn sách sẽ kết thúc cùng kỳ thi đại học

Kỳ thi đại học kết thúc, cũng là lúc quãng thời gian 12 năm đằng đẵng học hành hoàn thành, khép lại những năm tháng thanh xuân tươi đẹp của nhiều người nhưng cũng mở ra một tương lai mới, những ngã rẽ mới. Ký ức về những buổi học thêm điên cuồng, những áp lực tưởng chừng không vượt qua được, những nỗ lực, cố gắng nhiều hơn cả 100% sức lực,... đều khép lại khi các bạn đặt dấu chấm câu cuối cùng, nắn nót tô tròn đáp án trắc nghiệm cuối cùng.

Lò luyện thi và ánh mắt của bố mẹ: Ký ức sâu đậm về kỳ thi ĐH của nhiều người - 7

Để rồi sau này, mỗi khi hè sang, hoa phượng đỏ rợp trời, tivi ra rả những thông tin về kỳ thi sắp tới, rất nhiều người lại trầm ngâm nhớ về một mùa thi trong ký ức.

Ai đã đặt tên cho dòng sông? vào đề thi Văn THPT Quốc gia, thí sinh vui mừng về sớm
Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa vào đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, nhiều thí sinh ra về...
H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục