Dù có ngoại hình xấu xí nhưng loại cá này mang lại giá trị kinh tế cao vì có phần thịt chắc, thơm ngon, hấp dẫn.
Cá chai là một loài cá biển, sống tập trung tại nhiều vùng biển ở nước ta. Về đặc điểm nhận dạng, loài cá này có thân tròn và dài, đầu dẹt và rộng, gần giống với cá bống. Nhìn bên ngoài, cá chai xấu xí, thô ráp gồ ghề, hai mắt lồi. Thế nhưng thịt của chúng lại dày, vừa dai vừa thơm ngon, chắc như thịt gà, rất ít xương nhỏ. Ngoài ra, loại cá này có nhiều dinh dưỡng nên mang lại giá trị kinh tế cao, rất được ưa chuộng trên thị trường.
Ở Việt Nam, ngư dân thường đánh bắt cá chai vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, hoặc tháng 9 tháng 10 âm lịch, đó là những thời điểm cá chai vào mùa và có nhiều nhất. Tại các chợ quê, cá chai được bán với giá giá rẻ. Trước đây, những món ăn từ cá chai xuất hiện trong bữa cơm dân dã của người nghèo vì chúng có nhiều, dễ đánh bắt lại thơm ngon.
Mấy năm gần đây, thứ cá "nhà nghèo" này lên đời, có mặt trong danh sách các loại cá ở các nhà hàng, quán ăn, được người dân thành phố yêu thích. Từ cá chai có thể làm món nướng, chiên, kho rim hay kho tộ, đặc biệt kho với nghệ tươi, nếu cá chai nướng trui thì không cần ướp bất kỳ loại gia vị nào cả để giữ nguyên hương vị giòn ngọt của cá.
Dù vẻ ngoài xấu xí nhưng cá chai lại rất thơm ngon, đậm vị
Theo khảo sát, trên thị trường cá chai tươi được bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg, còn loại cá chai trứng có giá đắt hơn, khoảng 200.000-230.000 đồng/kg.
Ở Quảng Ninh, nhận thấy loại cá này thịt rất nạc, luôn giữ được vị thơm ngon với màu sắc đặc trưng trắng hồng, người dân đã nghĩ ra món khô cá chai và cá chai một nắng, có giá lên tới 300.000 đồng/kg.
Chị Hóa - một hộ dân làm khô cá chai ở Quảng Ninh chia sẻ: "Để chọn được cá tươi ngon, gia đình tôi phải làm hợp đồng với tàu cá đánh bắt, bảo quản cá từ khi đánh bắt cho đến khi lên bờ. Cá được chọn chế biến phải là cá đạt trọng lượng nhất định, khoảng 20 con/kg, chắc thịt. Sau đó cá được đánh vẩy, bỏ ruột, rửa sạch bằng nước muối. Thợ lành nghề dùng dao sắc, nhọn lọc dọc thân cá lấy phần thịt cá, bỏ xương và đầu. Cá được đem đi sấy hoặc phơi trên giàn inox đủ nắng".
Khô cá chai được ưa chuộng vì thịt dày, ngọt
Chị Hóa nói thêm, để giữ được vị tươi, ngon của cá thì cần phải ướp và phơi đúng cách. Muối được dùng để ướp, ngâm cá phải là loại muối đã già, có độ tuổi khoảng 3 năm, đã hết độ chát, gắt. Cá được ngâm ở nồng độ nhất định, trong thời gian ngắn. Quan trọng nhất, cá được phơi dưới nắng vừa phải, có gió biển để nhanh khô, bề mặt se lại cho tới khi trọng lượng cá giảm khoảng một nửa. Bằng kinh nghiệm và qua kết quả kiểm tra, cá đạt khoảng 45% độ ẩm là ngon và giữ được hương vị tốt nhất.
Vừa đặt 3kg khô cá chai về nhâm nhi và làm món nhậu cho chồng, chị Ngọc Anh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Cá chai khô nướng lên rất ngọt, lại dày thịt nữa. Bình thường tôi hay ăn cá chỉ vàng, cá mực nhưng từ khi biết tới cá chai, tôi bị "mê hoặc" bởi hương vị của nó, cứ hết tôi lại nhờ bạn ở Quảng Ninh đặt hộ vài kg ăn dần".