Sau Lễ hội cam Cao Phong - Hòa Bình (28/11), số lượng khách đến các vườn cam của huyện này luôn trong cảnh đông vui như trẩy hội. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, loại cam cho các hộ dân tiền tỷ đã bị mạo danh trên thị trường.
Hàng chục hộ có thu nhập 2 -5 tỷ đồng/năm
Những ngày này dọc theo quốc lộ 6, đoạn qua thị trấn Cao Phong(Hòa Bình) dễ dàng nhận ra màu vàng của bạt ngàn cam hai bên đường. Khá nhiều người đổ đến các vườn cam để cất sỉ, mua lẻ số lượng lớn. Tại một vườn cam của thị trấn Cao Phong, số lượng khách kéo đến khá đông khiến chủ gia đình vườn cam phải liên tay phục vụ.
Chị Nguyễn Thị Yên, người trồng cam, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong hồ hởi chia sẻ: “Trước đây thỉnh thoảng cũng có những đoàn đến thăm vườn cam và mua cam tại vườn, từ sau lễ hội cam, số người kéo đến ngày càng đông, chỉ bán phục vụ tại vườn cũng đủ mệt”.
Cam bày bán trên đường qua thị trấn Cao Phong. Ảnh: Mai Hạnh
Anh Bùi Thanh Tùng, người trồng cam xã Tân Phong (Cao Phong) cũng cho hay: “Trước đây, vợ tôi phải mang cam ra đường lớn của thị trấn huyện để bán nhưng sau Lễ hội cam, nhiều người đã tìm đến tận vườn. Có hôm vợ đang bán cam ở thị trấn lại phải nhờ người trông quầy chạy về vườn phụ giúp tôi bán cam vì khách đông, làm một mình không xuể”.
Cũng theo anh Tùng thì giá cam bán tại vườn và bán lẻ tại quầy cam ở huyện không chênh nhau về giá. Thậm chí, giá bán sỉ cam cho khách buôn cũng chênh không nhiều, giá bán sỉ tại vườn rẻ nhất cũng là 30.000 đồng/kg đối với cam truyền thống, cam ngon hơn như CS1 (cam lòng vàng) thì giá cất sỉ tại vườn đã 50.000 đồng/kg, bán cho khách lẻ dao động từ 55.000 – 60.000 đồng/kg giá tại vườn; cam Canh trồng tại huyện Cao Phong cũng cho hương vị thơm ngon không kém cam Canh trồng ở Hưng Yên và giá bán cũng từ 55.000 – 60.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Cây cam, quýt đã được trồng tại 13/13 xã, thị trấn trong huyện. Toàn huyện hiện có khoảng 1.700 ha cam, quýt; trong đó, khoảng 750 ha trong thời kỳ kinh doanh; sản lượng năm 2015 dự kiến Tỉnh Hòa Bình đang hướng tới việc đạt trên 20.000 tấn. Bình quân 1ha cam đem lại thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng cho người dân địa phương. Các hộ trồng cam không chỉ thoát nghèo mà hàng chục hộ đã trở thành tỷ phú, mỗi năm thu nhập từ 2 - 5 tỷ đồng. Cá biệt có một số hộ thu nhập 10 - 15 tỷ đồng/vụ cam.
Khó xử với tình trạng mạo danh?
Nhiều người ngoại tỉnh đã vào tận vườn của huyện Cao Phong để cất sỉ, mua lẻ.
Tuy nhiên, cũng như nhiều giống cam đã nổi tiếng tại Việt Nam như cam Hàm Yên (Tuyên Quang), cam xã Đoài (Nghệ An), cam Canh (Hưng Yên), cam Cao Phong đang phải đối mặt với nỗi lo bị mạo danh.
Anh Bùi Thanh Tùng chia sẻ: “Cam Cao Phong nổi tiếng bởi có vị ngọt thanh, thơm đặc trưng, vỏ mỏng, được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hướng dẫn nhà sản xuất nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trên cơ sở kiểm soát các mối nguy), đảm bảo ATVSTP. Trước đây, cam Cao Phong từng bị “oan ức” vì nhiều người tưởng lầm là cam của địa phương khác hoặc cam Trung Quốc. Nhưng sau Lễ hội cam thì cam của một số địa phương khác lại “mượn áo” cam Cao Phong để bán hàng, thậm chí cam Tàu cũng giả danh cam Cao Phong. Người tiêu dùng cần cảnh giác với cam bán trên thị trường có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg thì không phải là cam Cao Phong”.
Chia sẻ với PV Báo GĐXH, GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng: “Tỉnh Hòa Bình và bà con Cao Phong đang làm thương hiệu rất tốt, bước đầu đã thành công. Tuy nhiên, tôi đã sang California, Mỹ khí hậu tương tự miền Bắc nước ta nhưng họ trồng được giống cam không có tia ở giữa, không có hạt, vỏ vàng óng, mỏng như vỏ quýt và bóc được như quýt và ăn ngọt lừ. Việt Nam đã gia nhập TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) người dân trồng cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình nên lường trước chuyện cam Mỹ sang Việt Nam. Vì vậy, ngay từ lúc này người dân trồng cam nên tìm giống mới, lai tạo trái cam để không bị đánh bật khi cam ngoại quốc nhiều lợi thế xuất hiện trên thị trường Việt Nam”.
Về tình trạng mượn danh cam Cao Phong, GS Nguyễn Lân Hùng chia sẻ: “Cam Cao Phong là cam Vinh, đã trồng nhiều năm ở Hòa Bình. Đây cũng là giống cam đã được trồng ở nhiều nơi khác nên rất khó phân biệt nếu dựa vào cảm quan bên ngoài. Khó nhận biết dẫn đến rất khó xử lý tình trạng mượn danh cam Cao Phong để bán hàng”.
Tìm hiểu ý kiến của một số chuyên gia nông nghiệp khác, các chuyên gia này cũng cho rằng, sản phẩm nông nghiệp liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Hơn nữa, cùng một giống cam nhưng trồng ở đất của nơi này sẽ cho vị khác với nơi kia. Vì vậy, cùng là giống cam Cao Phong nhưng không trồng ở Hòa Bình thì không được cho là cam Cao Phong mà nó chỉ là cam có giống cùng với loại cam này mà thôi.
Về việc cam giả danh, anh Mai Huy Toàn, GĐ Kỹ thuật Cty CP Icheck cho rằng, có thể nhận diện cam Cao Phong xịn qua phần mềm nhận diện hàng thật – giả cài trên điện thoại smartphone. Anh Toàn cho biết: “Icheck có thể hợp tác để cung cấp cơ sở dữ liệu cho từng cây cam từ khi bắt đầu trồng cho đến khi ra trái, cắt bán trên thị trường. Mỗi cây cam sẽ có một mã vạch duy nhất trong đó có đầy đủ thông tin như: nơi trồng, quá trình chăm bón, ngày hái quả… Kiểm tra qua điện thoại, người tiêu dùng có thể dựa vào đó để mua hàng”.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình cho biết: “Sau Lễ hội cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang hướng tới việc làm du lịch sinh thái từ việc phát triển diện tích trồng cam. Việc phát triển du lịch sinh thái này ở Hòa Bình cũng giống như Lào Cai, người dân đang được hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng để trồng số diện tích nhất định cây hoa tam giác mạch”. |
Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ Chỉ dẫn địa lý vào tháng 11/2014 cho 4 giống cam của huyện Cao Phong gồm: Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao, cam Canh và cam CS1. Hiện tỉnh Hòa Bình đã liên kết với nhiều viện nghiên cứu, ứng dụng thành công các giống quýt ôn châu, cam CS1, chanh đào, bưởi đỏ, cam canh, cam V2… |