Thứ quả này là đặc sản ở núi rừng Tây Bắc, có vị rất chua, là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn đặc trưng.
Núi rừng Tây Bắc có nhiều loại quả mọc hoang dại, tưởng không ăn được, không ngờ là đặc sản độc đáo mà người thành phố chưa từng biết tới. Trong số đó phải kể tới quả lụ.
Anh Cường (ở Nghĩa Lộ, Yên Bái) cho biết quả lụ khá giống với trái dọc nên nhiều người nhìn lần đầu sẽ bị nhầm lẫn. Hai quả này đều có vị rất chua, nhưng mùi thơm khác nhau. Cây lụ mọc dại ở trong bìa rừng các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Lạng Sơn..., cao trung bình 10-15 mét.
Quả lụ mọc ở bìa rừng tại các tỉnh Tây Bắc, có vị chua giống trái dọc nên nhiều người hay nhầm lẫn
"Quả lụ có quanh năm, nhưng rộ nhất là khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch. Thường trái dọc hết mùa sẽ đến mùa lụ. Trước đây bà con vào rừng hái trái lụ về nấu canh chua hoặc kho cá. Bây giờ, thứ quả rừng lạ hoắc này thành đặc sản được người thành phố tò mò mua về ăn thử", anh Cường nói thêm.
Trên chợ mạng, quả lụ được vài địa chỉ chuyên bán quả rừng Tây Bắc rao với giá khoảng 30.000-55.000 đồng/kg. Ngoài quả tươi, người dân địa phương còn phơi khô để dùng quanh năm.
Chị Dương (ở Yên Bái) kể: "Lụ mọc ở bìa rừng, trước đây cây mọc nhiều, sai trĩu quả nhưng bây giờ hiếm hơn. Mình còn nhớ hồi bé, đến mùa là mấy chị em lại ríu rít theo mẹ vào rừng để hái các loại quả dại, trong đó có quả lụ. Có người còn mang theo muối ớt để chấm ăn tại chỗ.
Trái lụ có quanh năm nhưng nhiều nhất là vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch
Quả này được mang về nấu các món canh chua hoặc kho cá, kho thịt. Ở quê mình, lụ là nguyên liệu không thể thiếu trong mỗi gian bếp. Đến bây giờ sống xa nhà, mình vẫn nhớ như in cái vị chua thanh đậm đà của những món ăn được nấu từ trái lụ".
Chị Dương cho biết quả lụ dùng để nấu canh là quả già, bởi những quả lụ còn non hay những quả đã chín sẽ không được sử dụng nhiều, vị chua lúc này của quả không được ngon.
Cũng biết tới quả lụ, anh Khánh (ở Lạng Sơn) cho hay: "Quả lụ có vị chua thanh nên nấu canh cá rất thanh mát, ngon miệng. Với nhiều người, đây là nguyên liệu không thể thiếu của những nồi canh chua cá, nếu không có thì sẽ mất đi vị chua đặc trưng. Vị chua của quả lụ khác biệt với vị chua của chanh, của sấu, nếu ai đã từng được ăn canh chua quả lụ thì sẽ mê mẩn thứ quả này.
Thứ quả rừng này là nguyên liệu tạo vị chua cho nhiều món ăn đặc trưng của Tây Bắc
Mấy năm nay, quả lụ được người thành phố tìm mua về ăn thử
Mình thích nhất là quả lụ vào cuối mùa, vì khi đó trái đã già vỏ chuyển từ màu xanh nhạt sang màu xanh sẫm và cứng. Quả nào quả nấy đều chín già nên vị chua lúc này sẽ ngon hơn hẳn quả non. Mọi người có thể bảo quản ngăn đá để ăn dần, hoặc thái thành miếng rồi phơi khô".
Với những người thành phố, quả lụ còn lạ lẫm, nhưng với những người sống ở các tỉnh vùng núi phía Bắc thì chúng rất thân thuộc. Những chị em biết đến loại quả này đều lùng mua mỗi khi đến mùa để dùng thay sấu, chanh.