Ngoài những quả tạo vị chua quen thuộc như quả sấu, chanh, trên chợ mạng còn xuất hiện một loại quả có tên rất lạ cũng được dùng để tạo nên vị chua trong các món ăn, đó là quả bứa cọng.
Quả bứa cọng còn có tên gọi khác là quả tai chua. Nhìn bề ngoài, bứa cọng khá giống với quả ổi nhưng dẹt hơn, được chia thành nhiều múi, vỏ có màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu vàng.
Những ngày đầu hè, trên chợ mạng có nhiều địa chỉ rao bán quả bứa cọng với giá 70.000 đồng/kg. "Đây là loại quả tạo vị chua đặc trưng trong các món ăn ở Tây Bắc, có nhiều ở Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn. Bứa cọng có vị chua nhẹ, không gắt, rất thích hợp nấu các món ăn mùa hè hay đơn giản là bát nước canh rau muống.
Từ lúc chuyển ở chung cư ở, mẹ tôi gửi quả bứa cọng xuống rồi chia cho hàng xóm mỗi người một ít, sau đó nhiều người thích cái vị chua của quả bứa cọng nên nhờ mua hộ. Dần dần, mỗi khi đến mùa tôi lấy hàng về bán cho chị em ở chung cư và cả bạn bè đồng nghiệp. Ngoài quả tươi còn có cả loại khô, bảo quản và gói ghém cẩn thận có thể dùng được quanh năm, cứ lúc nào cần nấu sẽ có để sử dụng luôn, rất tiện", chị Hòa - người bán bứa cọng trên chợ chung cư ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Chị Hòa cho biết, cây bứa cọng mọc ở rừng, trước đây có nhiều vô kể, quả chín rụng gốc, chỉ có người dân địa phương thỉnh thoảng hái về để nấu các món chua. Bây giờ, thứ quả dại này đã thành đặc sản, được ưa chuộng ở thành phố, thậm chí ở các quán ăn, nhà hàng, đầu bếp cũng lựa chọn bứa cọng làm gia vị.
Cũng bán quả bứa cọng trên chợ mạng, chị Lan Hương (ở Hà Nội) cho biết, quả bứa cọng có thể ăn trực tiếp, hoặc nấu canh, làm các món cá kho... nhưng không nên ăn phần hạt bên trong, vì dễ bị say.
"Nếu ở me có vị chua gắt thì vị chua của trái bứa cọng lại thanh thanh, nhẹ nhàng, đậm đà. Nhưng tôi thích nhất là cho bứa cọng vào bát canh rau muống luộc, khác hẳn với hương vị của nước canh rau muống khi vắt chanh hay quất vào. Bứa cọng khô có giá 150.000 đồng/kg, có thể bỏ tủ lạnh để dùng cả năm. Những miếng bứa cọng thái lát đem về kho cá, kho thịt sẽ đánh bay mùi tanh cá thịt, còn nấu canh chua cho thêm 2, 3 lát cũng rất ngon", chị Hương nói.
Theo tìm hiểu, quả bứa cọng mọc ở rừng nên việc thu hái không hề dễ dàng. Khó khăn nhất chính là việc leo trèo, vì cây bứa cọng mọc thẳng đứng rất cao, hầu như không có cây nào thấp, cành thì rất giòn.
Mấy năm nay, khi quả bứa khô được ưa chuộng, nhiều người dân ở Hòa Bình, Lạng Sơn đã đi hái quả về để bán cho thương lái hoặc phơi khô bán quanh năm. Bứa cọng lấy về được rửa sạch, thái thành miếng mỏng rồi phơi nắng cho khô. Gặp nắng, chỉ 2-3 hôm là những miếng bứa cọng đã ngả sang màu vàng cánh gián.
Theo y học cổ truyền, thân, lá, nhựa cây bứa cọng có vị chua, chát, đắng, tính mát, có chứa độc tố nhẹ. Trong hạt quả bứa cọng có chứa chất gây nôn, chất này không mất đi ngay cả khi đã nướng hoặc bào chế kỹ. Vỏ quả bứa cọng thường được sử dụng để làm gia vị hoặc sắc thành thuốc uống chữa khát, phát sốt.