Nghề lạ ở Việt Nam: Cây dại mang về trồng 2 tháng là thu hoạch, chăm nhàn tênh vẫn lãi to, bán làm đặc sản giải nhiệt mùa hè

H.A - Ngày 21/03/2024 17:15 PM (GMT+7)

Dễ trồng, dễ chăm, rau diếp cá hiện nay đang là loại rau màu có giá thành ổn định. Với khoảng 4-5 ha đất trồng, nhiều người nông dân thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Diếp cá vốn là loại rau mọc dại ở Việt Nam trong môi trường đất ẩm, ven suối, bờ mương. Sau này, cây được biết đến rộng rãi hơn với nhiều công dụng cho sức khoẻ và sắc đẹp, dùng trong bữa cơm hàng ngày để lấy lá ăn rau sống, nhúng lẩu, ép lấy nước uống,... hay trong cả y học với nhiều tác dụng như thanh nhiệt, lợi tiểu. Hiểu được nhu cầu này của thị trường, ngày càng nhiều hộ nông dân chuyển sang trồng rau diếp cá với quy mô lớn, thu về hàng trăm triệu mỗi năm.

Nghề lạ ở Việt Nam: Cây dại mang về trồng 2 tháng là thu hoạch, chăm nhàn tênh vẫn lãi to, bán làm đặc sản giải nhiệt mùa hè - 1

Không cần tái đầu tư hạt giống, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại không cần nhiều công chăm sóc, ít ai có thể tin rằng chỉ với gần 4 công đất trồng rau diếp cá, ông Hoàn (ở xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đã có thu khoảng nửa tỷ đồng mỗi năm từ vườn rau xanh.
So với công việc trồng lúa trước đây, mức lợi nhuận này cao gấp 2 - 3 lần, bởi diếp cá có giá thành ổn định nhất trong số các loại rau màu trong những năm gần đây.

Cụ thể, giá rau diếp cá trên thị trường hiện nay được bán ở mức 20.000 - 40.000 đồng/kg, có thời gian tăng đột biến lên đến 70.000 - 90.000 đồng vào năm 2020. Hiện tại, mỗi ngày gia đình ông Hoàn thu hoạch khoảng 300kg rau để xuất bán cho thương lái. "Trồng rau diếp cá chi phí đầu tư ít, thu hoạch mỗi ngày, giá lại luôn ổn định. Mỗi ngày tôi cầm chắc 1 triệu đồng tiền bán rau diếp cá", ông Hoàn tiết lộ. 

Mỗi năm ông Hoàn thu về nửa tỷ đồng nhờ nghề trồng rau diếp cá.

Mỗi năm ông Hoàn thu về nửa tỷ đồng nhờ nghề trồng rau diếp cá.

Theo ông Hoàn, trồng rau diếp cá cho thu hoạch nhanh, sau khi trồng 2 tháng là có thể thu tiền. Càng về sau, thời gian thu hoạch rau diếp cá càng ngắn, khoảng 1,5 tháng. Theo đó, rau diếp cá phù hợp với nhiều môi trường đất trồng, nhưng đất trồng tốt nhất phải có chứa nhiều mùn. Để có được đất tơi xốp và độ mùn lý tưởng, nông dân cần trộn xơ dừa, tro trấu và phân trùn. Trước khi trồng rau diếp cá, đất phải làm sạch cỏ, cày kỹ và bón lót.

Sau khi trồng, rau diếp cá phải được tưới nước 2 lần/ngày nhằm tạo môi trường ẩm ướt và râm mát. Từ đó sẽ giúp cho rau diếp cá sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Trồng rau diếp cá mỗi năm cho thu hoạch 4 - 5 vụ, năng suất mỗi ha lên đến khoảng 20 tấn/năm. Năm 2023, trừ đi các chi phí, ông Hoàn lời hơn nửa tỷ đồng từ vườn rau diếp cá này.

Cũng chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang trồng rau xanh, gia đình ông Dũng (ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng thu về hiệu quả kinh tế cao nhờ vào 4-5 công rau diếp cá dưới chân ruộng. Bén duyên với loại rau này đã hơn 15 năm nay, vườn diếp cá của gia đình ông hiện nay sinh trưởng cực tốt, cho năng suất cao, ổn định, giúp gia đình ông thu lãi hơn 40 triệu đồng/công đất mỗi năm. 

Ông Dũng có thâm niên hơn 15 năm trong nghề trồng rau diếp cá.

Ông Dũng có thâm niên hơn 15 năm trong nghề trồng rau diếp cá.

Diếp cá là loại rau dễ trồng, vốn đầu tư thấp, thu hoạch nhanh và thích nghi với vùng đất này. Sau khi cắt rau, nông dân không phải gieo lại mà gốc rau tự đâm chồi, phát triển, đỡ tốn công như trồng lúa. “Rau có rẻ, có đắt nhưng cũng đỡ, ổn định, hiệu quả cao hơn lúa nhiều, gấp 3-4 lần so với lúa", ông Dũng nói. 

Không chỉ riêng gia đình ông Dũng, trên toàn xã Nhị Bình hiện nay cũng có khoảng 160 ha rau xanh, chủ yếu là diếp cá. Trước hiệu quả kinh tế từ rau diếp cá, ông Dũng dự tính sắp tới sẽ tiếp tục cải tạo thêm 2 sào đất ruộng để đầu tư độc canh loại rau này.

Ghé thăm vườn diếp cá của ông Khoa (thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định), nhiều người không khỏi trầm trồ với mô hình trồng cây vừa sáng tạo lại vừa kỳ công của ông. Chỉ với 2 sào đất, ông Khoa vẫn thu về hơn 6 triệu đồng/tháng đều đặn. 

Nhờ kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, vườn diếp cá của ông Khoa cho năng suất cao nhiều năm liên tiếp.

Nhờ kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, vườn diếp cá của ông Khoa cho năng suất cao nhiều năm liên tiếp.

Để rau diếp cá phát triển tốt, chống lại các loài sâu bệnh hại, ông tự làm giàn che bằng tre và lá dừa. Tuổi đời của diếp cá có thể kéo dài tới 10 năm, sau khoảng thời gian này mới trồng lại nên xét về hiệu quả kinh tế, rau diếp cá hơn hẳn so với cây ngô, cây lúa. Ông Khoa tâm sự: "Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau diếp cá cao, cũng như nắm bắt được đặc tính rau diếp cá thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng ở những vùng trũng thấp, chân ruộng sình lầy. Đầu năm 2023, tôi đã không ngần ngại cải tạo 2 sào đất trũng để trồng diếp cá, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình".

Tại vườn ông Khoa, mỗi ngày trung bình thương lái đến thu mua 100 - 150 bó rau diếp cá, với giá bán 2.000 đồng/bó, thu về 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Mô hình trồng diếp cá của nhà ông nhiều năm liền được Hội nông dân xã tuyên dương, khuyến khích bà con trong vùng nhân rộng nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài là món rau thơm trong các bữa ăn hàng ngày, rau diếp cá còn có tác dụng chữa bệnh theo các chuyên gia y tế như tăng cường hệ miễn dịch, trị mụn trứng cá, cải thiện hoạt động của đường hô hấp… 

Cây dại mọc bờ bụi ở quê nay được hô biến thành bonsai đẹp lạ, nhiều người chi tiền triệu mua về trồng làm cảnh
Sim bonsai có lợi thế là khỏe, chịu được các kiểu thời tiết, xanh quanh năm nên không phải chăm sóc cầu kỳ. Một chậu sim bonsai có giá từ 500-600...

Thị trường

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nghề lạ