Liên quan đến dịch viêm phổi do virus Corona ở Vũ Hán, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Loạt tin "fake" khiến dư luận hoang mang
Tính đến ngày 26/1, thế giới ghi nhận 2.019 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona, riêng Trung Quốc có 1.979 trường hợp tại 30 tỉnh/thành phố. Trong đó có 56 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và có 01 trường hợp là cán bộ y tế).
Bên cạnh những thông tin xác thực, trên mạng xuất hiện nhiều tin "fake news" (thông tin giả mạo, giật gân, sai lệch được phát đi dưới dạng tin tức). Đó là những lời đồn đoán, suy diễn về dịch bệnh do virus Corona gây tâm lý bất an, lo sợ.
1. Bức ảnh xe cấp cứu chuyển người Trung Quốc nghi nhiễm corona ở TP.HCM
Trưa ngày 26/1 (tức mùng 2 Tết Canh Tý), mạng xã hội lan truyền bức ảnh xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, dừng tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trong ảnh, nhiều nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ và đang di chuyển một bệnh nhân lên xe cấp cứu.
Bức ảnh sau đó làm dư luận hoang mang và đồn đoán có thêm 1 bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi do nhiễm virus corona.
Bức ảnh đã được lan truyền với chú thích cho rằng bệnh nhân có liên quan đến virus corona.
Theo Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, trưa ngày 26/1, trung tâm có nhận được cuộc goi của người dân ở quận 3 báo có một nười Trung Quốc đến Việt Nam cách đây 7 ngày, có biểu hiện sốt. Trước đó, bệnh nhân đã du lịch ở Phú Quốc 5 ngày và về TP.HCM 2 ngày.
Ngay sau đó, đơn vị đã cử nhân viên y tế cùng với những trang thiết bị, đồ bảo hộ và biện pháp chống dịch để chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân này không liên quan virus corona sau khi làm các bài test về dịch tễ học. Bệnh nhân được chuyển qua khoa khác để điều trị và không phải cách ly.
Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chưa tiếp nhận điều trị bệnh nhân nào nhiễm virus corona.
2. Khách Trung Quốc nhiễm virus Corona ở Khánh Hòa: Tin đồn thất thiệt
Sáng 25/1, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết Cơ quan An ninh đã mời một số Facebooker lên làm việc do đã đưa tin thất thất thiệt trên mạng xã hội.
Theo đó, sau khi có thông tin dịch viêm phổi do virus corona ở Vũ Hán (Trung Quốc) lan sang nhiều nước, một số người lên mạng xã hội tung tin ở Nha Trang đã có người nhiễm virus corona, gồm một người Việt Nam, một người Trung Quốc.
Tại trụ sở công an, những người này thừa nhận những thông tin đấy không có căn cứ và chỉ nghe đồn đoán. Sau đó, những người này đã lập tức gỡ bỏ những thông tin sai sự thật mình đăng tải.
Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với chủng virus corona trên địa bàn.
“Tất cả các trường hợp nghi nhiễm chúng tôi đã tiến hành cách ly và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, sau đó lấy mẫu gửi sang Viện Pasteur Nha Trang. Kết quả đến nay cho thấy chưa ca bệnh nào dương tính với virus corona”, vị lãnh đạo này nói.
Ngoài những bệnh nhân đã xác định kết quả âm tính nCoV, Bệnh viện nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đang cách ly 8 bệnh nhân để xét nghiệm virus corona mới, trong đó có 4 người Việt Nam, còn lại là du khách Trung Quốc. Những ca bệnh này đang chờ kết quả xét nghiệm virus corona từ Viện Pasteur Nha Trang.
3. Đà Nẵng bác tin đồn du khách bị nhiễm virus corona
Trên một số trang mạng xã hội đã lan truyền những tin đồn vô căn cứ về việc phát hiện du khách Trung Quốc tại Đà Nẵng bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Chăm sóc bệnh nhân bệnh viêm phổi do nhiễm virus corona tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết tính từ thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên bị sốt khi nhập cảnh vào Đà Nẵng (ngày 13/1), đến nay đơn vị này tiếp nhận 32 trường hợp nghi nhiễm virus corona mới nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với loại virus này.
Đến trưa 27/1, Bệnh viện Đà Nẵng vẫn đang theo dõi 12 bệnh nhân bị sốt, trong đó có 4 bệnh nhân người Việt, 7 bệnh nhân người Trung Quốc và 1 bệnh nhân người Cộng hòa Czech. Phần lớn các bệnh nhân đã hết sốt, thân nhiệt ổn định nhưng theo nguyên tắc, chúng tôi phải giữ lại theo dõi 3 ngày sau khi hết các triệu chứng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, dự kiến ngày mai (28/1), các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chủng virus corona mới sẽ có kết quả.
4. Ăn súp dơi là nguyên nhân dẫn đến truyền bệnh virus Corona: Thông tin chưa kiểm chứng
Theo các nhà nghiên cứu, dịch nCoV-2019 rất có thể dơi cũng là vật chủ tự nhiên, sau đó virus tạo ra biến thể gen ở vị trí Beta, rồi từ dơi nhảy sang rắn là vật chủ trung gian, từ rắn virus lại nhảy sang người ở chợ bán thịt ở Vũ Hán.
Súp dơi - món ăn bị nghi là nguồn gốc phát tán virus corona
Nhiều nguồn tin khẳng định thịt dơi là nguyên nhân dẫn đến truyền bệnh lên người tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin trên chưa được kiểm chứng và khẳng định bởi các cơ quan chức năng.
5. 13 quốc gia đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc: Sai sự thật
Trước sự lây lan nhanh chóng của virus Corona, mạng xã hội xuất hiện thông tin 13 quốc gia đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh với Trung Quốc để ngăn chặn lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật.
Tính đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên là quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới với mọi du khách nước ngoài như là một biện pháp ngăn ngừa virus viêm phổi lạ lây lan.
Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay Kuala Lumpua
Ngày 27/1, theo hãng tin Reuters, Macau cho biết sẽ từ chối nhập cảnh đối với du khách đến từ tỉnh Hồ Bắc và những người đã đến tỉnh này trong vòng 14 ngày trước trước đây trừ khi họ có giấy tờ chứng minh mình không bị nhiễm virus corona mới.
Malaysia cũng vừa áp dụng biện pháp cấm tạm thời với công dân Trung Quốc đến từ Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Mông Cổ cũng quyết định đóng cửa biên giới đối với xe hơi đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, nước này tạm thời đóng cửa các trường học và khu công cộng như trung tâm thể thao đến ngày 2/3, hủy các sự kiện công cộng như hội nghị hội thảo, sự kiện thể thao, giải trí, du lịch cũng bị hủy hoặc hạn chế để ngăn ngừa sự lây lan của virus corona mới.
6. Thổi để đo nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm virus Corona?
Trước tình hình các ca viêm phổi cấp do virus Corona liên tục gia tăng, nhiều người lo ngại việc thổi vào ống đo nồng độ cồn sẽ có thể gây lây nhiễm. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng nên tạm thời hoãn thổi nồng độ cồn để tránh lây lan dịch bệnh.
(Ảnh minh họa)
Về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Ngọc Hoàn, Phó đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông cao tốc đường bộ số 2 (Đội số 2) cho biết theo quy định, sau khi kiểm tra một người, các ống thổi sẽ được bỏ đi, thay thế bằng một ống thổi mới. Việc kiểm tra được đảm bảo đúng quy trình để đảm bảo an toàn, vệ sinh cho lái xe.
Ông Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Các bệnh lây lan qua đường hô hấp đều có nguy cơ lây nghiễm nhưng khi thiết kế loại ống thổi nhà sản xuất đã tính toán để hạn chế lây nhiễm và chỉ dùng 1 lần".
Cách nhận biết tin giả, tin đồn thất thiệt
Câu chuyện về những tin giả được lan truyền liên quan đến virus Corona đang làm nhiều người dân hoang mang. Những thông tin giả này đánh trúng vào tâm lý của người nghe nên thường được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Chính vì thế, khi tiếp xúc với một thông tin lan truyền mạng xã hội, bạn hãy là một người dùng tỉnh táo để phân biệt tin giả và tin thật, và lượng giá thông tin.
Để tránh bị hoang mang bởi những tin đồn chưa rõ thực hư, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia) đã đưa ra một vài cách nhận biết:
- Nguồn thông tin từ đâu và từ ai, có đáng tin cậy không?
- Kiểm tra nội dung thông tin qua các trang web khác. Nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy, mà chỉ là đồn nhảm. Chẳng hạn như thông tin cho rằng Singapore không cho hàng trăm khách từ Vũ Hán nhập cảnh, nhưng nguồn tin chính thức từ chính phủ Singapore khẳng định đó là tin giả tạo.
- Kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân, kích động, cảm tính.
- Không chỉ đọc tựa đề, rất nhiều bản tin trên báo có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất cứ chứng cớ nào. Có những trang web nước ngoài còn tung ra những "thuyết âm mưu" lạ lùng. Chẳng hạn như họ cho rằng các công ty dược tạo ra những chủng vi khuẩn mới để... bán thuốc.
- Kiểm tra hình ảnh: Rất nhiều bản tin kèm theo những hình ảnh ghê rợn (như ăn súp dơi) nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus đang được quan tâm. Rất nhiều hình trên MXH không hề có chú thích nhưng làm cho người xem có cảm tưởng như là liên quan đến thông tin.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (65 tuổi) là một nhà khoa học tên tuổi trong lĩnh vực loãng xương. Tại Australia, ông Tuấn là giáo sư khoa Y thuộc Đại học New South Wales, đồng thời là Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan. Tháng 10 vừa qua, ông là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia bởi những đóng góp lớn cho lĩnh vực loãng xương. |