Đối với những phụ huynh đang chăm con nằm viện, khi nhắc đến tết, nhắc đến gia đình họ luôn trực trào nước mắt vì còn nhiều nỗi lo canh cánh trong lòng.
Đối với bất kỳ ai, đầu xuân năm mới cũng là lúc gia đình được đoàn tụ, sum vầy bên nhau, chúc nhau hạnh phúc, mạnh khỏe và thành công. Nhưng đối với những ông bố, bà mẹ và thậm chí là cả những đứa trẻ từ 2 tháng tuổi, đến 10 tuổi ở xóm trọ Bệnh viện Nhi Trung ương thì lại hoàn toàn khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có những gia đình đã đón tết ở xóm trọ nghèo này 2 năm liên tiếp. “Chẳng ai muốn thế đâu chú ơi, nhưng có lẽ trời bắt phải vậy thì đành phải chấp nhận thôi, còn nước còn tát chứ biết làm sao”, anh Hà chia sẻ.
Anh Vũ Văn Hệ tâm sự với phóng viên nơi phòng trọ.
Một trường hợp khác là anh Vũ Văn Hệ cũng từng “ăn tết” ở xóm trọ nghèo này chia sẻ: “Con tôi ra đời từ năm 2014 đã qua hai cái tết rồi mà bố con tôi chưa một lần được sum vầy cùng gia đình trong ngày ý nghĩa nhất của năm.
Cách đây 2 tháng, tình trạng của cháu có tiến triển lúc đó tôi hy vọng tết này sẽ được về sum họp với gia đình, ai ngờ đợt này cháu bệnh lại nặng thêm. Đến giờ này thì tôi chắc chắn rằng năm nay tôi lại phải ăn tết trong bệnh viện”.
Khi hỏi về gia đình ở quê, anh Hệ cho biết: “Gia đình tôi ở nhà có vợ và 1 con gái, hôm trước vợ tôi có nói sẽ ra Hà Nội để gia đình được gần nhau, nhưng tôi động viên vợ tôi nên ở quê vì mình còn họ mạc, nhà cửa và hơn hết là tiết kiệm từng đồng để lo chạy chữa cho cháu đang nằm trong viện”.
Anh Khiêm và vợ xác định ăn tết ở bệnh viện để chăm con 6 tháng tuổi.
Trong một khu trọ khác, khi tiếp xúc với anh Phạm Văn Khiêm (Trực Ninh – Nam Định) phóng viên mới thấy hết được những nỗi khổ của các bậc phụ huynh “ăn chực, nằm chờ” trông con mắc bệnh, điều đó lại càng được thể hiện rõ vào thời điểm nhà nhà đón tết, người người sắm tết.
Anh Khiêm cho biết, con anh được 6 tháng tuổi nhưng đã phải nằm viện 2 tháng vì tim bẩm sinh, kèm theo đó là phù não lan tỏa. “Tết này, cả hai vợ chồng tôi phải trực chiến liên tục cùng con ở bệnh viện. Cũng nhớ lũ trẻ ở quê lắm, nhưng biết làm sao. Mấy hôm trước tôi về quê lo việc ở nhà, nhưng một mình vợ ở đây cứ khóc thút thít vì thương con, chẳng biết làm sao đành phải nghỉ việc lên đây hai vợ chồng trông con vậy”.
Không có chồng đi cùng, một mình chị Hòe (Đông Hưng – Thái Bình) tất bật sáng tối hết lo chạy tiền chữa bệnh, lại đến lo sữa bỉm cho con. Nhưng khi hỏi về những ngày Tết sắp tới, chị Hòe dừng hết mọi việc đang làm và bật khóc chia sẻ: “Tôi nói chú không được viết ra nhé, không ở quê không hiểu bệnh tình con tôi, họ lại dị nghị”.
Chị Hòe ngấn lệ khi nói về sum vầy cùng gia đình trong dịp tết.
“Con tôi mắc bệnh bẩm sinh, nhưng các bác sĩ cho biết phẫu thuật thành công rất cao. Tôi thì tôi tin tưởng bác sĩ lắm, nhưng cứ nghĩ đến cảnh hai cháu ở quê thiếu mẹ tết này chúng nó sẽ ra sao tôi thấy mình tủi thân lắm, thương lũ trẻ lắm. Giờ cũng chỉ biết gọi điện về động viên các con cố gắng học hành, nghe lời ông bà để tôi lo bệnh cho cháu ở đây”, chị Hòa vừa khóc, vừa nói.
Bấy nhiều con người, mỗi người một câu chuyện cảm động khác nhau, mặc dù họ đang đau đáu một nỗi niềm mong sao con nhanh khỏi bệnh, nhưng bên cạnh đó là canh cánh những nỗi lo ngày tết gia đình phải xa nhau, và hơn thế nữa là nỗi buồn “ăn tết” trong bệnh viện.
Tình cảm của những người cùng cảnh ngộ nơi xóm trọ nghèo.
“Năm mới, chúng tôi chỉ mong muốn làm sao con khỏi bệnh, để về quê đoàn tụ với gia đình. Nhưng tết năm nay, ở xóm trọ này dù mỗi người mỗi quê, mỗi cảnh nhưng chúng tôi coi nhau như một “gia đình” để xua đi cái lạnh mùa đông”, đó là mong muốn của mọi người nơi xóm trọ nghèo nhân dịp đầu năm mới.
Đối với những người thuê trọ nuôi con là vậy, nhưng những người có nhà trọ cho thuê, có lẽ họ cũng đồng cảm được với cái khó, cái khổ mà các gia đình phải chịu đựng, nên trong cuộc sống hàng ngày hộ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các gia đình.
Anh Trần Tiến Khương - Chủ nhà trọ ở gần Bệnh viện Nhi cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 10 phòng trọ, giá thuê 70.000/ngày, nhưng tôi miễn phí toàn bộ điện nước sinh hoạt. Trong dịp Tết này, những gia đình ở lại vì con phải điều trị, tôi miễn phí toàn bộ tiền phòng trong những ngày tết, đó coi như là tiền mừng tuổi cho các cháu”.
Anh Khương, chủ xóm trọ chia sẻ với những người thuê trọ.
Còn ông Hiệp, chủ phòng trọ kế bên chia sẻ: “Tôi có hơn 40 phòng cho thuê, giá phòng tùy loại từ 15.000 đến 70.000 đồng/người, trong những ngày Tết tôi cũng sẽ ở lại xóm trọ cùng mọi người để chia sẻ những khó khăn với họ.
Tôi nghĩ, họ là những người khổ nhất rồi, vừa “đất khách quê người”, vừa con phải nằm viện, vừa không được sum họp gia đình. Tôi thì tôi chia sẻ với họ được đến đâu thì hay đến đó”.
Với những tấm lòng chia sẻ của anh Khương, ông Hiệp và sự nỗ lực cố gắng của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, hy vọng những phụ huynh năm nay phải “ăn tết” ở bệnh viện sẽ không còn lặp lại trong những năm sau.