Chỉ muốn nhờ em trai đánh dằn mặt em vợ để Hậu bớt thói trộm cắp. Vì đánh quá tay, Hậu tử vong. Nhiều người trong gia đình vướng vòng lao lý.
Trong nhiều năm làm lính hình sự, trực tiếp tham gia phá nhiều vụ trọng án, trực tiếp lấy lời khai của nhiều nghi can giết người, bên cạnh việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của những đối tượng này, thì việc tác động tâm lý, vận động đối tượng hướng thiện, đánh thức bản ngã ẩn sâu bên trong con người khiến đối tượng tỉnh ngộ nhận ra điều sai trai mà thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật cũng được Thượng úy Vũ Thanh Xuân, Đội phó Đội hướng dẫn điều tra án – Phòng Cảnh sát Hình sự công an tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm.
Anh còn nhớ, vụ án xảy ra cuối tháng 11/2016 cũng khiến anh và các đồng đội phải vất vả mới đấu tranh làm rõ được, trong đó anh phải vất vả thuyết phục đối tượng cầm đầu chủ mưu của vụ án.
Theo Thượng úy Xuân, Hoàng Văn Vĩnh vốn là anh rể của Vương Văn Hậu, cả hai cùng trú tại thôn Trấn Kiêng Đại Phú, huyện Sơn Dương. Hậu đã có gia đình riêng nhưng bản tính ham chơi, rượu chè nên gia đình sớm li tán.
Hậu được anh rể nhận về nhà nuôi ăn ở và chăm sóc đàn dê của gia đình. Không biết tu chí làm ăn, Hậu đã nhiều lần mang dê của gia đình anh rể đi bán khiến anh chị tức giận, tuy nhiên do là người trong gia đình nên đôi lần Vĩnh cũng nhỏ to nhắc nhở em cậu. Thay vì thay đổi tính nết, Hậu lại càng làm tới. Vĩnh không bằng lòng với cậu em vợ ngang ngạnh này.
Tối ngày 28/11, Hậu bắt trộm dê của anh rể mang đến một quán nhậu gán nợ. Vĩnh biết chuyện ra đến nơi, nhưng nhìn thấy em cậu say rượu, chân nam đá chân chiêu nên không nói gì. Muốn dạy cho em vợ một bài học, Vĩnh nhờ em trai đánh dằn mặt Hậu.
Em trai Vĩnh tên Thi đồng ý và nhờ thêm Trang người cùng xóm lừa Hậu đến chỗ vắng và đánh. Do quá tay nên Hậu đã tử vong tại trạm y tế xã.
Các đối tượng phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Vào cuộc điều tra, công an dần làm rõ chân tượng sự việc và những người liên quan đến cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, lúc đầu khi làm việc với điều tra viên, Vĩnh một mực khai báo mình không biết gì, không liên quan gì đến cái chết của em vợ.
Nghi can còn khá bình thản. Bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan công an đã có những manh mối đầu tiên về vụ án. Tuy nhiên, những bằng chứng này vẫn chưa có căn cứ chính xác mà mới chỉ dừng lại ở những nghi vấn giả thuyết. Tuy nhiên, bằng linh cảm nghề nghiệp, Thượng úy Xuân nghi ngờ cái chết của Hậu có liên quan trực tiếp đến Vĩnh. Cái khó là để nghi can này khai nhận.
Qua đấu tranh, trước những câu hỏi sắc bén của điều tra viên, cũng tác động tâm lý, Vĩnh đã phải khai nhận việc mình nhờ người đánh dằn mặt Hậu.Ngay sau đó, công an tiến hành bắt giữ Thi, Trang để điều tra. Biết Vĩnh đã khai nhận, Thi và Trang cũng phải cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi.
“Ở vụ án này, công an vất vả đấu tranh với đối tượng đầu vụ, mắt xích quan trọng trong vụ án này. Từ lời khai của đối tượng Vĩnh, công an đã làm rõ được vụ án. Được dẫn giải xuống trại tạm giam, ra đến cửa, Vĩnh hối hận: Cũng chỉ vì trót dại mà tôi gây ra tội lỗi, mong mọi người ở nhà tha thứ...”, Thượng úy Xuân chia sẻ.