Nghe có loáng thoáng tiếng người từ phía trên nên nữ du khách gắng kêu cứu thật lớn nhưng tiếng kêu của bà chìm vào trong tiếng mưa gió và đáp lại vẫn là sự im lặng.
Những ngày này, câu chuyện về nữ du khách sống sót kỳ diệu sau 7 ngày ở một mình dưới vực sâu của Khu di tích, danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) đã thu hút sự chú ý và hiếu kỳ của dư luận. Nhiều người không khỏi tò mò về địa thế nơi nữ du khách N.T.B.L (59 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã rơi xuống rồi trở về đầy kỳ diệu.
Phía sau lan can là vực rất dốc (Ảnh: báo Lao Động)
Theo phóng sự của VTV, được biết, khu vực lan can ở chùa Đồng - đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử được xác định là nơi nữ du khách đã rơi xuống. Khoảng cách từ lan can xuống đáy vực ước tính sâu hàng trăm mét và nơi mà nữ du khách được tìm thấy có độ sâu khoảng 35 - 40m.
Theo lời kể của bà L (SN 1963, ở Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nạn nhân bị rơi và kẹt dưới vực sâu Yên Tử 7 ngày, ngay từ khi gặp tai nạn bà đã tìm mọi cách kêu cứu. Thậm chí có thời điểm bà nghe có loáng thoáng tiếng người từ phía trên nên gắng kêu cứu thật lớn nhưng tiếng kêu của bà chìm vào trong tiếng mưa gió và đáp lại vẫn là sự im lặng.
May mắn người phụ nữ vẫn có chỗ trú ẩn trong vách đá kín, tìm được áo mưa cũng như các túi nylon để giữ ấm. Bà L cũng tìm lại được túi cơm cháy và nước mang theo bị rơi trước đó và hái lá dương xỉ, lạc tiên để ăn. Bà cũng tìm được một bình sắt và thìa để phát tín hiệu kêu cứu.
Dưới vực sâu, bà Liên liên tục kêu cứu nhưng do thời tiết xấu, tiếng kêu cứu chìm vào trong mưa gió (Ảnh: Ban quản lý Yên Tử cung cấp).
Lý giải về việc này, một cán bộ Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) cho biết, thời tiết tại khu vực chùa Đồng đặc biệt và rất khắc nghiệt. Trong một ngày nơi đây có thể thể hiện cả 4 mùa, thậm chí thường có gió lớn và có mây mù bao phủ. Còn thời tiết trong khoảng thời gian bà Liên rơi xuống và kẹt lại dưới vực sâu rất xấu.
Cụ thể, vào những ngày từ 27/4 đến 30/4, sương mù dầy đặc, có mưa, tầm nhìn hạn chế khoảng 5-7 m. Từ ngày mùng 1 đến mùng 2, tuy trời quang hơn nhưng gió to, phần lớn không có mây và rét. Do đó mặc dù lực lượng của Ban quản lý chia ca thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại khu vực hàng ngày cũng không thể nghe thấy tiếng bà L kêu cứu.
Cũng theo vị cán bộ này, chỉ đến ngày 3/5, thời tiết tốt hơn, trời quang, mây tạnh, gió nhỏ, lực lượng tuần tra kiểm soát mới nghe thấy tiếng kêu cứu của bà L. Ngay lập tức, Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử huy động lực lượng bảo vệ và cả những người đang phục vụ ở chùa Đồng để cứu người.
Một hướng đi dây xuống để xem nạn nhân có bị mắc ở lưng chừng núi không. Một hướng đi theo các vách đá, cây cối mọc chắc chắn. Ban quản lý Di tích Yên Tử đã cử người thay nhau cõng bà xuống núi, rồi đưa bà về tận gia đình.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, việc bà L sống sót thần kỳ qua 7 ngày một phần là do may mắn nhưng chủ yếu là do bà có kỹ năng sinh tồn rất tốt, biết bảo vệ bản thân, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Khu di tích danh thắng Yên Tử là một địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng thu hút nhiều du khách dù địa hình hiểm trở (Ảnh: Thanh Niên)
Trước vụ việc của bà L, đã có một số du khách bị rơi xuống vực sâu ở dọc tuyến lan can phía Tây Nam chùa Đồng và đều được cứu sống. Tuy nhiên những người này đều bị thương tích khá nặng và thời gian từ lúc gặp tai nạn đến khi được cứu sống rất ngắn.
Vào trung tuần tháng 12/2011, lực lượng chức năng đã giải cứu một nam thanh niên tên Nguyễn Tài Q. (SN 1984, ở Hà Nội) dưới vực đá sâu khoảng 70m, vách dốc dựng đứng cũng ở khu vực phía nam chùa Đồng. Nạn nhân còn sống sót nhưng bị nhiều chấn thương.
Cũng theo Ban quản lý, nạn nhân Q. sau khi được cứu sống cho biết, sáng ngày 13/12/2011, nạn nhân mang theo máy ảnh, một mình lên chùa Đồng. Khi lên đến nơi, do thấy phong cảnh đẹp nên đã tự ý trèo qua lan can an toàn ra phía ngoài để chụp ảnh; không may dây máy ảnh mắc vào chân dẫn đến trượt chân rơi xuống vực.
Sau 24 giờ dưới vực sâu trong thời tiết giá lạnh với nhiều vết thương nặng, anh Q. may mắn được lực lượng chức năng tìm thấy và cứu sống.
Tương tự, vào đầu tháng 9/2016, các nhân viên thuộc Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cũng phát hiện tiếng kêu cứu khá yếu ớt từ dưới vực sâu cùng khu vực phía Nam chùa Đồng. Tổ chức tìm kiếm, sau hơn 1 giờ, lực lượng chức năng phát hiện một nam thanh niên đang nằm vắt ngang một chạc cây cổ thụ dưới vực sâu trong tình trạng bị thương.
Nạn nhân sau đó nhanh chóng được đưa lên phía trên và được xác định là Trần Quang Đ. (ở Bắc Ninh). Nạn nhân kể lại đã tự ý trèo qua lan can dù đã có biển cảnh báo dẫn tới trượt chân ngã xuống vách núi có độ sâu tới 200m. Tuy nhiên, nạn nhân may mắn bị mắc vào một cành cây ở độ sâu 30m rồi ngất đi. Sau đó một lúc nạn nhân tỉnh dậy kêu cứu và được lực lượng cứu hộ nghe thấy.
Liên quan tới vấn đề an toàn của du khách khi tham quan di tích, trả lời báo Lao Động, Ông Lê Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, sắp tới sẽ hàn thêm các song sắt toàn bộ tuyến lan can phía Tây Nam chùa Đồng. Ngoài việc đặt các biển cảnh báo, các nhân viên của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cũng thường xuyên nhắc nhở mỗi khi có du khách đến gần khu vực lan can.
Đã có một số du khách bị rơi xuống vực sâu ở dọc tuyến lan can phía Tây Nam chùa Đồng và đều được cứu sống.