Khi hỏi về những điều cần kiêng trong tháng “cô hồn” (tháng 7 âm lịch) như không nên cắt tóc, không nên đi du lịch, khai trương, phơi quần áo vào ban đêm… PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng đó là những suy nghĩ hoàn toàn sai lệch, mê tín dị đoan.
Tháng 7 (âm lịch) hay còn gọi là tháng “cô hồn”, nhiều người thường đưa ra rất nhiều kiêng kỵ cần tránh. Đặc biệt hơn, những điều này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội gây tâm lý hoang mang, lo lắng.
Nói chuyện với PV, chị Ngọc Diệp (Hà Nội) cho hay: “Từ trước đến giờ tôi cũng không sợ tháng “cô hồn” lắm đâu. Nhưng thời gian gần đây, vào facebook tôi lại đọc được bạn bè chia sẻ những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn như: Không nên mua xe, quần áo, vàng bạc. Không nên phơi quần áo vào ban đêm, không được đi chơi quá 22h. Hay thậm chí không được thức quá khuya, không được mài dao kéo… Đọc xong tôi rất lo lắng. Chẳng nhẽ tháng 7 phải kiêng hết những điều này sao?”.
Những điều kiêng kỵ trong tháng "cô hồn": Ảnh minh họa.
Cũng theo chị Diệp, từ khi đọc được những lời này chị không dám làm bất kỳ việc gì. Vợ chồng chị có ý định mua ô tô vào tháng 7, nhưng chị một mực bắt chồng phải chờ. Có hôm, chị thấy chồng mang dao kéo đi mài chị vội vàng giật lại để tránh những vận hạn. Mọi thứ trong gia đình chị rối tung lên. Chị thật sự không biết những điều mình kiêng kỵ liệu cuộc sống tốt lên không?
Lý giải nguồn gốc, nguyên nhân sâu xa của những điều kiêng kỵ đang được lan truyền này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí- Tuyên truyền) cho biết: “Đây là những quan điểm hết sức sai lầm, không có cơ sở khoa học nào chứng minh không làm những việc trên sẽ tránh vận hạn trong tháng “cô hồn”.
Chúng ta phải hiểu, tháng “cô hồn” cũng là tháng 7 âm lịch, tháng này chịu sự tác động và ảnh hưởng lớn của tự nhiên. Nếu không cẩn thận sẽ bị mặt trái của nó tác động đến như mưa bão, sạt lở... Chính vì thế, do quy luật của tự nhiên ảnh hưởng đến tâm lý khiến con người lo sợ và nghĩ ra vô vàn những điều cần phải tránh”.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung.
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nhiều người mang tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng việc thực hiện theo quan niệm dân gian cũng cần linh hoạt, tùy thuộc vào từng thời gian thích hợp và khoa học. Nếu quá câu nệ hay phụ thuộc sẽ bị ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc và sức khỏe.
“Theo phật giáo, tháng 7 âm lịch có ý nghĩa rất quan trọng và thiêng liêng. Đó là mùa Vu lan báo hiếu, để con cái nhớ đến bậc sinh thành từ đó biết tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo hơn với cha mẹ. Vì vậy, đừng nhân hóa mọi chuyện lên để tự mang phiền phức vào người. Hãy biết tư duy một cách sáng suốt và khoa học chứ không nên mê tín”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung giải thích.
Hãy để cuộc sống bình thường như những ngày tháng khác Cùng chia sẻ với PV, PGS.TS Lê Quý Đức (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa) cho hay, khi người dân càng sợ những điều đó thì càng tạo ra tâm lý nặng nề. Bởi, không ai kiểm chứng được đúng sai ở việc kiêng kỵ này. Thực tế, người Việt quan niệm tháng Bảy là tháng “xá tội vong nhân”, nhưng nó lại đang trở thành một nỗi ám ảnh không tốt và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần. Con người có niềm tín ngưỡng là để yên tâm về mặt tâm lý, nhưng đừng biến nó rơi vào niềm mê tín tiêu cực. Vì thế, mọi người hãy để cuộc sống mình bình thường như những ngày tháng khác để yên tâm làm ăn, tránh những ám ảnh không cần thiết. |