Trên cánh tay của cô gái 25 tuổi ở Hà Nội lúc nào cũng có 5,7 chiếc vòng. Lẩn khuất sau những chiếc vòng tay đủ màu sắc đó là những vết sẹo nhỏ, lộn xộn chạy dài khi bố mẹ cô chuẩn bị ly hôn.
Tối hôm qua, cô bạn Nguyệt Anh nhắn tin cho tôi: “Bố tớ sắp tách khẩu rồi”. Cô nói thêm bố cô sẽ lấy vợ mới và cô có thể sẽ phải rời khỏi nhà vào tháng tới.
Cô gái Hà Nội 25 tuổi này có một điểm khiến tôi chú ý, trên cánh tay trái của cô lúc nào cũng đeo tận 5 đến 7 chiếc vòng tay. Lẩn khuất sau những chiếc vòng tay đủ màu sắc đó là những vết sẹo nhỏ, lộn xộn chạy dài.
Sau này, tôi mạnh dạn hỏi Nguyệt Anh về những vết sẹo ấy. Cô giải thích đó dấu tích còn sót sau khi cô sử dụng lưỡi lam cứa vào tay mình mỗi đêm, trong thời gian cô bị sang chấn tinh thần, nghiện cảm giác tự làm đau mình khi bố mẹ cô chuẩn bị ra tòa ly hôn.
Theo Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, trung bình mỗi năm cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn, với tỉ lệ 30%. Tức là cứ 3 cặp vợ chồng kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ mà vợ/chồng trong độ tuổi từ 18 đến 30, số người ly hôn dưới 30 tuổi năm sau luôn cao hơn năm trước. |
Lý do của các vụ ly hôn, thường được cả hai – những người từng xem nhau là vợ chồng đưa ra trước tòa là: Không hợp.
Tuy nhiên, theo khảo sát xã hội học, nguyên nhân tỉ lệ ly hôn ngày càng cao và độ tuổi ngày càng trẻ là do sự thay đổi trong nhận thức của thanh niên ngày nay: Họ bắt đầu nhìn nhận và tôn trọng giá trị cá nhân lớn hơn xưa rất nhiều.
Các lý do như quan niệm xã hội, ràng buộc đạo đức, họ hàng, con cái... không còn là lý do để duy trì đời sống hôn nhân mà vợ và chồng phải đè nén nhau với những chuỗi ngày đau khổ về thể chất hoặc tinh thần.
Ly hôn là một giải pháp văn minh nhằm giải phóng con người ra khỏi một cuộc sống bế tắc và những mối quan hệ thất bại.
3 cặp vợ chồng kết hôn thì có 1 cặp ly hôn
Tuy nhiên, sau mỗi cuộc ly hôn là những nỗi đau không thể chữa lành.
25% nam và 33% nữ cảm thấy khủng hoảng tâm lý sau khi ly hôn. 31,2% ý kiến được khảo sát cho rằng sau ly hôn thiệt thòi lớn hơn thuộc về phụ nữ. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng đàn ông cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau những cuộc ly hôn và hậu quả là sự thay đổi quan niệm sống theo hướng tiêu cực, trở nên bi quan và luôn sống trong sự day dứt.
Một cuộc khảo sát được tham gia bởi 324 người đã ly hôn ở lứa tuổi từ 20 - 30 (nữ chiếm 59%, nam 41%, hơn 80% gia đình chỉ tồn tại không đến 5 năm) thì có đến 62% người đều khẳng định rằng con cái là đối tượng chịu sự thiệt thòi nhiều nhất sau ly hôn.
Những người trong cuộc thừa nhận cho dù người nuôi con là cha hay mẹ thì cũng đều không có nhiều thời gian chăm sóc con, đứa trẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu vắng sự chăm sóc cả về vật chất và tinh thần của người còn lại.
Quay về câu chuyện của Nguyệt Anh, cô sau đó đã gửi cho tôi một bức hình. Đó là một hình tròn, ở giữa ghi lại những con số đặc biệt. Cô bảo, sau khi bố tách hộ khẩu của cô ra ngoài, cô sẽ xăm hình vẽ này vào cánh tay trái. Đó là địa chỉ nhà mà gia đình cô đã sống, khi cô còn bố, mẹ và chị gái.
Từ chuyện của Nguyệt Anh, tôi lại chợt nhớ một câu chuyện khuyết danh về cặp vợ chồng già khi được phỏng vấn vì sao vẫn yêu nhau bền vững đến thế, bà cụ đã móm mém trả lời đầy triết lý:
"Ở thời của chúng tôi, khi một chiếc đồng hồ chỉ sai giờ, chúng tôi sửa kim giờ, chứ không thay cả chiếc đồng hồ”.
Ly hôn thật ra không chỉ là biểu hiện của mối quan hệ đã hỏng hóc và cần được xóa bỏ mà còn thể hiện cách sống của những người trẻ hiện đại, thay vì sửa chữa những thứ đã hỏng thì họ sẽ chọn biện pháp thay thế và vứt đi.
Tuy nhiên, dù mọi chuyện diễn ra như thế nào, sẽ luôn tồn tại một câu hỏi mà bất kỳ ai cũng khó có thể đưa ra đáp án: Sau mỗi vụ ly hôn, những đứa con sẽ ở vị trí nào?